Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 04/10/2024

Ðắk Lắk: Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường

12/07/2017

   Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, nơi đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và một phần của sông Ba, với tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học (ĐDSH) phong phú. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác BVMT, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo sinh kế cho người dân. Để tìm hiểu về tình hình thực hiện công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk Y Kanin H’Đơk về vấn đề này.

Ông Y Kanin H’Đơk - Phó Giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk

   Thưa ông, sau 2 năm triển khai thi hành Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn, công tác quản lý môi trường địa phương đã có chuyển biến như thế nào?

   Ông Y Kanin H’Đơk: Ngay sau khi Luật BVMT năm 2014 được ban hành, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 7717/KH-UBND ngày 21/10/2014 tổ chức triển khai và phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Kế hoạch trên, Sở đã tổ chức tập huấn phổ biến một số nội dung của Luật BVMT năm 2014, các văn bản hướng dẫn thi hành cho hơn 265 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở; cán bộ phòng TN&MT cấp huyện, Ban quản lý khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh và cán bộ cấp xã, phường thuộc TP. Buôn Ma Thuột. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị phổ biến văn bản pháp luật về BVMT cho hơn 3.500 lượt người thuộc các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội của tỉnh; phường, thôn, buôn làng và một số đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

   Ngoài ra, hàng năm, Sở TN&MT đã tổ chức triển khai công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác kiểm tra, thanh tra đã phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm và có sự chấn chỉnh, xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Sở đã tiến hành kiểm tra, thanh tra trong công tác BVMT đối với 94 cơ sở và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử phạt 16 đơn vị, với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.

   Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các khu, CCN chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đầy đủ (trừ Khu công nghiệp Hòa Phú đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung). Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến nằm rải rác trong khu dân cư và tập trung tại khu vực nông thôn. Một số cơ sở sản xuất, chế biến ở các khu vực hẻo lánh, chưa chấp hành nghiêm các quy định về BVMT, hoặc chỉ thực hiện đối phó. Đây là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua.

   Xin ông cho biết việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT trên địa bàn tỉnh như thế nào?

   Ông Y Kanin H’Đơk: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, Sở TN&MT đã có Công văn số 1891/STNMT-BVMT triển khai đến UBND các huyện, thị xã, TP về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong BVMT và Công văn số 2173/STNMT-BVMT đề nghị các Sở, ngành, UBND cấp huyện tiếp tục tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT.

   Ngoài ra, Sở TN&MT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg như Công văn số 156/UBND-NN&MT về việc tăng cường công tác BVMT trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; Công văn số 511/UBND-NN&MT chỉ đạo các Sở, ban ngành và UBND các huyện/thị xã/TP thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT; Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 17/4/2017 về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Sở TN&MT đang xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động của tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến góp ý của các Sở, ban ngành, UBND các huyện/thị xã/TP trước khi trình UBND tỉnh ban hành.

   Để chấm dứt tình trạng khai thác rừng trái phép, thực hiện nghiêm lệnh “đóng cửa rừng” của Thủ tướng và tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH, tỉnh có những giải pháp gì, thưa ông?

   Ông Y Kanin H’Đơk: Hiện tại, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tăng cường triển khai hoạt động bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/2009/CT-UBND ngày 8/12/2009 và Chỉ thị số 05/2014/CT-UBND ngày 18/6/2014 về tăng cường quản lý gây nuôi, mua bán, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch Hành động về bảo vệ ĐDSH, an toàn sinh học tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2010 - 2020; Quyết định số 400/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực môi trường; Kế hoạch số 82-KH/TU ngày 27/1/2014 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã... Hiện Sở đang xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020; Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

   Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách, dự án đầu tư cho công tác bảo tồn ĐDSH như thành lập các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn thiên nhiên; xây dựng Dự án bảo tồn voi, bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, quy hoạch và phát triển hệ thống rừng đặc dụng của tỉnh, Dự án điều tra về thực vật tại VQG Chư Yang Sin... Tuy nhiên, hiện nay, Sở TN&MT chưa có cán bộ chuyên trách về ĐDSH và nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn ĐDSH còn thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.

Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới ngày 5/6/2017 tại Đắk Lắk

   Nhằm triển khai hiệu quả công tác BVMT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông có những đề xuất kiến nghị gì?

   Ông Y Kanin H’Đơk: Để phát huy hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về BVMT, thời gian tới, Bộ TN&MT, tỉnh Đắk Lắk xem xét, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là chính quyền địa phương và người đứng đầu về công tác BVMT, xem đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh nghiên cứu xây dựng phương án đảm bảo kinh phí cho BVMT, cân đối kinh phí thường xuyên sự nghiệp môi trường hàng năm từ 1% trở lên trên tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm; ưu tiên bố trí ngân sách phù hợp cho công tác điều tra cơ bản, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo tồn ĐDSH và ứng phó với biến đổi khí hậu.

   Song hành cùng với giải pháp nâng cao năng lực quản lý môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã, thời gian tới, tỉnh tăng cường đầu tư, kêu gọi, huy động các nguồn lực cho công tác BVMT; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận, xử lý, lưu giữ số liệu quan trắc tự động liên tục truyền về từ các khu công nghiệp (KCN), CCN và cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa BVMT; xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn lực, thu hút đầu tư và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động thu gom, xử lý chất thải, cung cấp dịch vụ BVMT.

   Các Bộ, ngành thực hiện nghiêm, chặt chẽ các tiêu chí môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án đầu tư, không cấp phép đầu tư xây dựng các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn rủi ro, sự cố môi trường; chú trọng lựa chọn, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; rà soát, chấn chỉnh công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch BVMT. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện biện pháp BVMT của các dự án, đặc biệt là công tác hậu kiểm. Các Sở, ban, ngành chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, khu vực chăn nuôi tập trung và sản xuất nông nghiệp; tiến hành điều tra, rà soát, phân loại các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn tỉnh và yêu cầu các KCN, CCN phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật BVMT theo quy định pháp luật.

   Các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; tăng cường đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn, hạ tầng kỹ thuật về môi trường; thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp bằng các biện pháp thích hợp; ưu tiên tái chế, tái sử dụng, hạn chế tối đa việc chôn lấp.

   Cấp ủy và chính quyền các cấp tập trung quán triệt nhiệm vụ BVMT đến từng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ BVMT; phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền về BVMT và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định pháp luật về BVMT.

   Xin cảm ơn ông.

Phương Tâm

(Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn