Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Đánh giá nguồn lực phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vân Đồn

13/04/2018

                                                      TS. Lê Thu Hương

Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội

 

     Huyện đảo Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh có nhiều điều kiện để phát triển du lịch sinh thái (DLST) dựa vào cộng đồng, là cơ sở để phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Vân Đồn cần có các giải pháp về chính sách, mô hình phát triển cụ thể hơn để khai thác các nguồn lực đó.

     1. Tài nguyên du lịch tự nhiên

     Vân Đồn có nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, bao gồm các đảo đá vôi và đảo đất với hình thù đa dạng, các quần xã thực vật và hệ sinh thái (HST) điển hình, các bãi biển dài và đẹp... Về giá trị thẩm mỹ, riêng khu vực vịnh Bái Tử Long đã phát hiện hàng trăm đảo đá vôi và đảo đất với nhiều hình kỳ thú, trong đó độc đáo và hấp dẫn nhất là những đảo đá vôi được xem như những kỳ quan đá, hang động vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa có ý nghĩa lịch sử như hang Soi Nhụ, hang Hà Giắt, hang Trò, động Đông Trong I và II... Tuy quy mô và giá trị thẩm mỹ của những hang đá phát hiện trong khu vực Vân Đồn không bằng ở vịnh Hạ Long nhưng nó có sức hấp dẫn riêng về giá trị lịch sử, địa chất và nổi bật về tính hoang sơ. Bên cạnh đó là quần thể thực vật và các HST đặc sắc, phản ánh sự đa dạng sinh học cao của khu vực, nổi bật là quần thể thực vật rừng ngập mặn ở các lạch biển giữa các đảo... Vân Đồn còn có nhiều bãi tắm đẹp, cát mịn, nước sạch có thể tạo thành các điểm nghỉ mát, thể thao du lịch biển như Sơn Hào, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu...

     2Tài nguyên du lịch nhân văn

     Đến với Vân Đồn, du khách có cơ hội thăm thương cảng cổ Vân Đồn vốn thịnh vượng và sầm uất từ xa xưa. Là một vùng có các hệ thống kì quan đảo đá nối tiếp với khu vực Hạ Long, nơi đây từ lâu đời đã trở thành vùng danh lam thắng cảnh của đất nước gắn với truyền thống Hạ Long, Bái Tử Long. Với hơn 600 đảo lớn nhỏ đan thành những bức tường thành, Vân Đồn là vùng phên dậu của đất nước - một vùng thương cảng sầm uất đầu tiên của nước ta từ thời kỳ Lý - Trần (thế kỉ 11 - 12).

     Từ văn hóa Soi Nhụ đến văn hóa Cái Bèo, di chỉ Thoi Giếng phát triển thành một nền văn hóa Hạ Long. Giá trị văn hóa Hạ Long (bao gồm cả vùng Vân Đồn và Hạ Long) là toàn bộ các giá trị về tinh thần và vật chất do các thế hệ người Vân Đồn - Hạ Long sáng tạo ra từ thời tiền sử… Đến Vân Đồn, du khách có dịp tìm hiểu về những giá trị văn hóa đặc sắc nơi đây.

     3. Hệ thống kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ ẩm thực

     Vân Đồn hiện có 98 cơ sở lưu trú với 1.230 phòng, trong đó tại tuyến đảo có 575 phòng, chiếm 48%; có 150 phòng đạt tiêu chuẩn 2 sao, chiếm 12% trong toàn huyện; số còn lại đạt phòng tiêu chuẩn và chưa thực hiện phân loại xếp hạng, công suất sử dụng phòng trung bình đạt 33%. Hệ thống cơ sở lưu trú tập trung nhiều ở các tuyến đảo Quan Lạn, Minh Châu, khu Bãi Dài và đường ra cảng Cái Rồng.

     Hiện nay, huyện có 30 nhà hàng trên đất liền và 15 nhà hàng trên biển. Tuy nhiên, quy mô và trang thiết bị tại các cơ sở này chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, đặc biệt thường bị quá tải vào các ngày nghỉ cuối tuần do phần lớn các cơ sở chỉ có sức chứa từ 50 - 130 chỗ ngồi.

     4. Phương tiện vận chuyển khách du lịch

     Trước đây, để ra thăm các tuyến đảo du khách di chuyển chủ yếu bằng tàu gỗ, với thời gian từ 2 giờ rưỡi đến 3 giờ cho một lượt đi. Từ năm 2008, hệ thống tàu cao tốc được đưa vào vận hành, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách với 18 tàu từ 26 - 50 chỗ ngồi, một ngày 2 chuyến, rút ngắn thời gian và tăng thêm số lượng chuyến đi các tuyến đảo Quan Lạn, Minh Châu. Các xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng có hệ thống xe lam chở khách tham quan trong đảo (chủ yếu phục vụ khách nội địa) và xe đạp (chủ yếu đáp ứng nhu cầu khách quốc tế).

     5. Năng lực cộng đồng

     Số lao động trực tiếp từng năm tăng (hiện có 1.200 người), tuy nhiên tỷ lệ qua đào tạo nghiệp vụ và có trình độ còn rất thấp, chủ yếu là lực lượng lao động phổ thông (chiếm 54%) và đào tạo ngắn hạn.

     Quá trình điều tra ý kiến của cộng đồng địa phương cho thấy, 60% người dân thể hiện thái độ sẵn sàng tham gia du lịch dựa vào cộng đồng; 20% người dân thể hiện thái độ băn khoăn; 20% người dân không đồng ý (do họ đang tự kinh doanh các dịch vụ như vận chuyển, lưu trú cho du khách, họ lo lắng nếu tham gia mô hình chung nào đó thì nguồn thu nhập chính của cả gia đình sẽ bị chia sẻ và giảm đi);  75% muốn đón du khách quốc tế hơn du khách Việt Nam (với lý do du khách quốc tế chi trả cao hơn); 25% trả lời họ muốn đón khách Việt Nam hơn là khách quốc tế (với lý do khách Việt Nam tình cảm hơn). Nhìn chung, cộng đồng địa phương rất sẵn sàng tham gia hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng nhưng phần lớn không hiểu nhiều về  khái niệm “du lịch cộng đồng” và vai trò lợi ích của họ khi tham gia loại hình du lịch này. Bởi thế, các nhà quản lý du lịch cần có sự chia sẻ, phổ biến kiến thức tới người dân.

     6. Hiệu quả kinh doanh du lịch

     Thời gian qua, ngành Du lịch huyện Vân Đồn đã đạt được một số kết quả nhất định, doanh thu chủ yếu từ các dịch vụ cơ bản: cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống và từ phương tiện vận chuyển. Tuy nhiên, tỷ trọng toàn ngành chưa đáng kể, chỉ chiếm 5 - 6%. Số lượng khách du lịch đến Vân Đồn tham quan, nghỉ dưỡng tăng hàng năm, tập trung đông vào mùa hè ở các xã đảo; mùa xuân ở các khu vực có di tích văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, số lượng khách lưu trú từ 1 - 1,5 ngày chỉ đạt 32% trong tổng lượng khách.

     Đối với khách nội địa: Phần lớn du khách đến với Vân Đồn là khách du lịch trong nước, chủ yếu là khách sinh sống tại Quảng Ninh, Hà Nội và một số tỉnh lân cận phía Bắc. Ngoài ra, còn một số đối tượng khách là Việt Kiều về Vân Đồn theo dạng thăm thân, khách công vụ do các công ty tổ chức họp tổng kết hay tổ chức sự kiện.

     Thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa thấp hơn khách du lịch quốc tế, từ 1,5 - 2 ngày. Nếu là khách sinh sống ở Quảng Ninh, thông thường họ chỉ đi du lịch trong ngày, một số ít lưu trú khoảng 1 - 1,5 ngày nếu ra tham quan tại các đảo.

     Khách du lịch nội địa đến Vân Đồn chủ yếu tập trung vào mùa hè, tăng đột biến vào dịp ngày nghỉ, ngày lễ lớn và chủ yếu vẫn là khách thăm thân, tham quan, lễ hội. Số lượng khách thường tập trung không đều tại các điểm du lịch.

     Kết quả điều tra về sự sẵn sàng tham gia hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng tại Vân Đồn cho thấy, 63% khách du lịch thể hiện sự sẵn sàng, 27% thể hiện sự băn khoăn, 10% khách du lịch không đồng ý tham gia. Như vậy, tỷ lệ khách sẵn sàng tham gia hoạt động du lịch cộng đồng tại Vân Đồn khá cao, tuy nhiên theo ghi nhận của tác giả phần lớn đối tượng quan tâm, có ý kiến ủng hộ nằm trong các nhóm khách có trình độ học vấn khá. Khi tham gia các hoạt động của DLST dựa vào cộng đồng, 90% khách du lịch cam kết sẽ tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống, 8% khách du lịch tỏ ý tránh tiếp xúc với các giá trị văn hóa truyền thống và 2% khách du lịch không quan tâm đến việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Khi tham gia du lịch, những yếu tố mà khách du lịch quan tâm tìm hiểu khá phong phú: 56% quan tâm đến việc thư giãn, 17% quan tâm đến phong tục tập quán, 13% quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, 14% quan tâm đến tính cách, quan hệ ứng xử của người dân bản địa. Yếu tố mà khách du lịch quan tâm nhiều nhất vẫn là chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch ở Vân Đồn.

     Đối với khách du lịch quốc tế: Mặc dù lượng khách quốc tế đến Vân Đồn không lớn so với một số địa phương khác trong tỉnh như Hạ Long, Móng Cái, nhưng qua điều tra cho thấy thị trường khách du lịch quốc tế đến với Vân Đồn tương đối đa dạng bao gồm châu Âu, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, châu Mỹ...

     Khách quốc tế đến tham quan Vân Đồn chủ yếu tập trung tại các điểm du lịch thuộc xã Minh Châu, Quan Lạn, Hạ Long, tập trung vào hầu hết các khoảng thời gian trong năm nhưng đông hơn cả vào khoảng từ tháng 9 đến hết tháng 12 và có tính mùa vụ. Số ngày lưu trú bình quân của khách quốc tế ở Vân Đồn rất thấp, từ 2 - 2,5 ngày. Có 73% du khách được phỏng vấn đã trả lời rằng họ rất có tình cảm với vùng đất Vân Đồn vì vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên kì thú song do dịch vụ còn quá nghèo nàn nên họ không lưu trú lâu, 8% số người được hỏi thích thú với cảnh sống tự nhiên, hoang sơ, 19% lựa chọn chỉ nghỉ lưu trú trong một ngày.

     7. Một số hạn chế và nguyên nhân

     Thứ nhất, trình độ dân trí và chất lượng nguồn lực còn thấp, năng lực và khả năng tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hạn chế, hiểu biết về du lịch ít, trình độ ngoại ngữ thiếu và yếu. Do đặc thù của huyện đảo, dân cư phân tán trên một không gian rộng, nên việc đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa - thông tin, tuyên truyền, tri thức nhiều khó khăn và yêu cầu đầu tư lớn, nhất là tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc giữ gìn và bảo vệ tài nguyên du lịch tại Vân Đồn.

     Thứ hai, do địa bàn huyện phân bố không đều, gồm các xã đảo xa bờ, nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch không thuận lợi. Việc đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ du lịch cơ bản của du khách còn chưa tốt.

     Thứ ba, ô nhiễm đã xuất hiện và có nguy cơ tăng lên, nhất là từ các khu công nghiệp của Cẩm Phả, Hạ Long. Hiện nay, tình hình ô nhiễm tại đất liền cũng như vùng biển của huyện chưa nhiều, nhưng với việc phát triển một cách nhanh chóng tại các khu công nghiệp ở Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp tới môi trường của huyện trong tương lai. Bên cạnh đó, việc phát triển nhiều mô hình nuôi trồng cá lồng bè, hải sản cũng gây ô nhiễm môi trường nước biển. Tình trạng suy giảm nguồn lợi hải sản biển, tài nguyên rừng và môi trường sinh thái do khai thác chưa có quy hoạch cũng đang là trở ngại lớn cho phát triển DLST tại Vân Đồn.

     Thứ tư, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cung cấp nước ngọt cho huyện, trong đó có các điểm du lịch gặp khó khăn do địa thế phức tạp, không gian lãnh thổ bị chia cắt bởi biển, cách ly với đất liền nhất là các xã đảo xa (nơi xa nhất đến 30km). Hiện nay, chỉ mới cung cấp được 85% nước ngọt cho Cái Bầu, còn các đảo ngoài đều đang sử dụng nước tự nhiên, hạn chế về số lượng, kém về chất lượng. Người dân chủ yếu khai thác nước ngầm và nước hồ cho sinh hoạt hàng ngày, du khách đến đây cũng sử dụng nguồn nước này…

     Thứ năm, việc quảng bá chưa sâu rộng cũng là lý do khiến các điểm DLST mới tại Vân Đồn chưa lọt vào tầm ngắm của số đông du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, đối tượng rất ưa chuộng loại hình DLST.

     Thứ sáu, do mới tiếp xúc với các hoạt động phát triển định hướng bảo tồn nên trong cộng đồng địa phương còn tồn tại nhiều quan niệm và hành vi không phù hợp với tiêu chí bảo tồn, dẫn đến hiệu quả bảo tồn của các dự án này chưa cao. Việc đầu tư nhân lực và tài chính vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên chưa đáp ứng yêu cầu…

     Có thể thấy, Vân Đồn có nhiều tiềm năng để phát triển DLST dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tối ưu, Vân Đồn cần có những cơ chế, chính sách và đặc biệt là một mô hình tổ chức cụ thể nhằm phát huy các nguồn lực một cách hữu hiệu nhất. Có như vậy, hoạt động DLST dựa vào cộng đồng mới trở thành công cụ đắc lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho người dân địa phương.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Báo cáo công tác du lịch các năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2104, 2015, 2016 của Sở Văn hóa và Thông tin huyện đảo Vân Đồn.

     2. Nguyễn Văn Kim (2008), Vân Đồn - Tiềm năng và động lực phát triển, Kỷ yếu hội thảo “Thương cảng Vân Đồn - Lịch sử, tiềm năng kinh tế và các mối giao lưu văn hóa”, Khoa lịch sử, Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQGHN và Ban Quản lý di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh…

Ý kiến của bạn