Banner trang chủ

Nhà máy bia Sài Gòn - Đắk Lắk: Bảo vệ môi trường là giá trị cốt lõi để phát triển bền vững

06/09/2017

   Là một doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bia - rượu - nước giải khát, Tổng Công ty CP Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (Sabeco) luôn quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và BVMT, xem đây là giá trị cốt lõi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện phương châm của Tổng Công ty, những năm qua, Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với BVMT, phát huy các sáng kiến của cán bộ, công nhân viên (CBCNV) nhằm giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho Công ty.

Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk

   Nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với BVMT

   Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk là một trong 3 Nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB) được thành lập ngày 2/2/2005. Tháng 6/2006, Nhà máy khởi công xây dựng giai đoạn I, với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, công suất 25 triệu lít/năm, gồm các khu vực: Sản xuất, nhà văn phòng, hệ thống xử lý nước thải, khu đất trồng cây xanh. Nhà máy chính thức đi vào sản xuất từ ngày 1/5/2007. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chỉ một năm sau, Nhà máy đã đầu tư xây dựng giai đoạn II, nâng công suất từ 25 triệu lít lên 70 triệu lít/năm, với tổng vốn thực hiện là 430 tỷ đồng và đưa vào sản xuất từ tháng 9/2009.

   Nhà máy được đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại, nhập khẩu từ châu Âu, với tổng vốn trên 620 tỷ đồng, sản xuất các sản phẩm: Bia chai Sài Gòn Export, Sài Gòn - Lager, bia tươi Sài Gòn - Đắk Lắk và bia lon Sài Gòn - Lager. Với quyết tâm đem đến những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng, từ khi thành lập đến nay, Nhà máy đã không ngừng cải thiện hiệu suất, đổi mới đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong quá trình hoạt động sản xuất, Nhà máy luôn chấp hành đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 900:2015 về quản lý chất lượng sản phẩm đối với lĩnh vực sản xuất bia, nước giải khát. Ngoài sản phẩm chủ lực là bia, Nhà máy còn mở rộng sản xuất, phát triển các sản phẩm mới như: Nước uống đóng chai Serepok, sữa gạo lứt Bazan, sữa bắp Bazan, rượu vodka Serepok, rượu chuối hột rừng Serepok… với nguồn nguyên liệu bắp non sạch được canh tác trên diện tích khoảng 2 ha trong khuôn viên Nhà máy.

   Ngay từ khi đi vào hoạt động, một trong những tiêu chí quan trọng luôn được Nhà máy quan tâm, xem đây là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và BVMT. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Nhà máy Đặng Ngọc Đức khẳng định, Nhà máy luôn xác định chất lượng sản phẩm, sức khỏe người tiêu dùng và BVMT là ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững, ổn định sản xuất, kinh doanh. Vì thế, Nhà máy đã được trang bị hệ thống thiết bị máy móc sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến; giảm lượng chất thải phát sinh đến mức tối thiểu. Đồng thời, Nhà máy đang áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn ISO 22000:2005, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001: 2015 và thực hiện 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) trong toàn đơn vị, tạo thói quen đối với các CBCNV về giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường tại các phòng, ban, phân xưởng luôn được sạch sẽ, ngăn nắp.

   Để xử lý nước thải (XLNT) đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, Nhà máy đã đầu tư hệ thống XLNT giai đoạn I có công suất 700 m³/ngày, đêm; giai đoạn II nâng công suất lên 1.200 m³/ngày, đêm và triển khai một số giải pháp như giảm thiểu các chỉ tiêu pH, COD, TSS của nước thải; xử lý ngay tại các công đoạn sản xuất; tái sử dụng nước để làm mát máy móc, thiết bị; thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu môi trường và báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý môi trường. Trong quá trình hoạt động, Nhà máy đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cam kết BVMT theo đúng quy định. Ngoài ra, để giảm thiểu mùi và ô nhiễm không khí, Nhà máy lắp đặt hệ thống xử lý khói thải bằng công nghệ khử bụi khô và bụi ướt đảm bảo khói thải được xử lý đạt yêu cầu kỹ thuật trước khi thải ra môi trường; Cải tiến công nghệ, thu gom và xử lý khí thải ngay tại nguồn với các cyclone lắng bụi, lắp đặt hệ thống thu và làm giàu khí mê tan tái sử dụng cấp đốt cho lò rượu; Thay đổi nhiên liệu truyền thống dầu FO bằng các nhiên liệu Biomas (vỏ trấu, mùn cưa, củi dăm…) không chứa thành phần nguy hại khi đốt và tận dụng được nguồn nguyên liệu tại địa phương hạn chế chất thải ra môi trường. Đồng thời, Nhà máy đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, góp phần giảm tiêu hao năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất như lắp đặt các thiết bị đo đếm năng lượng, hệ thống thu hồi khí biogas từ hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thu hồi hơi thứ cấp tại nồi đun sôi và tận dụng men, sấy khô để chế biến thức ăn gia súc. Đặc biệt, đối với công tác quản lý chất thải rắn (CTR), Nhà máy đã ban hành quy định kiểm soát chất thải nhằm tổ chức phân loại, thu gom triệt để các CTR phát sinh trong quá trình sản xuất (men thải, bột trợ lọc, hóa chất vệ sinh, nạo vét hố ga…) và ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý CTR, cũng như chất thải nguy hại.

   Để đảm bảo Nhà máy là một điểm xanh của TP, toàn bộ khuôn viên Nhà máy được tăng cường diện tích cây xanh, tạo không khí trong lành, thoáng mát; nhà xưởng thường xuyên được quét dọn sạch sẽ, đem đến cảnh quan môi trường thân thiện. Hưởng ứng Tháng hành động Vì môi trường và Kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới, Công ty đã tổ chức Lễ mít tinh với nhiều hoạt động có ý nghĩa. Tại đây, ông Huỳnh Văn Dũng - Tổng Giám đốc Công ty đã nêu tầm quan trọng của môi trường, qua đó kêu gọi mỗi CBCNV cần nêu cao ý thức, trách nhiệm BVMT. Theo đó, toàn bộ Ban Lãnh đạo và các Trưởng/Phó phòng Công ty đã ký cam kết BVMT, bằng hành động cụ thể: không xả rác bừa bãi, phân biệt rác thải nguy hại - thông thường và thu gom rác đúng quy định; vận hành trạm xử lý môi trường nước thải, khí thải đạt yêu cầu; công tác vệ sinh máy móc, thiết bị được thực hiện thường xuyên, định kỳ; chăm sóc và gia tăng diện cây xanh trong khuôn viên Công ty tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp. Sau buổi Lễ, toàn bộ CBCNV Công ty ra quân vệ sinh máy móc thiết bị, nhà xưởng, khuôn viên bên trong bên ngoài Nhà máy.

Cán bộ, nhân viên Công ty tham gia vệ sinh thiết bị, dây chuyền sản xuất

   Phát huy sáng kiến trong lao động sản xuất

   Thực hiện Nghị quyết của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung về phát động phong trào sáng kiến kỹ thuật, thi đua thực hành tiết kiệm để giảm thiểu tác động đến môi trường, Nhà máy đã tổ chức tuyên truyền, vận động người lao động phát huy tinh thần lao động sáng tạo nhằm đưa ra các giải pháp hữu ích trong BVMT, tiết kiệm năng lượng. Phong trào này đã trở thành một việc làm thường xuyên, thu hút được các CBCNV, đoàn viên tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh gắn với BVMT, từ đó, khơi dậy niềm đam mê trong công tác nghiên cứu khoa học. Thông qua phong trào, đã có hàng chục sáng kiến, giải pháp của CBCNV, nhất là các đoàn viên, thanh niên được áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho Nhà máy, điển hình như giải pháp “Tận thu nước nóng từ quá trình vệ sinh công nghiệp thiết bị” đạt giải khuyến khích Hội thi “Tòa nhà năng lượng” do Bộ Công Thương tổ chức năm 2013; Đề tài được đánh giá cao của công nhân vận hành lò hơi “Giải pháp cải tiến và hợp lý hóa vận hành hệ thống gia nhiệt bổ sung cho bồn nước cấp lò hơi” được vinh dự nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh. Đặc biệt, đề tài “Tái sử dụng hơi thứ nồi đun sôi để gia nhiệt dịch đường” tận thu toàn bộ hơi nóng gia nhiệt cho dịch nha và nước nóng đã đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng cao, giảm thiểu phát thải ra môi trường đồng thời đem lại cho Nhà máy trên 1,2 tỷ đồng/năm… Nhờ những nỗ lực của đội ngũ Lãnh đạo Nhà máy và toàn thể CBCNV, Nhà máy đã được các cấp, ngành đánh giá là đơn vị điển hình trong công tác BVMT, tiết kiệm năng lượng. Năm 2013, Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk đã được Bộ Công Thương trao tặng Giải thưởng "Vì môi trường xanh quốc gia" cho những đóng góp trong công tác BVMT.

   Nhận thức được trách nhiệm với cộng đồng - xã hội, Nhà máy đã hỗ trợ đồng bào dân tộc Tây Nguyên xây dựng nhà tình thương, tặng học bổng, xe đạp, quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách, hộ nghèo… Đồng thời, mỗi trăm Nhà máy đóng góp hàng tỷ đồng và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động địa phương, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Những yếu tố đó không chỉ xây dựng hình ảnh Nhà máy thân thiện với môi trường, gắn bó với bà con buôn làng Tây Nguyên, mà còn nâng cao uy tín, thương hiệu Bia Sài Gòn ngày càng phát triển bền vững.              

Thúy Nga

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017

Ý kiến của bạn