Banner trang chủ

Công ty cổ phần PYMEPHARCO: Bảo vệ môi trường vì sức khỏe cộng đồng

10/11/2017

   Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, từ một công ty dược tại địa phương, Công ty CP Pymepharco đóng trên địa bàn TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã có những bước phát triển quan trọng, trở thành đơn vị sản xuất và phân phối dược phẩm chất lượng hàng đầu Việt Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

   Công ty CP Pymepharco tiền thân là Công ty Dược, Vật tư y tế Phú Yên, thành lập năm 1989, là đại lý phân phối cho các công ty dược Trung ương và đóng gói các loại thuốc dùng ngoài da như cồn, ôxy già, bông băng, gạc y tế… Năm 1993, Công ty bắt đầu tham gia thị trường xuất nhập khẩu trực tiếp về dược phẩm, đến năm 1999, nắm bắt chủ trương về khuyến khích sản xuất dược phẩm của Nhà nước, Bộ Y tế và được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Ban lãnh đạo Công ty đã chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tìm giải pháp về nguồn vốn, đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất dược phẩm. Kết quả, tháng 10/2003, Nhà máy Dược phẩm Pymepharco hoàn thành, đi vào hoạt động với 3 phân xưởng sản xuất thuốc viên Betalactam, Non Betalactam và viên nang mềm. Tiếp đó, tháng 10/2005, Công ty xây dựng Nhà máy Thuốc vô trùng, gồm các loại thuốc tiêm: Ống, đông khô, bột và thuốc nhỏ mắt, đây là Nhà máy sản xuất thuốc tiêm hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Năm 2013, Công ty được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp Giấy chứng nhận “Thực hành tốt sản xuất thuốc” theo tiêu chuẩn châu Âu (EU-GMP) cho thuốc viên Cepha-losporin, khẳng định sự tiến bộ vượt trội về kỹ thuật cũng như chất lượng của Công ty nói riêng, ngành Dược Việt Nam nói chung, đưa Phú Yên trở thành điểm sáng trên bản đồ sản xuất dược phẩm của Việt Nam.

   Bên cạnh đó, Công ty không ngừng phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, hiện tại, Công ty có trên 1.200 cán bộ, công nhân viên, trong đó trên 300 người có trình độ đại học và sau đại học. Đặc biệt, Công ty tập trung đội ngũ các nhà khoa học, dược sĩ trình độ cao, làm việc trực tiếp với chuyên gia nước ngoài để nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ năm 2003 đến nay, trung bình mỗi năm, Công ty sản xuất trên 30 sản phẩm mới, nâng tổng sản phẩm thuốc cung ứng cho thị trường lên hơn 350 sản phẩm, trong đó nhiều loại được Bộ Y tế công nhận có tác dụng tương đương với các sản phẩm thuốc ngoại nhập. Do đó, doanh thu của Công ty phát triển ổn định, năm 2016, tổng doanh thu đạt 1.508 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2017 là 825 tỷ đồng doanh thu thuần, 185,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 15% và 30% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Công ty đang phấn đấu, tổng doanh thu năm 2017 đạt 1.572 tỷ đồng doanh thu thuần, 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Chất thải nguy hại được Công ty phân loại, lưu trữ trong kho riêng biệt

   Thực hiện quy định pháp luật về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty thường xuyên cập nhật các văn bản, chính sách mới về môi trường; đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại; dành 30% diện tích khuôn viên Nhà máy để trồng cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, đảm bảo môi trường Xanh - Sạch - Đẹp; cử cán bộ chuyên trách về vệ sinh môi trường và an toàn lao động, với trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giáo dục ý thức BVMT và thực hiện nghiêm túc công tác bảo hộ lao động cho cán bộ, công nhân viên trong Nhà máy.

   Tại khu vực Nhà máy thuốc viên, lượng nước thải phát sinh trung bình khoảng 20,55 m3/ngày, được thu gom, xử lý tại hệ thống xử lý nước thải (XLNT) sơ bộ của Nhà máy theo công nghệ hóa lý kết hợp với vi sinh. Theo đó, nước thải từ các phân xưởng sản xuất được dẫn về hố gom để lọc bỏ tạp chất, bơm qua bể tách mỡ, sau đó, nguồn nước thải từ hai phân xưởng Non 1 và 2 được hòa lẫn, khuấy đều bởi hệ thống đường ống thổi khí lắp đặt dưới đáy bể, bơm lên các bể keo tụ, tạo bông. Tại đây, đầu dò pH sẽ kiểm soát độ pH của nước thải, đảm bảo nằm trong giới hạn cho phép, tạo môi trường thích hợp cho quá trình keo tụ một phần các chất ô nhiễm hữu cơ. Tiếp đó, nước thải tự chảy tràn qua bể vi sinh, tiếp tục quá trình phân hủy các chất hữu cơ còn lại đến khi đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi xả thải. Đối với khu vực Nhà máy thuốc tiêm, lượng nước thải phát sinh khoảng 33,55 m3/ngày, nước thải từ phân xưởng non beta và betalactam được dẫn qua đường ống về nhiều bể thu gom khác nhau để lọc tạp chất bằng song chắn rác. Nước thải tại phân xưởng betalactam được châm NaOH, bơm về bể điều hòa nhờ hệ thống máy thổi khí xáo trộn, tạo điều kiện cho phản ứng phân hủy ở các bể vi sinh, lắng vi sinh và kết thúc quá trình XLNT. Trước khi thải ra hệ thống thoát nước thải của TP, nước thải của hai Nhà máy tiếp tục được khử trùng bằng clorine và dẫn qua cột lọc cát, đảm bảo tiêu chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT, cột B. Đặc biệt, chất thải nguy hại được Công ty thu gom, phân loại tại nguồn, lưu trữ trong kho riêng biệt và có biển cảnh báo, định kỳ hàng quý ký hợp đồng với Công ty Môi trường Việt Xanh (Bình Dương) vận chuyển, xử lý.

Hệ thống XLNT của Nhà máy thuốc tiêm

   Là lá cờ đầu của ngành Dược Việt Nam, Công ty CP Pymepharco đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” liên tục từ năm 2005 - 2014; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng II, hạng III; Chính phủ trao tặng nhiều lần Cờ thi đua. Năm 2016, thương hiệu Pymepharco đạt Top 10 thương hiệu uy tín ngành dược; Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và lớn nhất Việt Nam; Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững cùng nhiều bằng khen, danh hiệu, giải thưởng giá trị khác của Bộ Y tế, UBND tỉnh Phú Yên, các tổ chức, đoàn thể Trung ương, địa phương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

   Trong xu thế thị trường đầy biến động, cạnh tranh gay gắt, con đường phía trước còn nhiều thử thách, nhưng với niềm tin và quyết tâm vào định hướng chiến lược đã hoạch định, Công ty CP Pymepharco sẽ tiếp tục nghiên cứu sản xuất, mở rộng thị trường, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của Phú Yên cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nướcn 

                Huyền Trang

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017

Ý kiến của bạn