Banner trang chủ

Công ty CP Paper: Doanh nghiệp giấy đầu tiên tại Việt Nam nhận chứng chỉ Công trình Xanh

02/01/2020

     Mới đây, Công ty CP Giấy CP (Công ty CP Paper) chính thức trở thành doanh nghiệp giấy đầu tiên tại Việt Nam được Chứng nhận LEED về công trình xanh cho nhà xưởng và văn phòng, điều này cho thấy ngành giấy đang có những bước chuyển mình để thích ứng với làn sóng tiêu dùng xanh. Để hiểu hơn về hành trình tiếp cận chứng chỉ đặc biệt này đối với CP Paper nói riêng, ngành giấy và bao bì trong nước nói chung, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với bà Tô Mỹ Châu, Tổng Giám đốc Công ty CP Paper.

     PV: Xin chúc mừng Công ty đã nhận được Chứng chỉ LEED. Xin bà giới thiệu đôi nét về quá trình hình thành và phát triển của Công ty?

     Bà Tô Mỹ Châu: Công ty CP giấy Phùng Vĩnh Hưng được thành lập từ năm 1988 với tiền thân là Hợp tác xã Hiệp Hưng - một hợp tác xã sản xuất quy mô nhỏ, sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, tháng 11/2018, Phùng Vĩnh Hưng ra mắt Công ty thành viên CP Paper tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, được xây dựng trên khu đất rộng gần 4 ha, bao gồm các hạng mục: Nhà xưởng, kho giấy, văn phòng, trạm điện, nhà bảo vệ, nhà để xe, khu hút thuốc, bể nước phòng cháy chữa cháy, nhà bơm. Tổng diện tích sàn xây dựng đạt gần 23.000 m2, hoạt động tập trung vào lĩnh vực thương mại giấy và bao bì.

 

Bà Tô Mỹ Châu - Tổng Giám đốc Công ty CP Paper

 

     Hiện, CP Paper đang kinh doanh các mặt hàng giấy chất lượng cao như Fo, Fo kem, Bristol, Couche, Light Weight Coated (LWC), Duplex đế xám, Duplex đế trắng, giấy in báo và giấy kraft... chất lượng ổn định, được sản xuất bởi các nhà máy và tập đoàn lớn, có uy tín ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Bên cạnh đó, CP Paper không ngừng tìm kiếm, nghiên cứu, chọn lọc các sản phẩm giấy thân thiện môi trường như: Giấy in sách giáo khoa đảm bảo an toàn cho mắt, giấy có chứng nhận FSC, giấy làm bao bì thực phẩm, túi giấy… đồng thời, hạn chế sử dụng các loại túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần. Trong thời gian tới, CP Paper sẽ nỗ lực để trở thành nhà thương mại giấy và bao bì số 1, thể hiện hình ảnh doanh nghiệp tiên phong, dẫn đầu trong ngành bằng việc chủ động hướng theo con đường phát triển bền vững cả về hoạt động kinh doanh lẫn sản phẩm. CP Paper cũng đang đi theo định hướng phát triển xanh thông qua việc đầu tư công nghệ xanh và xây dựng các tòa nhà thân thiện với môi trường. Hành trình xanh của CP Paper với những quy trình, cách làm mới đã và sẽ mang lại những sản phẩm chất lượng, qua đó khẳng định cam kết BVMT của CP Paper.

     PV: Được biết, Chứng chỉ LEED có rất nhiều tiêu chí khắt khe so với các chứng nhận môi trường khác, vậy tại sao Công ty CP Paper lại chọn LEED cho văn phòng, nhà xưởng mới của mình?

     Bà Tô Mỹ Châu: Xây dựng CP Paper, chúng tôi luôn ấp ủ tạo ra một công trình xanh nên đã nghiên cứu, tìm hiểu rất kỹ các chứng nhận liên quan đến mảng này như Lotus, LEED… Cuối cùng, chúng tôi quyết định lựa chọn Chứng chỉ LEED dù tiêu chuẩn khắt khe và chi phí đầu tư cao hơn (chiếm 5% chi phí xây dựng). Theo đó, CP Paper phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt của Hội đồng Công trình Xanh của Mỹ (USGBC) về tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải, rác thải ra môi trường… Ví dụ, rác thải trong quá trình xây dựng phải được phân loại, có biên bản thu gom của tổ chức chuyên môn; hàng tháng phải có xác nhận về việc an toàn lao động đạt 100%, không tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn… cùng rất nhiều tiêu chí khác.

     Về việc quyết định đầu tư Chứng chỉ LEED cho văn phòng, nhà xưởng mới, lý do là Công ty muốn tạo điều kiện để công, nhân viên được làm việc ở môi trường trong lành, đảm bảo an toàn về sức khỏe, bởi con người là một trong những giá trị cốt lõi tạo nên thành công của đơn vị. Mặt khác, với hy vọng góp một phần nhỏ vào việc tạo dựng đất nước Việt Nam Xanh - Sạch - Đẹp, chúng tôi tự nguyện đầu tư Chứng chỉ LEED và mong muốn tới đây ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều công trình xanh nữa.

     PV: Chứng nhận này có tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của Công ty, thưa bà?

     Bà Tô Mỹ Châu: LEED mang đến nhiều lợi ích, về kinh tế, giúp tiết kiệm được chi phí tiêu thụ điện năng và nguồn nước hàng tháng của Công ty nhờ yêu cầu tận dụng tốt hơn các nguồn năng lượng tự nhiên hoặc thông qua các hệ thống tự động. Cùng với đó, LEED mang lại những giá trị cụ thể cho đội ngũ công, nhân viên, bởi việc lựa chọn áp dụng các tiêu chí trong Chứng chỉ LEED sẽ tạo cơ hội cho nhân viên được làm việc ở môi trường có ánh sáng tốt cho mắt và không khí thoáng mát, đảm bảo an toàn lao động.

 

Đối tác, khách hàng tham quan nhà xưởng đạt chứng nhận LEED của Công ty CP Paper

 

     Không những thế, tuy vừa mới ra đời nhưng CP Paper đã kịp thời đăng ký và đạt được Chứng nhận FSC-CoC của Hội đồng Quản lý rừng (Chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng các giá trị BVMT (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương). CP Paper cam kết sẽ tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm có FSC để góp phần chung tay bảo vệ tài nguyên rừng, đồng thời tin tưởng rằng, với sự quyết liệt trong chỉ đạo của Ban Lãnh đạo, CP Paper đã tạo được niềm tin cho các đối tác để họ cùng chung tay xây dựng nên một Việt Nam giàu đẹp và bền vững.

     PV: Trong kinh doanh, đảm bảo giữa lợi ích kinh tế và giá trị xã hội luôn là bài toán khó. Vậy làm thế nào để Công ty cân bằng được hai vấn đề này, thưa bà?

     Bà Tô Mỹ Châu: Hướng đến con đường phát triển bền vững, đảm bảo cân bằng cả lợi ích kinh tế lẫn giá trị cộng đồng luôn là bài toán khó, song nếu có nhận thức đúng đắn và con đường đi phù hợp, doanh nghiệp vẫn đủ năng lực để vượt qua. Trải qua một chặng đường dài, CP Paper từng phải đối mặt với nhiều giai đoạn khó khăn về tài chính nên hiểu rằng vấn đề kinh tế luôn là nỗi quan tâm trực tiếp của các chủ doanh nghiệp và may mắn là với 30 năm hình thành, phát triển, chúng tôi cũng đã từng bước vượt qua giai đoạn đó.

     Tuy nhiên, thành công trong kinh doanh không chỉ ở lợi nhuận trước mắt mà còn là cả hành trình dài phía trước, phát triển đến một giai đoạn nhất định, doanh nghiệp sẽ phải quan tâm hơn đến sự phát triển bền vững cũng như ổn định về mọi mặt. Để làm được điều đó, trong suốt quá trình phát triển, các yếu tố như giá trị con người, môi trường và xã hội… phải được quan tâm đầu tư song song với các mục tiêu tài chính, thậm chí chúng còn là hành trang để doanh nghiệp tiếp cận xu thế kinh tế hội nhập hiện nay.

     PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

 

Gia Linh (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn