Banner trang chủ

Công ty CP Gang thép Cao Bằng: Phát triển kinh doanh đi đôi với công tác bảo vệ môi trường

30/11/2017

   Là một đơn vị đi đầu trong ngành công nghiệp gang thép tại Cao Bằng, trải qua chặng đường hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty CP Gang thép Cao Bằng (GTCB) đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN), tăng cường thực hiện các giải pháp về BVMT, xử lý tốt, hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích DN và quyền lợi của cộng đồng, dân cư. Đồng thời, Công ty đã chú trọng đầu tư các dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu trở thành điểm sáng của hoạt động công nghiệp toàn tỉnh. Để tìm hiểu về việc đổi mới công nghệ, nhằm BVMT và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Vương Thanh Giang - Giám đốc Công ty CP GTCB về vấn đề này.

Ông Vương Thanh Giang - Giám đốc Công ty CP Gang Thép Cao Bằng  

PV: Xin ông cho biết đôi nét về quá trình hình thành và phát triển Công ty?

   Ông Vương Thanh Giang: Công ty CP GTCB được thành lập theo Quyết định số 2155/QĐ-HĐQT ngày 5/10/2006 của Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Công ty CP GTCB là chủ đầu tư xây dựng 2 dự án: Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng và Dự án Khai thác lộ thiên quặng sắt (Mỏ sắt Nà Rụa).

   Dự án Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng có tổng mức đầu tư trên 1.900 tỷ đồng, tổng công suất thiết kế 220.000 tấn phôi thép/năm, được xây dựng trên diện tích 79,54 ha tại xã Chu Trinh, TP. Cao Bằng. Với nhiệm vụ sản xuất phôi thép từ quặng sắt bằng công nghệ sản xuất tiên tiến, bao gồm các phân xưởng sản xuất: Phân xưởng Thiêu kết, với công suất 348.000 tấn quặng thiêu kết/năm; Luyện gang, công suất 220.000 tấn nước gang/năm; Luyện thép có công suất 220.000 tấn phôi thép/năm; Trạm sản xuất ôxy công suất: 3.800 m3/h và các hạng mục phụ trợ. Với dây truyền sản xuất  hiện đại và trình độ tự động hóa ở hầu hết các khâu sản phẩm của Dự án. Khu liên hợp (KLH) được thiết kế đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động tại nhà máy.

   Vượt qua nhiều khó khăn, đến cuối năm 2015, Dự án đã trải qua các bước kiểm tra, sát hạch, chạy thử và cho ra sản phẩm phôi thép đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường. Từ tháng 10/2015 - 5/2016, Công ty sản xuất được 20.300 tấn gang thỏi, 28.500 tấn phôi thép và tiêu thụ 12.500 tấn gang thỏi, 12.800 tấn phôi thép. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Công ty sản xuất được 190.000 tấn phôi thép, 350.000 tấn quặng sắt, tiêu thụ được 202.000 tấn phôi thép, doanh thu đạt 1.5552.446 triệu đồng.

    Dự án mỏ sắt Nà Rụa được Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác số 1271/GP-BTNMT ngày 30/6/2011 tại địa bàn phường Tân Giang, với trữ lượng ước hơn 16.700 tấn quặng sắt, công suất đạt 350.000 tấn tinh quặng sắt/năm. Trong thời gian thi công, Công ty đã tích cực triển khai Dự án Khai tuyển mỏ sắt Nà Rụa, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở mỏ như: Thi công khu xưởng tuyển, đập ngăn môi trường, hệ thống cấp nước, điện và các hạng mục phụ trợ phục vụ công tác khai tuyển quặng sắt tại Khu Nam mỏ sắt Nà Rụa (diện tích khai thác là 17,5 ha), nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu cho Nhà máy.

 

    PV: Là một trong những DN đi đầu trong ngành công nghiệp Gang thép ở Cao Bằng, đóng góp hiệu quả cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Công ty đã thực hiện các quy định pháp luật về BVMT như thế nào, thưa ông?

   Ông Vương Thanh Giang: Công ty luôn quan tâm đến công tác BVMT cũng như chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về môi trường. Công ty đã thành lập Phòng chuyên trách về An toàn - Môi trường, với nhiệm vụ, nghiên cứu các quy định pháp luật về môi trường, từ đó tham mưu cho Ban giám đốc thực hiện tốt các quy định BVMT. Công ty đã được cấp đầy đủ các giấy phép về môi trường như: Khai thác, sử dụng nước mặt, xả thải vào nguồn nước, Giấy xác nhận hoàn thành các công trình BVMT, các quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), phê duyệt dự án phục hồi môi trường sau khai thác, sổ đăng ký chất thải nguy hại (CTNH)...

Sản xuất phôi thép tại Công ty CP Gang thép Cao Bằng

   Đối với các nguồn thải phát sinh trong quá trình hoạt động như nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt đều được dẫn về các bể phốt, hố ga lắng cặn trước khi thải ra môi trường. Riêng nước thải của Phòng thí nghiệm được đưa vào bể xử lý dung môi và hóa chất để trung hòa, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Về khí thải, bụi tại phân xưởng thiêu kết và luyện gang, Công ty đã xây dựng các hệ thống lọc bụi tĩnh điện và lọc bụi túi vải; Chất thải rắn công nghiệp (chủ yếu là xỉ thải) phát sinh từ quá trình luyện gang, thép được Công ty tái sử dụng, bán cho đơn vị sản xuất xi măng. CTNH như dầu thải, ắc quy, giẻ lau nhiễm dầu, bộ lọc dầu… đều được chứa trong kho chất thải riêng biệt, đựng trong các thùng chứa có ký hiệu phân biệt theo Sổ đăng ký của chủ nguồn thải. Ngoài ra, hàng tuần, Công ty ký hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt với doanh nghiệp có chức năng để đưa về bãi rác của Thành phố xử lý.

   PV:Trong quá trình khai thác quặng, Công ty đã triển khai những giải pháp gì để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên?

   Ông Vương Thanh Giang: Trong quá trình khai thác để giảm tổn thất, tăng sản phẩm quặng, Công ty triển khai các biện pháp như nghiên cứu thăm dò địa chất mỏ Nà Rụa, thiết đồ lỗ khoan thăm dò. Trước khi khai thác quặng, Công ty tiến hành bóc đất đá, dọn sạch bên vách thân quặng và tầng khai thác chỉ được phép 5 mét.        

   Ngoài ra, phải cập nhật thường xuyên chất lượng quặng ở các tầng phía trên đã khai thác, các biến động địa chất có thay đổi so với báo cáo địa chất để kịp thời điều chỉnh phương hướng khai trường. Đối với bãi khoan quặng phải lấy mẫu phôi khoan cho toàn bộ bãi khoan, sau khi nổ mìn lấy mẫu khai trường, mẫu quặng trên sân ga để phân tích hàm lượng, khoanh các vùng có hàm lượng quặng cao, quặng thấp và các vùng có quặng tương đương nhau để sau khi nổ mìn bố trí xúc chọn lọc hợp lý. Khi xúc quặng phải sử dụng máy xúc có dung tích gầu xúc <1,6m3 để đảm bảo công tác xúc chọn lọc được hiệu quả. Trong quá trình khai thác xúc chọn lọc, để tránh tổn thất, cán bộ kỹ thuật phải thường xuyên giám sát hiện trường để có điều chỉnh kịp thời. Xe vận chuyển quặng được che chắn, tránh rơi, vãi quặng. Đồng thời, thường xuyên phổ biến, tập huấn, giới thiệu, cách nhận biết bằng mắt thường về đặc tính quặng khu Nam cho cán bộ công nhân viên làm công tác khai thác mỏ, bổ túc, nâng cao kỹ năng tay nghề của thợ lái máy xúc.

Toàn cảnh Công ty CP Gang Thép Cao Bằng

   PV: Ông có thể cho biết, định hướng phát triển kinh doanh, cũng như các biện pháp an toàn lao động và BVMT của Công ty trong thời gian tới?

   Ông Vương Thanh Giang: Định hướng phát triển kinh doanh của Công ty trong thời gian tới là phát triển kinh doanh luôn đi đôi với công tác BVMT. Khi tổ chức sản xuất sản phẩm phôi thép phải đạt các tiêu chuẩn môi trường. Mặt khác, Công ty luôn luôn học hỏi để có các biện pháp cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất để nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh của đơn vị, tăng năng suất lao động, đồng thời, tăng sản lượng trong sản xuất kinh doanh.

   Thực hiện khẩu hiệu "Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất", trong thời gian tới Công ty luôn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn tại các công đoạn sản xuất, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn lao động, phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn để có biện pháp khắc phục kịp thời. Hàng tuần, Công ty đều thành lập Đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh lao động - môi trường tại các đơn vị sản xuất để tiến hành đánh giá, xếp loại các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Từ đó nâng cao ý thức  từ cấp phân xưởng, người lao động nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của Công ty.

   Bên cạnh đó, hàng năm, Tổng Công ty đã tổ chức kiểm tra chéo về công tác an toàn vệ sinh lao động giữa các đơn vị thành viên, nhằm tạo phong trào thi đua trong Tổng Công ty, cũng như học hỏi trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị thành viên với nhau.

   Riêng đối với công tác BVMT, Công ty sẽ tiếp tục bám sát thực hiện các quy định của Luật BVMT năm 2014 và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Trong hoạt động sản xuất, đối với các nguồn phát thải, Công ty tổ chức các đợt quan trắc hàng năm, nhằm theo dõi chất lượng phát thải ra môi trường từ đó có những biện pháp điều chỉnh, sửa chữa các thiết bị, công trình xử lý khí thải, nước thải, CTNH để không gây ảnh hưởng đến môi trường.

   PV: Xin cảm ơn ông!

 Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn