Banner trang chủ

Ứng dụng hiệu quả công nghệ lò đốt LOSIHO trong xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn

21/11/2019

     Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Tân Thiên Phú được Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Nam Định cấp giấy phép hoạt động ngày 29/9/2009, địa điểm sản xuất tại làng nghề xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Từ năm 2010, đóng góp vào phong trào chung của cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Công ty TNHH Tân Thiên Phú đã tập hợp được đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm, chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt mang thương hiệu Losiho, giải quyết được lượng rác thải tồn đọng trên địa bàn. Phóng viên Tạp chí Môi trường đã phỏng vấn Ông Trần Kiều - Giám đốc Công ty TNHH Tân Thiên Phú về những ưu điểm của công nghệ lò đốt Losiho trong xử lý rác thải sinh hoạt, góp phần cải thiện môi trường ở vùng nông thôn.

 

Ông Trần Kiều - Giám đốc Công ty TNHH Tân Thiên Phú

 

      PV: Xin ông cho biết về ý tưởng chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt tự nhiệt phân và tự sinh năng lượng (Losiho)?

     Ông Trần Kiều: Năm 2009, Công ty TNHH Tân Thiên Phú được thành lập, với lĩnh vực hoạt động là nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như máy nghiền thức ăn chăn nuôi, máy xử lý phụ phẩm nông nghiệp, thiết bị trồng nấm; máy chế biến thức ăn chăn nuôi mô hình trang trại và gia đình, máy ấp trứng tự động…, giúp người nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động. Trong giai đoạn cả nước chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó tiêu chí thứ 17 về môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất. Tại nhiều địa phương trên cả nước, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân. Được sự giúp đỡ của các Sở, ban ngành tỉnh Nam Định, năm 2012, Tân Thiên Phú đã nghiên cứu, chế tạo thành công sản phẩm Máy nghiền rác thải Model VINATTP chuyên dụng tái tạo rác (các loại) thành nguyên liệu có ích. Theo đó, máy có thể nghiền, cắt được nhiều loại rác với những chất liệu như: Gỗ, thủy tinh, nhựa, hộp kim loại, săm lốp cao su, vải… Sau những thành công ban đầu, qua nghiên cứu công nghệ xử lý rác của một số nước trên thế giới, bằng phương pháp tổng hợp, sáng tạo, sau 2 năm, Công ty đã nghiên cứu và chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt tự nhiệt phân và tự sinh năng lượng (Losiho).

     PV: Công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho có những ưu điểm như thế nào so với một số công nghệ khác trên thị trường hiện nay, đặc biệt là về kinh phí đầu tư và an toàn về môi trường, thưa ông?

     Ông Trần Kiều: Lò đốt Losiho có hai buồng đốt sơ cấp và thứ cấp. Buồng sơ cấp gồm không gian sấy, không gian cháy chính; buồng đốt thứ cấp gồm không gian cháy kiệt, khoang lưu khí, các chất đốt kiệt ngăn ngừa sự tái sinh của Dioxin, Furan. Lò đốt rác hoàn toàn sử dụng phương pháp đốt trên cơ sở tự nhiệt phân và tự đốt sinh năng lượng. Việc kiểm soát và cung cấp ôxy trong quá trình cháy được điều khiển bằng việc đóng mở các cửa cấp gió bên dưới hoặc trên thân lò. Đặc biệt, lượng nhiệt duy trì trong quá trình cháy trong lò là do rác thải tạo ra trên cơ sở tận dụng tối đa các nhiệt bức xạ, nhiệt lượng trong quá trình phản ứng hóa học, phân hủy rác mà không cần bất kỳ nguồn năng lượng khác từ bên ngoài. Khí gas sinh ra từ quá trình nhiệt phân không chỉ đốt cháy rác ở buồng đốt sơ cấp mà còn tiếp tục lên buồng đốt thứ cấp để đốt triệt khí độc trước khi qua thiết bị xử lý khí để thải ra môi trường. Sau khi rác được đốt thành tro xỉ, có thể sàng lọc để làm phân bón, phụ gia sản xuất vật liệu gạch không nung... Theo kết quả lấy mẫu phân tích của Sở TN&MT tỉnh Nam Định, Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Tổng cục Môi trường) vào năm 2016 khí phát thải từ lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho đảm bảo các chỉ tiêu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

     Với những ưu điểm vượt trội như diện tích đặt lò đốt không lớn, kích thước của Lò được thiết kế tương ứng với mức công suất khác nhau. Ngoài ra, lò đốt không sử dụng nhiên liệu đốt kèm, xử lý hiệu quả được rác thải hỗn hợp và có độ ẩm cao. Suất đầu tư thấp, chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng phù hợp với điều kiện các địa phương. Dễ dàng lắp đặt, vận chuyển, vận hành đơn giản, không đòi hỏi công nhân vận hành có trình độ cao, đặc biệt là kinh phí đầu tư thấp... nên  lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho đã được nhiều địa phương sử dụng. Tính đến đầu năm 2018, Công ty TNHH Tân Thiên Phú đã cung cấp ra thị trường 150 lò đốt rác Losiho trên toàn quốc. 

     Không ngừng sáng tạo và luôn cải tiến để đáp ứng thị trường, năm 2017, Công ty cho ra đời sản phẩm thế hệ mới (Lò đốt rác thải sinh hoạt công nghệ thương hiệu BAMBOO). Lò BAMBOO được trang bị thêm hệ thống phân loại rác tự động, tăng hiệu suất đốt và giảm quá trình tiếp xúc trực tiếp của người lao động với rác thải. Bổ sung hệ thống thiết bị xử lý khí thải bằng công nghệ nước kiềm và hệ thống làm mát cưỡng bức, xử lý triệt để bụi và các khí độc hại trong khí thải. Lò được thiết kế trang bị hệ thống quạt hút nhằm tạo áp suất âm, khiến quá trình đốt rác cháy nhanh hơn, nhưng vẫn đảm bảo đạt các thông số kỹ thuật, các giá trị nồng độ khí thải đều đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT.

     PV: Thực hiện phong trào xây dựng NTM, việc xử lý rác thải là yêu cầu cấp bách, vậy công ty đã có đóng góp gì cho phong trào này ở địa phương?

     Ông Trần Kiều: Thời gian từ khi thành lập đến nay, Công ty đã lắp đặt, chuyển giao, vận hành Lò đốt rác Losiho cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bến Tre…, giúp các địa phương cơ bản giải quyết lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng, góp phần xây dựng NTM. Tính đến đầu năm 2018, Công ty đã cung cấp ra thị trường 150 lò đốt rác Losiho trên toàn quốc.

 

Lò đốt LOSIHO 1000 xử lý hiệu quả rác thải sinh hoạt, góp phần cải thiện môi trường nông thôn

 

     Riêng tại huyện Xuân Trường , Công ty đã tặng 2 lò đốt rác Losiho. Ngoài ra, để BVMT làng quê xanh - sạch, Công ty cùng với một số người con quê hương tài trợ một phần giá trị lò đốt cho một số công trình xử lý rác thải như xã Hải Nam, Hải Vân, Hải Hưng, Hải Bắc, Hải Trung, Hải An, trị trấn Yên Định (huyện Hải Hậu) với số tiền trên 3 tỷ đồng. Đặc biệt, tại thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, Công ty đã đầu tư trên 10 tỷ đồng cải tạo bãi rác chôn lấp đã quá tải sau gần 20 năm hoạt động thành công viên bãi rác đầu tiên của Việt Nam, được chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Hàng năm, có hàng trăm đoàn thăm quan học hỏi và trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình xử lý rác thải của Công ty. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn nhiều địa phương cũng chưa biết tới mô hình công nghệ của công ty. Công ty mong muốn được đón các đoàn công tác từ khắp mọi miền đất nước về tham quan, trao đổi, đóng góp ý kiến để tìm ra mô hình xử lý phù hợp cho địa phương mình.

     PV: Ông có kiến nghị và đề xuất gì về cơ chế, chính sách trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả cho khu vực nông thôn hiện nay?

     Ông Trần Kiều: Với nhận thức “thu gom, xử lý rác thải BVMT là bảo vệ sức khỏe của chính mình”, hoạt động của Công ty đã góp phần lan tỏa ý thức hãy sống và làm việc từ những việc nhỏ nhất và phải xuất phát từ cộng đồng. Trong công tác xử lý rác thải, điều quan trọng nhất là cần cả cộng đồng chung tay BVMT. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ và có trách nhiệm với môi trường sống thì vấn đề rác thải sinh hoạt hoàn toàn có thể giải quyết được.

     Ngoài ra, việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp cũng là khâu quan trọng. Trong khi đó, ở nước ta có nhiều mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt với các quy mô khác nhau và công nghệ khác nhau. Thật khó để chọn ra đâu là mô hình công nghệ phù hợp nhất vì mỗi công nghệ đều có ưu điểm khác nhau. Khi xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn, cần phải lưu ý 2 vấn đề. Vấn đề thứ nhất là thành phần rác thải hỗn tạp, không được phân loại đầu nguồn và tỷ lệ hữu cơ cao. Vấn đề thứ hai là chi phí đầu tư, vận hành và bảo dưỡng phải phù hợp với điều kiện kinh tế nông thôn.

     Chương trình NTM nhằm phát huy khả năng nội lực của người dân trong công tác xây dựng xã hội, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, kinh tế tại nhiều địa phương nông thôn còn thấp, kinh phí dành cho môi trường còn rất hạn chế cho nên nhà nước cần có cơ chế  hỗ trợ giá phù hợp cho công tác xử lý rác thải. Trong thời gian tới, Công ty cần sự quan tâm và tạo điều kiện của chính quyền các cấp, ủng hộ của nhân dân trong việc nhân rộng mô hình lò đốt rác Losiho ra các địa phương trên cả nước.

 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn