Banner trang chủ

Ấn tượng Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh 26 - 3

02/05/2019

     Trong những năm qua, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, nhiều thanh niên đã trở thành tấm gương tiêu biểu về vượt khó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Trong đó có Phạm Diệu Vân, sinh năm 1986, tại Sơn La - một tấm gương khởi nghiệp thành công, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế địa phương. Với mong muốn cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người dân, chị Phạm Diệu Vân đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Xanh 26 - 3 (ở tổ 8, phường Chiềng Sinh, TP. Sơn La). Mô hình HTX Nông nghiệp Xanh 26 - 3 mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm ổn định cho nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.

     Nhận thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang ngày càng bức xúc, nhu cầu về nguồn rau, củ, quả sạch cho người dân ngày càng lớn, đã thôi thúc chị tìm một ngành nghề mới, vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa thực hiện niềm đam mê kinh doanh và giúp ích cho đoàn viên, thanh niên địa phương. Chị đã xin ý kiến Chi đoàn Thanh niên, Chi bộ tổ 8, đề xuất với tổ cho mượn 4.000 m2 đất bỏ không để xây dựng mô hình trồng rau, củ, quả an toàn; vận động các đoàn viên đóng góp đầu tư làm nhà lưới, cải tạo đất, trang bị hệ thống tưới tự động. Tháng 4/2016, HTX Nông nghiệp Xanh 26 - 3 được thành lập, do chị Phạm Diệu Vân - Bí thư Chi đoàn tổ 8 làm Giám đốc, với 8 thành viên.

 

Chị Phạm Diệu Vân với những nông sản sạch của HTX

 

     Hiện nay, HTX được chia thành 2 bộ phận: Sản xuất và kinh doanh. Bộ phận sản xuất với sự tham gia của 5 đoàn viên, thanh niên, có nhiệm vụ sản xuất, nghiên cứu các loại giống rau, củ, quả phù hợp với điều kiện thời tiết, đảm bảo quá trình trồng trọt, thu hoạch, chế biến theo tiêu chuẩn, nhằm đem lại sản phẩm chất lượng. Bộ phận kinh doanh có nhiệm vụ chính là tìm kiếm thị trường, bán hàng trực tiếp tại điểm chợ Noong Đúc (phường Chiềng Sinh), điểm chợ 7/11 (phường Quyết Thắng) và thông qua kênh bán hàng online trên trang web của HTX. 

     Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, tháng 10/2016, chị Phạm Diệu Vân đã mạnh dạn thuê thêm 3 ha ở xã Chiềng Mung (huyện Mai Sơn) để triển khai trồng rau, củ, quả sạch. Trong quá trình sản xuất, HTX thực hiện đầy đủ 10 bước quy định theo tiêu chuẩn VietGAP ngay từ khâu chọn đất trồng, nguồn nước tưới, phân bón … Nguồn nước tưới cho rau được bơm từ giếng khoan lên, sau đó, đưa vào bể chứa lắng để kiểm tra xử lý rồi mới tưới cho cây trồng. Đối với việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, dùng loại nào, số lượng, liều lượng, ngày tháng sử dụng… đều được ghi chép đầy đủ trong nhật ký đồng ruộng. Sau khi thu hoạch, rau củ, quả sẽ chuyển vào phòng sơ chế để phân loại, làm sạch, đóng gói, dán tem và vận chuyển đến điểm tiêu thụ hoặc trực tiếp giao cho người sử dụng để đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. 

     Đến thời điểm hiện tại, HTX có 3 vườn đủ điều kiện sản xuất rau, củ, quả an toàn. Tính đến hết năm 2016, sản lượng từ gần 1 ha đất trồng đã thu hoạch trên 40 tấn rau, củ, quả sạch, đem lại thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng cho người lao động. Hiện các nông sản của HTX đã được Chi cục Quản lý Chất lượng nông - lâm - thủy sản tỉnh Sơn La chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo nguyên tắc 6 không: Không dùng thuốc diệt cỏ; thuốc trừ sâu hóa học; các chất kích thích tăng trưởng; phân bón hóa học; giống đột biến gen và sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Cùng với đó, các sản phẩm của HTX đều tuân thủ quy trình nghiêm ngặt của VietGAP, được dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

 

Điểm bán nông sản sạch của HTX tại chợ 7/11, phường Quyết Thắng (TP. Sơn La)

 

     Tiếng lành đồn xa, sản phẩm rau sạch của HTX Nông nghiệp Xanh 26 - 3 không chỉ cung cấp cho các trường học, người tiêu dùng trên địa bàn TP. Sơn La, mà còn cung cấp cho thị trường các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội...

     Để nâng cao chất lượng sản phẩm, chị Phạm Diệu Vân cho biết, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục làm chứng nhận VietGAP cho vườn còn lại tại xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn); xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả sử dụng công nghệ cao; mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ các gian hàng xanh ở TP. Đồng thời, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do tỉnh tổ chức, thông qua Liên hiệp tiêu thụ nông sản an toàn tỉnh sẽ tạo điều kiện cho HTX yên tâm sản xuất, giảm chi phí đầu vào, từng bước hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên HTX.

     Với những lợi ích kinh tế, cách tổ chức phù hợp, thời gian tới, mô hình HTX Nông nghiệp Xanh 26 - 3 sẽ vươn xa, trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp sản phẩm rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng trên cả nước. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, HTX mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành liên quan, cũng như địa phương về vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất…

 

Thủy Lê

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn