Banner trang chủ

Ðẩy mạnh áp dụng cơ chế tự nguyện, linh hoạt trong quản lý môi trường tại Việt Namm

06/09/2017

   Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán, nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước. Cùng với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, đến nay, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó FTA thế hệ mới có nội dung về môi trường, với những ràng buộc pháp lý và cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế riêng đối với các vi phạm trong cam kết, nghĩa vụ môi trường của các quốc gia thành viên (FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu...).

Tập huấn “Kiểm toán môi trường” do Bộ KH&ĐT tổ chức tháng 5/2017, tại TP. Hồ Chí Minh

   Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có những bước chuyển biến lớn trong công tác BVMT. Một trong những nội dung cam kết quan trọng trong các FTA thế hệ mới là việc áp dụng cơ chế tự nguyện, linh hoạt về môi trường nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trên cơ sở tự nguyện và linh hoạt. Các hình thức áp dụng cơ chế tự nguyện, linh hoạt trong các FTA đa dạng, bao gồm chứng nhận, dán nhãn sản phẩm, nhãn sinh thái, kiểm toán và báo cáo tự nguyện, ưu đãi dựa trên thị trường, chia sẻ tự nguyện thông tin và chuyên môn, quan hệ đối tác công - tư, các hình thức khác nhằm tăng cường trách nhiệm BVMT, phát huy tính tự chủ, sáng tạo trong các hoạt động BVMT mang tính tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.

   Tại Việt Nam, cơ chế tự nguyện, linh hoạt không phải là một cơ chế mới, song cơ chế này mới được áp dụng dưới các hình thức như: Chính sách khuyến khích tính tự chủ, tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong việc BVMT, ưu đãi dựa trên thị trường, quan hệ đối tác công tư, nhãn sinh thái, kiểm toán môi trường... Các quy định pháp luật của Việt Nam về các hình thức của cơ chế tự nguyện, linh hoạt nêu trên đã được quy định tương đối đầy đủ, phù hợp với các nghĩa vụ liên quan mà Việt Nam đã cam kết trong khuôn khổ các FTA. Tuy nhiên, chưa có chính sách chung về việc tăng cường áp dụng các cơ chế tự nguyện, linh hoạt nhằm tăng cường trách nhiệm và vai trò của doanh nghiệp trong bối cảnh mới hiện nay. Bên cạnh đó, các hình thức áp dụng còn chưa đa dạng và còn nhiều vướng mắc, bất cập.

   Trên thực tế, việc phát triển mô hình nhãn sinh thái còn nhiều bất cập. Các sản phẩm gắn nhãn sinh thái còn chưa được người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm. Quá trình triển khai chương trình nhãn sinh thái tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như nhận thức của xã hội về vấn đề môi trường còn ở mức hạn chế; Kiến thức về đặc tính môi trường của sản phẩm cũng còn hạn chế đối với hầu hết những người làm công tác quản lý môi trường ở cấp cơ sở cũng như người sử dụng sản phẩm…

   Mô hình hợp tác công - tư đã và đang thu hút các đối tượng ngoài Nhà nước tham gia vào công tác BVMT. Tuy nhiên trong triển khai, ứng dụng còn gặp nhiều khó khăn do năng lực tài chính của các doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế, Nhà nước chưa có cơ chế cụ thể tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

   Bên cạnh đó, kiểm toán môi trường đã được quy định trong một số văn bản pháp luật nhưng đây vẫn là một lĩnh vực mới ở nước ta. Thực tế hiện nay, kiểm toán môi trường do kiểm toán nhà nước thực hiện, chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, còn ít các cuộc kiểm toán môi trường mang tính chất kiểm toán hoạt động. Các cuộc kiểm toán cũng chưa chuyên sâu về môi trường mà chủ yếu đánh giá tính tuân thủ trong việc sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước. Mặt khác, hiện nay kiểm toán môi trường mới chỉ mang tính tự nguyện, chưa được áp dụng phổ biến, bắt buộc đối với các doanh nghiệp.

   Ngoài ra, một số cơ chế tự nguyện BVMT khác chưa được quan tâm và thực hiện hiệu quả; cơ chế ưu đãi, khuyến khích về mặt tài chính của nhà nước còn chưa được doanh nghiệp tiếp cận trong công tác BVMT; các chương trình tự nguyện cộng đồng còn mang tính hình thức, thời vụ; cơ chế tham vấn cộng đồng và đệ trình cộng đồng còn mới mẻ và được áp dụng hạn chế…

   Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Chính phủ Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp. Để cơ chế tự nguyện, linh hoạt là một trong những giải pháp hiệu quả, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; tăng cường năng lực quản lý và kiểm soát số lượng các cơ chế tự nguyện, linh hoạt BVMT trước khi được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam; nghiên cứu, áp dụng thí điểm và triển khai các cơ chế tự nguyện, linh hoạt mới để quản lý môi trường hiệu quả hơn.

TS. Nguyễn Hải Yến,
ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Viện Khoa học Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017

Ý kiến của bạn