Banner trang chủ

Quản lý rủi ro môi trường - Nhân tố bảo đảm yếu tố xanh trong hoạt động cấp tín dụng

05/10/2023

    1.Đặt vấn đề

    Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với BVMT và giải quyết các vấn đề xã hội luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Quá trình đổi mới và phát triển cho thấy, nếu vấn đề môi trường không được quan tâm giải quyết thích đáng sẽ để lại nhiều hệ quả tiêu cực không chỉ cho thế hệ hiện tại mà cả các thế hệ tương lai. Nói cách khác, biến đổi khí hậu, nước biển dâng... tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với các thách thức truyền thống và phi truyền thống khác sẽ còn tác động mạnh đến sự phát triển của nước ta trong những năm tới. Đồng thời, ô nhiễm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng với những biểu hiện cụ thể về ô nhiễm nước, đất, không khí, tiếng ồn; suy giảm về độ che phủ và rừng đầu nguồn dẫn đến khả năng bảo tồn và duy trì tài nguyên nước ngầm suy giảm và gia tăng hạn hán, đặt ra nhiều thách thức trong phòng hộ phòng, tránh thiên tai. Các hệ sinh thái bị suy giảm như hệ sinh thái rừng, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn, sinh thái biển... làm cho suy thoái đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt nguồn tài nguyên, gia tăng an ninh lương thực, an ninh sinh thái, an ninh môi trường xuyên biên giới, tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường... ngày càng nghiêm trọng hơn dù các quy định về BVMT, kiểm soát ô nhiễm môi trường không ngừng được hoàn thiện. Chính vì vậy, trong phương hướng phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh  tế với bảo vệ bền vững môi trường, chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi  khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT... Điều này đặt ra yêu cầu cần triển khai các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường vào trong các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về cấp tín dụng xanh (TDX).

    Một trong những vấn đề cần quan tâm trong phát triển TDX là làm rõ yếu tố môi trường, rủi ro môi trường và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp luật cho quản lý TDX ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được ban hành. Điều này có thể gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc xác định tính chất “xanh” trong các quyết định cấp tín dụng cũng như khó có  thể đo lường các rủi ro môi trường trước và sau khi ra quyết định cấp tín dụng. Nói cách khác, quản lý rủi ro môi trường trong cấp tín dụng là nhân tố bảo đảm cho việc giảm thiểu các rủi ro môi trường trong các dự án đầu tư kinh doanh được xem là “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy BVMT sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”

    ​2.Quản lý rủi ro môi trường trong cấp TDX

    2.1.Quản lý rủi ro môi trường với mục tiêu BVMT và phát triển bền vững

    Môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo (gồm đất, nước, không khí, sinh vật, âm thanh, ánh sáng và các hình thái vật chất khác) có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên. Để bảo đảm môi trường trong lành, các hoạt động BVMT như “Phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên  thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu” được xác định là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá  nhân, được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, chất lượng môi trường luôn bị tác động bởi các hoạt động của con người (một cách trực tiếp hoặc gián tiếp) cũng như tình trạng suy thoái môi trường do biến đổi khí hậu và các hiện tượng tự nhiên cực đoan khác. Do đó, giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường sinh thái trong tiến trình đổi mới luôn được Đảng ta quan tâm và thể hiện trong nhiều văn kiện, nghị quyết cũng như các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến Đại hội XIII; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991, sửa đổi, bổ sung năm 2011; Các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 - 2000, 2001 - 2010, 2011 - 2020, 2021 - 2030; Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác BVMT; Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước…

    Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về BVMT được thể hiện trong các Luật BVMT năm 1993, năm 2005, năm 2014 và năm 2020. Kỳ vọng về BVMT đến năm 2030: “Cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%”, đòi hỏi các tác động xấu đến môi trường được nhìn nhận là các rủi ro môi trường và cần phải được ngăn chặn, phòng ngừa không chỉ ở giai đoạn phê duyệt dự án mà còn cả trong quá trình triển khai cũng như giai đoạn sau dự án hoàn thành, nhất là dự án đầu tư có tác động trực tiếp đến môi trường.

    Rủi ro môi trường là các mối đe dọa thực tế hoặc tiềm ẩn tác động lên các sinh vật sống và môi trường thông qua nguồn nước thải, khí thải, chất thải, hoặc gây suy giảm tài nguyên… do hoạt động của một đơn vị nên về bản chất, rủi ro môi trường là những mối đe dọa tiềm ẩn hoặc có thể là thực tế tác động lên môi trường và sinh vật sống qua nguồn khí thải, nước thải, khí chất thải, hoặc có thể gây suy giảm tài nguyên. Rủi ro môi trường luôn hiện hữu cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và luôn không chắc chắn.

    Dưới góc độ pháp lý, rủi ro về môi trường là các sự cố, hiểm họa về môi trường  đã gây ra hoặc có nguy cơ gây ra rủi ro tới môi trường xung quanh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của Luật BVMT. Một quan niệm khác cho rằng, rủi ro môi trường là khả năng xảy ra tổn thất về tài sản, vốn và thu nhập của chủ thể thực hiện các dự án, phương án sản xuất - kinh doanh có tác động xấu đến môi trường, phát sinh các sự cố môi trường hoặc do vi phạm quy định về BVMT bị cơ quan xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là rủi ro tín dụng của tổ chức tín dụng do khách hàng gặp rủi ro môi trường. Rủi ro môi trường xảy ra do các nguyên nhân như ô nhiễm môi  trường, suy thoái môi trường hay sự cố môi trường. Thông qua quản lý rủi ro môi trường, các tác nhân gây ô nhiễm, gây thiệt hại cho môi trường sinh thái, biến đổi cân bằng sinh thái được nhận diện và có biện pháp ứng phó phù hợp để đạt được mục tiêu BVMT và phát triển bền vững.

    ​2.2. Xây dựng quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng

        Quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là vấn đề mới ở Việt Nam. Theo quy định hiện hành, trước khi ra quyết định cấp tín dụng, tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi,  khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng, đồng thời phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích  sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng cũng như quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn. Dường như cách tiếp cận của Luật Các tổ chức tín dụng mới chỉ dừng lại ở mục tiêu bảo đảm thu hồi vốn của tổ chức tín dụng. Yêu cầu sử dụng vốn không gây hại cho môi trường cần được quan tâm thích đáng, nghĩa là quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng cần phải trở thành yêu cầu bắt buộc.

         Quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng đề cập đến việc phân loại, nhận dạng, đo lường rủi ro môi trường trong các đề nghị cấp tín dụng để tạo cơ sở cho việc ra quyết định cấp tín dụng cũng như theo dõi, kiểm soát, đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế rủi ro phát sinh. Về bản chất, quản lý rủi ro môi trường là đo lường mức độ rủi ro môi trường của dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh được đề xuất cho vay và các khoản cho vay đối với dự án đầu tư, phương án sản xuất - kinh doanh của khách hàng để phân tích, các hậu quả và khả năng xảy ra của một nguy cơ để có biện pháp ứng phó phù hợp.

    Do sử dụng vốn cấp tín dụng của nhà đầu tư có liên quan đến vòng đời của dự án nên quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng được thực hiện ở giai đoạn ra quyết định cấp tín dụng và trong giai đoạn sử dụng vốn. Cụ thể: Trong giai đoạn xét duyệt cấp tín dụng, quản lý rủi ro môi trường liên quan đến các nguy cơ xâm hại đến môi trường khi triển khai dự án đầu tư. Để đánh giá mức độ tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái, tổ chức tín dụng dựa vào kết quả đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, cam kết BVMT tùy thuộc vào quy mô của dự án. Các khuyến nghị, đo lường khả năng tác động tiêu cực đối với môi trường là căn cứ quyết định cho việc ra quyết định cấp tín dụng. Trong giai đoạn triển khai dự án đầu tư, quản lý rủi ro môi trường bên cạnh quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay tổ chức tín dụng còn phải đánh giá hiệu   quả xanh, thân thiện với môi trường của dự án để làm cơ sở tiếp tục hợp đồng cấp tín dụng hoặc chấm dứt hợp đồng và thu hồi vốn. Trong trường hợp phải thu hồi vốn đã cấp  tín dụng do nhà đầu tư không tuân thủ đầy đủ các cam kết đối với dự án đầu tư xanh thân thiện với môi trường, pháp luật về cấp tín dụng cần quy định thể để tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư trong triển khai dự án. Khi xây dựng nội dung quản lý rủi ro môi trường, cần căn cứ vào tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư bao gồm: Quy mô, công suất, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển; quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên; Yếu tố nhạy cảm về môi trường gồm khu dân cư tập trung; nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, thủy sản; các loại rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên khác; đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên; vùng đất ngập nước quan trọng; yêu cầu di dân, tái định cư và yếu tố nhạy cảm khác  về môi trường.

    Trên cơ sở quy định các loại dự án đầu tư tác động xấu đến môi trường, việc quản lý rủi ro môi trường cần được xây dựng dựa trên tín chấp, mức độ tác động xấu đối với  môi trường theo nguyên tắc chỉ nên cấp tín dụng đối với dự án đầu tư nhóm IV là dự án  không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Không cấp tín dụng đối với: Các dự án có nguy cơ gây tác động xấu đối với môi trường ở mức độ cao; Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; Dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; Quyền hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Một trong những vấn đề cần quan tâm là quyền hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, cần có sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Bộ TN&MT. Thực tiễn cho thấy, các vấn đề về môi trường liên quan nhiều đến yếu tố kỹ thuật, đo lường nên các quy định quản lý rủi ro môi trường  trong hoạt động cấp tín dụng cần phải được xây dựng dựa trên các nền tảng khoa học môi trường. Nói cách khác, việc quản lý môi trường nói chung, quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng nói riêng, không chỉ liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường mà còn bao gồm cả việc đo lường thông qua các thông số kỹ thuật.

    ​3. Kết luận

    Quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là nội dung mới được quy định trong Luật BVMT, là nhân tố trung tâm bảo đảm triển khai TDX. Điều này được lý giải ở chỗ, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đối với dự án đầu tư phải phù hợp với quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay. Các quy định hiện hành cho thấy, TDX và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng mới chỉ được quy định trong Luật BVMT năm 2020 mà chưa được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng. Do đó, nội dung quản lý rủi ro môi trường cần được cụ thể hóa trong các nghiệp vụ cấp tín dụng để hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng đạt được yêu cầu xanh trong Chiến lược tăng trưởng xanh và xanh hóa ngành Ngân hàng.

Nguyễn Văn Quý

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2023)

Tài liệu tham khảo

  1. Luật BVMT năm 2020.

  2. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

  3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.276.

  4. Trịnh Thành. (2016). Đánh giá rủi ro môi trường, Trung tâm con người và Thiên nhiên số 22 Quý II/2016, tr.11.

  5. Nguyễn Đình Việt, Nguyễn Thị Trà, Vấn đề BVMT qua các Văn kiện, Nghị quyết của  Đảng, Tạp chí Môi trường số 2/2022. Truy cập ngày 9/3/2022 tại địa chỉ: http://tapchimoitruong.vn/dien-dan-- trao-doi-21/van-de-bao-ve-moi-truong-qua-cac-van-kien-nghi-quyet-cua-dang-26390.

  6. Hongmin Zhang, Cong Qin. (2021). Research on the Influence of Green Credit in the Operation and Management of Commercial Banks. Advances in Social Science, Education and Humanities Research, Volume 551:255-258.

  7.  Kim Ngọc, Nguyễn Thị Kim Thu. (2015). Xu hướng phát triển kinh tế xanh trên thế giới, Tạp chí Khoa học xã  hội Việt Nam số 5 (90). 9 - 17.

Ý kiến của bạn