Banner trang chủ

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và một số đề xuất về quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy tại Việt Nam theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

27/12/2021

    Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề môi trường và phát triển bền vững luôn là chủ đề được được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này đang diễn ra theo xu hướng ngày càng sâu rộng, mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là những lợi ích về kinh tế và lợi ích liên quan đến môi trường cho tất cả mọi người dân. Tại Việt Nam, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thương mại quốc tế, cụ thể là mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, đồng thời cũng góp phần tích cực trong giải quyết những vấn đề môi trường đang “nóng” ở trong nước hiện nay cũng như các vấn đề môi trường xuyên biên giới ở khu vực. Vì vậy, để đáp ứng hơn nữa những yêu cầu ngày càng cao về BVMT trong quá trình hội nhập quốc tế, điều cần thiết là hoàn thiện pháp luật về môi trường để đáp ứng các kế hoạch hành động vì môi trường trong thời gian tới.

Các quy định về quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy trong Luật BVMT năm 2020

    Hiện Việt Nam đã tham gia vào nhiều công ước, cam kết, thỏa thuận quốc tế và là thành viên của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế liên quan đến môi trường và phát triển bền vững, trong đó phải kể đến Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Persistent Organic Pollutans - POP), Công ước Minamata về thủy ngân, Công ước Rotterdam về các thủ tục thỏa thuận, thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế... Chính vì vậy, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các cam kết đối với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

                    

                      Một số công ước quốc tế về BVMT liên quan đến các chất ô nhiễm khó phân hủy

    Theo quy định của Luật BVMT năm 2020, công tác BVMT trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy (Điều 69) là một bước phát triển, đột phá so với Luật BVMT năm 2014 (Điều 78).

    Theo đó, Luật BVMT năm 2020 lần đầu tiên đã nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm về các chất POP, trong đó khái niệm chất ô nhiễm khó phân hủy và chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) được quy định rõ ràng như sau: “Chất ô nhiễm khó phân hủy là chất ô nhiễm có độc tính cao, khó phân hủy, có khả năng tích lũy sinh học và lan truyền trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người” và “Chất POP là chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các đặc tính trên) được quy định trong Công ước Stockholm về các chất POP”.

POP và chất cùng loại luân chuyển và tích tụ trong chuỗi thức ăn

    Điều 69 Luật BVMT năm 2020 đã quy định yêu cầu về BVMT trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, cụ thể: Đăng ký miễn trừ đối với các chất POP theo quy định của Công ước Stockholm; kiểm soát nguồn phát sinh, công bố thông tin, dán nhãn, kiểm tra và đánh giá sự phù hợp; các quy định về điều kiện tái chế và tiêu hủy. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ ngành và UBND cấp tỉnh cũng như tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các yêu cầu về BVMT đối với các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.

 

Đèn huỳnh quang 2 cực chứa thủy ngân

Ứng dụng của chất POP trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị

    Bên cạnh đó, Luật BVMT năm 2020 cũng quy định việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (khoản 5 Điều 97) và quy chuẩn kỹ thuật môi trường này phải bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 3 Điều 98).

Quản lý các chất POP, các chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định của Công ước Stockholm và tại một số quốc gia trên thế giới

    Theo quy định của Công ước Stockholm, khi các quốc gia thành viên có nhu cầu sản xuất, sử dụng các chất POP quy định tại phụ lục A (các chất POP phải loại trừ trong sản xuất và sử dụng) và phụ lục B (các chất POP phải hạn chế sản xuất và sử dụng) thì phải đăng ký miễn trừ với Ban Thư ký Công ước Stockholm để được phép nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất POP, đặc biệt là các chất POP mới tại quốc gia mình. Bên cạnh đó, Công ước Stockholm cũng quy định việc dán nhãn các chất POP cũng như nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất POP để đánh giá, dự báo và phân loại mức độ nguy hiểm ở cấp quốc gia và quốc tế.

    Tương tự Công ước Stockholm khi quy định quản lý các chất POP theo vòng đời sản phẩm, Công ước Minamata về thủy ngân cũng quy định việc quản lý, kiểm soát an toàn, giảm thiểu và dẫn đến loại bỏ việc sử dụng thủy ngân, hợp chất chứa thủy ngân và sản phẩm chứa thủy ngân theo vòng đời sản phẩm.

    Tại các quốc gia châu Âu, Ủy ban châu Âu (EU) đã ban hành quy định thực hiện việc quản lý hóa chất (các chất ô nhiễm khó phân hủy, bao gồm các chất POP) và nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, cụ thể như: Chỉ thị hạn chế các chất độc hại (ROSH - Restriction Of Hazardous Substances) trong ngành điện tử đối với các chất: Chì (Pb), Thủy ngân (Hg); Cadimi (Cd), Crom VI (Cr VI), Biphenyl (PBB), PBDE, Bis (2-Ethylhexyl) phthalate (DEHP), Benzyl butyl phthalate (BBP), Dibutyl phthalate (DBP), Diisobutyl phthalate (DIBP); Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS - Globally Harmonized System of Classification and Labeling of Chemicals), trong đó phân loại và ghi nhãn GHS đối với các chất POP, bao gồm Chlordecone, DDT, Endosulfan, Lindane, OctaBDE, PentaBDE, Pentachlorobenzene, PFOS và muối của chúng.

    EU cũng quy định ngưỡng giới hạn của một số chất POP và chất ô nhiễm khó phân hủy như: PBB, PBDE, HBCD, PFOS, SCCP, chất chống cháy... trong sản phẩm điện và điện tử, dệt may...; một số chất POP (PFOA, PFOS, PBDE, HBDE, DBDE,  PCB...) và một số chất ô nhiễm khó phân hủy (Polybrominated biphenyls (PBB), Bis- Phenol A (BPA), một số kim loại nặng (Cd, Cr...)) trong các sản phẩm, hàng hóa. Đối với các chất POP vẫn đang được sử dụng theo quy định đăng ký miễn trừ, EU quy định phải thực hiện các biện pháp quản lý, bao gồm dán nhãn sản phẩm, hàng hóa. Các thông tin dán nhãn nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất POP bao gồm: Nhà sản xuất; tên chất POP; nồng độ/hàm lượng chất POP; thông tin liên quan đến việc tái chế hoặc thải bỏ/tiêu hủy.

    Ngoài ra, còn có một số quy định của các quốc gia khác có liên quan, cụ thể: Quy định của Đức về HBCD, SCCP, PFOS, PBDE trong sản phẩm, hàng hóa; quy định của Thụy Điển về PFAS (PFOS, PFOA); quy định của Nhật Bản trong quản lý an toàn đối với DBDE, SCCP trong sản phẩm, hàng hóa; quy chuẩn về các chất POP trong ngành dệt may và ngành da (STANDARD_100_by_OEKO-TEX). Đối với các sản phẩm dệt may được chứng nhận từ Hiệp hội quốc tế OEKO_TEX thì các sản phẩm này không chứa chất ô nhiễm độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.

Đề xuất nội dung quản lý các chất POP và chất ô nhiễm khó phân hủy tại Việt Nam theo quy định của Luật BVMT năm 2020

    Trước những yêu cầu của Công ước Stockholm, xu hướng quốc tế và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về quản lý an toàn các chất POP nhằm kiểm soát chặt chẽ các chất độc hại, BVMT và sức khỏe con người hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần thiết phải tiếp tục nội luật hóa, hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý các chất POP và các chất ô nhiễm khó phân hủy trong các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như:

    Thứ nhất, đăng ký miễn trừ các chất POP theo quy định của Công ước Stockholm. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý và kiểm soát chặt chẽ các chất POP trong các hoạt động sản xuất và sử dụng các chất POP trong từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, với quy định này, các cơ quan quản lý sẽ thuận lợi trong việc tổng hợp thông tin, số liệu thực tế đối với các chất POP được sản xuất và sử dụng tại Việt Nam, làm cơ sở để đăng ký miễn trừ các chất POP này với Ban Thư ký Công ước theo quy định.

    Thứ hai, dán nhãn và công bố thông tin nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy phải được dán nhãn, gửi thông báo về Bộ TN&MT và công bố thông tin về chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

    Thứ ba, kiểm tra và đánh giá sự phù hợp đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy. Với quy định này, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất chất ô nhiễm khó phân hủy trước khi dán nhãn, công bố thông tin phải thực hiện kiểm tra, đánh giá sự phù hợp để thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng. Sau đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất phải gửi văn bản tới Bộ TN&MT kèm theo kết quả đánh giá sự phù hợp đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy sau khi được thông quan và trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

    Thứ tư, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.

    Thứ năm, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị trong các ngành nghề, lĩnh vực cụ thể để tăng cường công tác quản lý và kiểm soát nghiêm ngặt các chất ô nhiễm khó phân hủy tại Việt Nam.

    Như vậy, có thể thấy rằng, Luật BVMT năm 2020 đã bổ sung những nội dung về quản lý, kiểm soát các chất ô nhiễm khó phân hủy nhằm đáp ứng yêu cầu thiết thực về BVMT và phát triển bền vững; đồng thời, bắt kịp xu thế quốc tế về quản lý hóa chất và chất POP và thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên của các Công ước.

Nguyễn Đức Hưng - Phó Vụ trưởng

Đặng Thùy Linh, Phan Thị Tố Uyên

Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2021)

Ý kiến của bạn