Banner trang chủ

Chuyển đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí

26/07/2024

    Hiện nay, ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ngày càng tăng cao ở mức báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như sức khỏe người dân. Trong đó, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải bụi PM2.5 lớn nhất (chiếm 50 - 70%) và đây vẫn luôn là bài toán khó cần đi tìm lời giải.

    Nhiều khó khăn trong kiểm soát phương tiện giao thông

    Theo xếp hạng của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir, năm 2023 Việt Nam là quốc gia ô nhiễm thứ 22 trên thế giới. Ước tính hàng năm tại nước ta, xe máy “đốt” hơn 5 tỷ USD xăng, thải ra một lượng khí thải khổng lồ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe người dân.

Tại Hà Nội, kết quả quan trắc cho thấy, số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Theo Báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, có nhiều nguyên nhân khiến Thành phố rơi vào tình cảnh lo lắng này: (i) Do phương tiện giao thôngm với hơn 770.000 xe ô tô và gần 6 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, khí thải từ giao thông đóng góp một phần lớn vào ô nhiễm môi trường. Chất bụi mịn PM2.5, khí CO và khí CO2 từ động cơ đã tạo nên một bức tranh ô nhiễm khó lường. (ii) Do sự phát triển của các khu công nghiệp và làng nghề, với 17 khu công nghiệp, hơn 800 làng nghề, nơi sản xuất và chế biến, không chỉ tạo ra khói bụi và khí thải độc hại, mà còn góp phần vào sự gia tăng của ô nhiễm môi trường không khí. (iii) Hoạt động đốt rác và rơm rạ sau thu hoạch, cùng với việc sử dụng bếp than tổ ong, đã tạo ra lượng lớn khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Sự thiếu kiểm soát và ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng này. (iv) Hạ tầng và quản lý rác thải, tại nhiều địa phương chưa có điểm trung chuyển rác thải, dẫn đến việc sử dụng điểm tập kết rác ở mặt đường, gây cản trở giao thông. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, đường ngõ hẹp, và tình trạng đổ rác và đốt rác không đúng nơi quy định là những thách thức cần vượt qua. (v) Công tác kiểm soát phương tiện vận chuyển, nhất là kiểm soát khí thải của phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng và xe máy gặp khó khăn, mặc dù đã có sự tăng cường kiểm tra và xử lý từ lực lượng chức năng. Tình trạng đổ trộm đất, phế thải, lôi kéo đất cát, vi phạm vệ sinh môi trường… vẫn chưa được giải quyết triệt để.

    Trước tình trạng trên, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5  từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.

    Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, việc quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm là giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Trong đó, nguồn thải từ giao thông vận tải sẽ là mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên, với dân số khoảng 9 triệu người; lượng xe mô tô, xe 2 bánh gần 7 triệu phương tiện, xe ô tô 1,1 triệu phương tiện và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương lân cận di chuyển thì việc kiểm soát lượng khí thải từ phương tiện giao thông sẽ rất khó khăn.

Trong khi đó, tăng dân số cơ học ở nội đô đã tạo nên áp lực lớn đối với hạ tầng đô thị và môi trường Hà Nội. Theo số liệu được Sở Giao thông vận tải Hà Nội thống kê gần đây, mỗi năm Thủ đô tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện cá nhân. Đáng nói trong số các phương tiện này hiện có rất nhiều xe cũ nát lưu hành nhiều năm. Thống kê của Công an TP. Hà Nội cũng cho thấy, hiện có khoảng hơn 44.000 xe máy có niên hạn 30 năm; trên 10.500 xe niên hạn hơn 40 năm. Những chiếc xe “3 không”: Không được chú trọng bảo dưỡng định kỳ; không phải kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; không quy định niên hạn sử dụng nên vẫn đang mặc sức thải, phát tán khí độc trong quá trình vận hành. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thì lại không có căn cứ để xử lý vi phạm ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù đã có nhiều chính sách và chương trình như thu hồi, tái chế được triển khai, nhưng việc xử lý dứt điểm xe cũ nát lưu thông trên đường lại không đơn giản.

  

Khói bụi từ các phương tiện giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân

    Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hồi, tái chế xe cũ sẽ gặp rất nhiều khó khăn do vướng thủ tục pháp lý. Vì phương tiện là tài sản của người dân được pháp luật công nhận, chưa có quy định niên hạn sử dụng đối với xe mô tô gắn máy; quy mô tái chế còn thấp, nhỏ lẻ, dẫn đến khả năng thu gom, xử lý ôtô, xe máy cũ chưa thực sự hiệu quả… Còn việc kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy hiện vẫn đang còn “trên giấy” chưa được quy định cụ thể hóa trong luật.

    Cần chuyển đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông

    Khi các cơ quan còn đang tìm hướng giảm thiểu các nguồn gây ô nhiêm, thì hàng ngày rất nhiều phương tiện không bảo dưỡng định kỳ, xe máy cũ nát vẫn lưu thông và thải khói đen kịt trên các tuyến đường. Do vậy, rất cần thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ, tức thời, đồng bộ hơn nữa để kiểm soát và quản lý chất lượng không khí. Trong đó, cần phải tính đến phương án khuyến khích người dân chuyển từ xe xăng sang xe điện, xe không phát thải.

    Các chuyên gia khuyến nghị, cần sớm ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, để thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường và hạn chế phương tiện sử dụng xăng, dầu truyền thống. Hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã và đang tích cực chuyển đổi xe xăng sang xe điện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng chạy bằng điện, thân thiện với môi trường như xe buýt, tàu đường sắt trên cao... Nhưng đó vẫn là số ít so với dân số hiện nay, vì vậy cần khuyến khích người dân nhiều hơn trong việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và chuyển đổi phương tiện xanh.

    Tại TP. Hồ Chí Minh, theo kế hoạch tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2025, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động giao thông, giảm 85% ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông gây ra so với hiện tại. Thành phố cũng đang tích cực chuyển đổi bổ sung các loại hình xe buýt điện, các loại xe không sử dụng nguyên liệu xăng... Hiện, Thành phố đang thí điểm chuyển đổi xe máy cũ sử dụng xăng sang xe máy điện tại huyện Cần Giờ. Tại địa phương này có khoảng 33.400 xe máy, trong đó có khoảng 26.300 xe của các hộ gia đình thông thường. 3.200 xe của các hộ nghèo và 3.800 xe của các hộ cận nghèo. Đề án chính sách hỗ trợ và lộ trình triển khai được chia thành ba giai đoạn, triển khai từ nay đến năm 2030. Giai đoạn 2024 - 2025, đối với hộ nghèo sẽ hỗ trợ 100% kinh phí khi chuyển đổi phương tiện. Còn với hộ cận nghèo, hỗ trợ 80% kinh phí. Các hộ dân sẽ làm cam kết không chuyển nhượng, thế chấp hoặc cầm cố trong thời gian 6 năm kể từ khi nhận xe.

    Có thể nói, việc chuyển đổi phương tiện xe xăng sang xe điện trong thời gian tới là rất cần thiết và cần được nhân rộng hơn nữa ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, góp phần giảm lượng khí thải từ giao thông, bảo vệ sức khỏe.

Bảo Bình

Ý kiến của bạn