Banner trang chủ

Xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ môi trường làng nghề

04/04/2017

   Trong nhiều năm qua, sự phát triển của làng nghề trên cả nước đã tạo động lực to lớn góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng tạo nên những sức ép không nhỏ đối với môi trường và sức khỏe con người. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý môi trường làng nghề, đòi hỏi hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) phải được cập nhật chính xác về thực trạng môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam, từ đó có các chính sách phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững hiện nay.

Hình 1. Trang chủ  

   Những năm qua, trong quá trình thực hiện Dự án kiểm soát ô nhiễm (KSON) môi trường làng nghề, Cục KSON (Tổng cục Môi trường) đã phối hợp với các địa phương thu thập, tổng hợp, phân tích và đánh giá các thông tin về môi trường làng nghề để phục vụ yêu cầu công tác quản lý. Thực tế cho thấy, các thông tin, dữ liệu liên quan đến môi trường làng nghề còn thiếu, rời rạc, phân tán ở nhiều Bộ, ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Hiệp hội làng nghề Việt Nam…) và địa phương. Việc báo cáo, trao đổi thông tin, dữ liệu về môi trường làng nghề giữa các cơ quan ở Trung ương, cũng như giữa Trung ương với địa phương còn chậm, chưa đầy đủ.

   Xuất phát từ thực tế đó, trong giai đoạn 2013 - 2016, Cục KSON đã được giao chủ trì xây dựng, hoàn thiện CSDL về BVMT làng nghề nhằm tổng hợp, xử lý và chia sẻ các thông tin về môi trường làng nghề từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu tra cứu thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng dân cư. Từ đó, đưa ra đề xuất phương thức quản lý phù hợp nhằm duy trì, cập nhật, quản lý hiệu quả thông tin, dữ liệu liên quan đến môi trường làng nghề của các cơ quan Trung ương và các địa phương.

   Việc xây dựng phần mềm CSDL về BVMT làng nghề được triển khai dựa trên nhu cầu quản lý của các cơ quan liên quan về làng nghề, công tác BVMT làng nghề. Trên cơ sở các thông tin thu thập được từ các nhiệm vụ, dự án, đề tài nghiên cứu liên quan tới BVMT làng nghề đã thực hiện, Cục KSON đã tổng hợp, xác định các thông tin cần quản lý và bước đầu cập nhật vào CSDL. Đồng thời, thực hiện điều tra, phỏng vấn, thu thập thông tin cần thiết phục vụ xây dựng CSDL và tổng hợp thông tin, kết hợp với khảo sát thực địa, lấy mẫu, phân tích để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề.

   Để phục vụ thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, số liệu về môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam, CSDL được xây dựng theo 2 nhóm đối tượng chính là làng nghề và cơ sở sản xuất tại làng nghề.

   Việc quản lý, chia sẻ thông tin trên CSDL thông qua phần mềm có thiết lập hệ thống thư mục và các tệp dữ liệu trên trang chủ; khai báo và thay đổi người sử dụng; gán mật khẩu ban đầu và phân quyền thích hợp. Trên cơ sở đó, các đối tượng sử dụng phải chịu trách nhiệm về các thông tin, dữ liệu do mình cập nhật. Phần mềm quản lý CSDL có 5 chức năng chính, bao gồm chức năng tra cứu, thống kê, cập nhật dữ liệu, bản đồ và văn bản.

   Với chức năng tra cứu thông tin, phần mềm trên sẽ giúp người sử dụng có thể tìm kiếm nhanh các thông tin về làng nghề và kết xuất ra bảng excel. Người sử dụng có thể tra cứu làng nghề theo các tiêu chí lọc khác nhau như tìm kiếm theo tỉnh, loại hình sản xuất, lượng chất thải phát sinh…

   Chức năng thống kê là chức năng cơ bản hỗ trợ cho nhu cầu quản lý nhà nước về BVMT làng nghề bao gồm các nội dung như số lượng làng nghề, số lượng làng nghề được công nhận, số lượng làng nghề theo loại hình sản xuất, số lượng làng nghề theo mức độ ô nhiễm…

Hình 2. Tìm kiếm theo tỉnh, loại hình sản xuất  

   Chức năng cập nhật dữ liệu là chức năng quan trọng quyết định số lượng và chất lượng dữ liệu quản lý trên phần mềm. Các thông tin, dữ liệu cập nhật được thu thập, tổng hợp theo nhu cầu quản lý của các đơn vị liên quan trên cơ sở các quy định về BVMT làng nghề hiện hành. Để thuận lợi cho người sử dụng và cập nhật, dữ liệu được chia thành 5 tab bao gồm thông tin chung, thông tin về chất thải rắn, môi trường nước, môi trường không khí và công tác quản lý môi trường làng nghề. Người cập nhật có thể thêm mới, xóa hay chỉnh sửa thông tin cần cập nhật theo phân quyền sử dụng và các thông tin này sẽ được lưu theo mốc thời gian thực hiện.

Hình 3. Thống kê các thông tin liên quan

 

Hình 4. Các dữ liệu cần cập nhật và các bản ghi đối với môi trường làng nghề

   Bên cạnh các chức năng trên, phần mềm còn có chức năng bản đồ. Đây là chức năng giúp các cơ quan quản lý nhà nước hình ảnh hóa bức tranh về làng nghề và môi trường làng nghề trên nền bản đồ Việt Nam. Các thông tin cần xem trên bản đồ được lựa chọn theo đơn vị hành chính, loại hình làng nghề, được công nhận hay chưa và mức độ ô nhiễm. Giữa chức năng bản đồ và các dữ liệu trong CSDL có sự liên kết trực tiếp với nhau.

   Trong thời gian tới, Cục KSON sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan, các địa phương có làng nghề phổ biến, hướng dẫn sử dụng CSDL và phần mềm hỗ trợ, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm thống nhất thông tin, phục vụ công tác quản lý nhà về BVMT làng nghề. Để đạt được mục tiêu đó, cần sự quyết tâm thực hiện của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan ở Trung ương và các cấp chính quyền địa phương.

Lê Vũ Linh Soa

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

 

Ý kiến của bạn