Banner trang chủ

Vật liệu địa kỹ thuật - Giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các bãi thải

06/11/2017

   Hiện nay, ở Việt Nam, việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp là phổ biến. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, các bãi chôn lấp rác thải đang trong tình trạng quá tải do lượng rác phát sinh ngày càng lớn, trong khi các bãi rác được xây dựng không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường, cần được xử lý nâng cấp. Nhằm giải quyết những vấn đề môi trường phát sinh trong chôn lấp rác thải, việc ứng dụng vật liệu địa kỹ thuật (VLĐKT) trong xử lý rác thải tại các bãi chôn lấp rác đã được thực hiện rộng rãi trên thế giới, nhằm kiểm soát và ngăn ngừa những tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng, môi trường (mùi, nước rỉ rác…). Để tìm hiểu về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Hưng - Trưởng Đại diện của Tập đoàn GSE tại Việt Nam.

Ông Trần Ngọc Hưng - Trưởng Đại diện của Tập đoàn GSE tại Việt Nam

   Ông có thể giới thiệu đôi nét về Tập đoàn GSE và tính ưu việt của các sản phẩm VLĐKT hiện đang được phân phối tại thị trường Việt Nam?

   Ông Trần Ngọc Hưng: GSE thành lập năm 1972, có trụ sở chính tại bang Texas (Mỹ), là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp các sản phẩm VLĐKT. VLĐKT là những vật liệu tổng hợp dùng để ổn định, gia cường nền đất và thường là những vật liệu cao phân tử (vật liệu polyme tổng hợp có kích thước và khối lượng phân tử lớn). Các loại VLĐKT bao gồm vải địa kỹ thuật, lưới địa kỹ thuật, bạt chống thấm, đất sét tổng hợp, lưới thoát nước, ô địa kỹ thuật. Vì là các sản phẩm cao phân tử nên các VLĐKT phù hợp với yêu cầu tăng cường khả năng chịu lực của nền đất, đồng thời có thời gian sử dụng lâu bền. VLĐKT có ứng dụng rộng rãi trong các ngành xây dựng, giao thông, địa chất, môi trường, thủy lợi và nuôi trồng thủy sản. Những vật liệu này có thể dùng trong các ứng dụng ngoài trời, hoặc chôn lấp trong đất.

   Trong những năm qua, GSE đã cung cấp các sản phẩm VLĐKT cho nhiều công trình, dự án lớn về môi trường trên thế giới như bãi xử lý rác thải tại Peninsular (Malaixia), bãi thải xỉ Nhà máy Duke Energy (Mỹ), bãi rác Corai (Ấn Độ), hồ chứa chất thải quặng Queensland (Ôxtrâylia)... Hiện nay, GSE có 7 nhà máy sản xuất tại Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi, riêng tại châu Á, GSE có 2 nhà máy ở Thái Lan và Trung Quốc. Hiện nay, GSE còn sản xuất những sản phẩm mới, tiên phong trên thị trường như bạt chống thấm dẫn điện, tấm thoát nước phức hợp, hệ thống lót đáy bãi thải xỉ nhà máy nhiệt điện…

   Các VLĐKT của GSE có chất lượng tốt, ổn định, thời gian sử dụng lâu bền (hàng trăm năm), thiết kế tiên tiến, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của từng công trình, giúp giảm thiểu rủi ro cho môi trường. Với năng lực sản xuất vượt trội, GSE có khả năng cung cấp sản phẩm VLĐKT trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo tiến độ thi công, đáp ứng những nhu cầu khắt khe nhất trong xử lý môi trường, xây dựng hoặc thủy lợi. Tất cả các sản phẩm mà GSE sản xuất đều được kiểm tra các đặc tính lý, hóa thông qua hệ thống các phòng thí nghiệm của Tập đoàn tại nhiều quốc gia trên thế giới trước khi vận chuyển và lắp đặt. Do đó, các sản phẩm VLĐKT của GSE là sự lựa chọn hàng đầu về chất lượng và độ tin cậy để sử dụng tại các bãi chôn lấp rác thải nhằm BVMT, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

   Ông đánh giá thế nào về việc ứng dụng các VLĐKT trong xử lý chất thải tại các bãi thải ở Việt Nam? So với các quốc gia khác, Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì để phát triển các sản phẩm VLĐKT?

   Ông Trần Ngọc Hưng: Việc sử dụng VLĐKT trong các bãi xử lý chât thải rắn ở Việt Nam còn khá hạn chế. Theo đánh giá của tôi, chỉ có khoảng 25 - 30% các bãi thải đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng tại Việt Nam. Các tiêu chuẩn này hiện nay còn thấp nếu so sánh với các tiêu chuẩn của các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Singapo, Malaixia. Ngoài ra, việc đóng cửa bãi rác sau khi đầy cũng không được quan tâm đúng mức dẫn đến ô nhiễm không khí và mùi hôi ảnh hưởng tới môi trường sống của dân cư. So với các quốc gia khác, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển các VLĐKT. Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm hơn tới việc BVMT nhằm phát triển bền vững, điều này góp phần thúc đẩy việc sử dụng các VLĐKT trong nhiều dự án BVMT. Với những sản phẩm VLĐKT của GSE có độ bền cao, đã được sử dụng và đạt kết quả tốt tại các quốc gia phát triển sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho các cơ quan quản lý, nhà đầu tư tại Việt Nam sử dụng, nhằm đảm bảo các tiêu chí về môi trường. Tuy nhiên, khó khăn khi phát triển VLĐKT tại Việt Nam là chi phí đầu tư ban đầu cao, các chủ đầu tư do phải tính toán hiệu quả kinh tế nên nhiều khi muốn cắt giảm chi phí đầu tư sản phẩm vật liệu địa kỹ thuật, hoặc sử dụng những sản phẩm rẻ, kém chất lượng.

   Ông có đề xuất gì để phát triển công nghệ địa kỹ thuật trong xử lý chất thải tại các bãi thải trong điều kiện hiện nay?

   Ông Trần Ngọc Hưng: Để đảm bảo chất lượng khi xây dựng các bãi thải, việc đầu tiên là phải có thiết kế tốt với những vật liệu tiên tiến phù hợp. Nhà thầu thi công phải mua đúng chủng loại vật tư và tổ chức thi công theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngoài ra, nên sử dụng những VLĐKT cho phép kiểm tra chất lượng đối với toàn bộ công trình khi nghiệm thu.

Các tấm vải địa kỹ thuật được sử dụng để phục hồi, gia cố nền đường tại các khu vực đất yếu như đầm phá, đê, đập, kênh mương thủy lợi, kè sông

   Để phát triển sản phẩm VLĐKT tại Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước phải có các tiêu chuẩn cụ thể về thiết kế và thi công các dự án môi trường. Các tiêu chuẩn này phải được thuân thủ trong quá trình xây dựng, cũng như vận hành dự án. Các yêu cầu về môi trường phải trở thành bắt buộc đối với các dự án, nhất là với các bãi chôn lấp rác thải. Ngoài ra, việc sản xuất các VLĐKT trong nước cũng cần phải được quan tâm và có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể (chính sách thuế, ưu đãi về đầu tư) nhằm chủ động nguồn cung và hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, thu hút, kêu gọi các nhà sản xuất nước ngoài đầu tư, cung cấp VLĐKT tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các công ty, thương hiệu có uy tín trên thị trường sản xuất, phân phối các sản phẩm VLĐKT, góp phần tạo dựng một môi trường Xanh, Sạch - Đẹp và bền vững.

   Xin cảm ơn ông!

Giáng Hương (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017

Ý kiến của bạn