Banner trang chủ

Triển khai Dự án Trình diễn áp dụng phương pháp BAT/BEP trong hoạt động đốt ngoài trời

06/06/2016

      Ngày 4/6/2016, tại Lào Cai, Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Trình diễn áp dụng phương pháp BAT/BEP trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stốckhôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP).

     Tại Việt Nam, hoạt động đốt ngoài trời các phế phẩm nông nghiệp, đốt tại bãi rác ngoài trời, đốt chất thải sinh hoạt, cháy rừng... tại làng nghề và khu vực nông thôn thường gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao gồm các nguồn phát sinh dioxin/Furan, những chất POP mới và các chất gây ô nhiễm khác. 

     Theo UNEP, tổng phát thải dioxin từ các ngành công nghiệp khác nhau và làng nghề tại Việt Nam ước tính khoảng 564,4g TEQ/ năm. Hiện nay, Việt Nam không có quy định cụ thể về quản lý hoạt động ngoài trời, đặc biệt đối với các hoạt động tái chế tại các làng nghề.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng phát biểu tại Hội thảo

 

     Vì vậy, việc xây dựng và triển khai Dự án Trình diễn áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời có ý nghĩa quan trọng, nhằm giảm phát thải các chất hữu cơ hình thành không chủ đích (UPOP) từ hoạt động đốt ngoài trời tại các làng nghề, góp phần BVMT và sức khỏe con người.

     Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về kế hoạch khung hoạt động của Dự án trong thời gian tới, đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động đốt chất thải phát sinh UPOP và các chất ô nhiễm khác tại Việt Nam. Theo đó, để quản lý, kiểm soát hoạt động đốt ngoài trời gây phát thải các chất UPOP, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần phối hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là các quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ xử lý chất thải nguy hại và hướng dẫn các địa phương tổ chức xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý đối với các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh nhỏ, chủ nguồn thải ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tăng cường năng lực cho các cơ quan quan trắc môi trường về dioxin/furan đối với các lò đốt chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, nhân dân về quản lý chất thải, chất thải nguy hại để hạn chế việc đốt chất thải phát sinh UPOP.

 

Phương Tâm

 

Ý kiến của bạn