Banner trang chủ

Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn trước áp lực gia tăng ô nhiễm

10/05/2016

   Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2014 của Bộ TN&MT, Việt Nam hiện có khoảng 67% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, bình quân mỗi năm phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 1.300 triệu m3 nước thải và khoảng 7.500 tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật. Kinh tế nông thôn đã và đang phát triển mạnh theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, đã tạo áp lực đối với môi trường nên đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm.

Mô hình Tổ tự quản BVMT nông thôn Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) góp phần tạo cảnh quan cho môi trường nông thôn

   Những áp lực đối với môi trường nông thôn

   Môi trường nông thôn (MTNT) đang chịu những áp lực các hoạt động dân sinh và sản xuất. Các hoạt động sản xuất ở nông thôn phần lớn là quy mô hộ gia đình, gần khu dân cư, hình thức sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, chưa đầu tư cho hoạt động BVMT. Đồng thời, việc vận hành công trình xử lý nước thải chưa hiệu quả cũng tạo ra những áp lực không nhỏ đối với MTNT.

   Bên cạnh đó, nguồn chất thải rắn phát sinh từ sản xuất nông nghiệp cũng rất lớn và đáng báo động đối với môi trường. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, mỗi năm có khoảng 84,5 triệu tấn chất thải tàn dư do 7 loại cây trồng chính gồm lúa, ngô, khoai lang, lạc, đậu tương, sắn, mía. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 130.000 tấn lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, dư lượng phân hóa học mà cây trồng không hấp thụ hết chiếm trung bình từ 40-50% làm ô nhiễm nguồn nước, gây phú dưỡng hóa tác hại đến thủy sinh, nguồn lợi thủy sản và làm thoái hóa đất nghiêm trọng.

   Một áp lực nữa cũng đang tác động xấu đến MTNT là hoạt động của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu. Ý thức của người dân làng nghề trong BVMT và sức khỏe còn rất hạn chế. Trung bình mỗi ngày, hoạt động sản xuất trong các làng nghề thải ra từ 300 - 500 tấn bã, hơn 15.000m3 nước thải, hàng trăm tấn chất thải rắn chứa các chất tẩy rửa hóa học, tác động trực tiếp đến môi trường nước, không khí, đất trong khu vực với mức độ khác nhau, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

   Do nguồn nước mặt bị ô nhiễm và nhiễm mặn nên người dân chuyển sang khai thác nước dưới đất để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Việc khai thác nước dưới đất với số lượng lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, như hạ thấp mực nước ngầm, gây sụt lún mặt đất và suy giảm chất lượng nước ngầm, làm gia tăng khả năng thẩm thấu, xâm nhập nước mặn từ ngoài vào. Nhiều giếng nước không còn sử dụng hoặc khai thác không hiệu quả nhưng không có biện pháp xử lý đúng quy định, làm gia tăng thêm nguy cơ đưa nguồn ô nhiễm vào nước ngầm.

   Đặc biệt, khu vực nông thôn là nơi dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và thiên tai. Nhiệt độ không khí có xu thế ngày càng gia tăng do sự nóng lên toàn cầu. Hệ quả nặng nề của BĐKH là hiện tượng nước biển dâng, làm gia tăng xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa, ảnh hưởng đến chất lượng nước ngọt và suy thoái môi trường đất. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiễm mặn trên sông Hậu đã xâm nhập sâu 8-10km; trên sông Cổ Chiên nhiễm mặn 1g/l cũng nhiễm mặn sâu vào rạch Vũng Liêm. Dưới tác động của BĐKH, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản và tác động tiêu cực đến môi trường.

   Giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn

   Trong giai đoạn tới, để BVMT nông thôn, cần tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến ngư, kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản. Đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ để hướng dẫn, quản lý, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất. Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT nông thôn, rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí về môi trường để phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi. Đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý MTNT theo hướng tập trung toàn diện.

   Huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác BVMT nông thôn. Luật BVMT năm 2014 đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách nhằm huy động cộng đồng tham gia. Cụ thể như thành lập tổ chức tự quản, xây dựng và tổ chức thực hiện hương ước. Đặc biệt, Luật đã dành 1 chương quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong BVMT.

   Nhân rộng các mô hình BVMT hiệu quả. Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tính đến năm 2014 cả nước có 274 hợp tác xã triển khai công tác môi trường. Đa số các hợp tác xã này hoạt động ở địa bàn nông thôn và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch. Một số tỉnh có chính sách, hỗ trợ cho các hợp tác xã môi trường triển khai việc huy động sự tham gia của cộng đồng BVMT. Đặc biệt, hoạt động thu gom rác thải, tạo cảnh quan xanh cho nông thôn và đạt hiệu quả cao như các tỉnh Hà Tĩnh và Vĩnh Phúc. Đây là những mô hình tốt cần tiếp tục nhân rộng để phát huy thế mạnh quản lý dựa vào cộng đồng dân cư ở cấp địa phương.

   Tăng cường nguồn lực tài chính, đầu tư cho BVMT nông thôn. Hiện nay, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho các lĩnh vực trồng trọt-bảo vệ thực vật; chăn nuôi-thú y; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy lợi; thủy sản và phát triển nông thôn còn hạn chế và giảm dần trong những năm gần đây. Vì vậy, cần huy động nguồn tài chính, đầu tư cho hoạt động BVMT nông thôn... Mặt khác, lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng. Ưu tiên các giải pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn phát sinh, tăng cường tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải trong nông nghiệp, khuyến khích sản xuất sạch, sản xuất sạch hơn.

   Ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý chất thải rắn, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, cần có những giải pháp theo vùng, miền khác nhau, đặc biệt là nhóm giải pháp cho hoạt động quản lý và BVMT nông thôn vùng đồng bằng, vì đây là nơi tập trung dân cư nông thôn lớn nhất. Theo đó, thực hiện các tiêu chí môi trường như xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung, quy hoạch bãi chôn lấp rác, khu xử lý chất thải rắn, quy hoạch nghĩa trang... Đẩy mạnh việc triển khai các chính sách, chương trình ưu đãi, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, tổ chức hoạt động dịch vụ trong việc đầu tư các trang thiết bị xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất. Riêng vùng duyên hải ven biển, giải pháp trọng tâm là quy hoạch theo hướng phát huy lợi thế gắn với BVMT và phát triển bền vững. Chú trọng khai thác các nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch. Mặt khác, có kế hoạch bảo vệ các hệ sinh thái biển; Hướng dẫn người dân chủ động thích ứng với BĐKH, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt và xâm nhập mặn.

Nguyễn Thị Phượng

Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn