Banner trang chủ

Thúc đẩy cơ chế và chính sách áp dụng sản xuất sạch hơn ở Việt Nam

10/05/2016

   Trong những năm qua, công tác triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) tại Việt Nam đã mang lại hiệu quả kinh tế, giảm thiểu chất thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Nhiều chính sách đã được Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc áp dụng các công nghệ SXSH. Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng SXSH trong công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần có những giải pháp khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai các mô hình SXSH nhằm thay đổi mô hình sản xuất hiện có theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.

Áp dụng SXSH giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng và BVMT 

   Cơ chế, chính sách của Nhà nước khuyến khích áp dụng SXSH tại Việt Nam

   “Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 đã nêu rõ “khuyến khích áp dụng mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, SXSH, kiểm toán chất thải, đánh giá vòng đời sản phẩm, các mô hình quản lý môi trường tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh”. Theo đó, SXSH là một trong những nội dung cơ bản được khuyến khích ưu tiên trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

   Bên cạnh đó, Nhà nước cũng ban hành “Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh” tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, trong đó, nhấn mạnh giai đoạn 2011-2020 Việt Nam sẽ giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm; “Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 60 - 70% cơ sở sản xuất đang hoạt động sử dụng nhiều năng lượng có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như dệt nhuộm, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, luyện thép, khai thác chế biến khoáng sản, nhiệt điện, sản xuất giấy, xi măng và mía đường phải xây dựng, thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch. Đến năm 2030, 100% các cơ sở sản xuất trong toàn ngành công nghiệp phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch.

   Chính sách mang tính tổng thể và có ý nghĩa khuyến khích biện pháp SXSH trong sản xuất công nghiệp đó là “Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012, trong đó chỉ rõ: Đẩy mạnh áp dụng rộng rãi SXSH để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.

   Ngoài ra, trong những năm qua, một số cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng biện pháp SXSH đã tiếp cận các nguồn quỹ khác nhau để được vay vốn và hưởng ưu đãi liên quan đến SXSH như: Quỹ BVMT; Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. Các nguồn tài chính từ các quỹ này chủ yếu được cấp từ ngân sách của Nhà nước, trong đó một số quỹ được bổ sung thường xuyên từ các nguồn thu trích lại của thuế/phí như Quỹ BVMT. Với nguyên tắc hoạt động của Quỹ là bảo toàn vốn, do vậy rất phù hợp với các dự án SXSH nếu vay từ các quỹ này.

   Từ những văn bản có tính pháp lý và những chiến lược liên quan đến định hướng cho SXSH trong công nghiệp cho thấy, giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, việc áp dụng các biện pháp SXSH trong công nghiệp sẽ tiếp tục được khuyến khích và ưu tiên trong lộ trình phát triển công nghiệp của Việt Nam.

   Một số mô hình, doanh nghiệp điển hình áp dụng SXSH hiệu quả

Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên là đơn vị điển hình áp dụng SXSH hiệu quả trong ngành sản xuất giấy và bột giấy. Công ty sản xuất giấy vàng mã xuất khẩu sang Đài Loan, nguyên liệu sử dụng sản xuất chủ yếu từ gỗ, tre, nứa, với công suất hàng năm đạt 6.500 tấn/năm. Tổng số cán bộ/nhân viên của Công ty là 200 người. Công ty đã thực hiện một số biện pháp SXSH như: Cải tiến thiết bị; Thay thế nguyên liệu chất lượng cao; Áp dụng công nghệ tiên tiến; Tuần hoàn và tái sử dụng nước… Sau khi áp dụng các giải pháp, kết quả đạt được một số lợi ích kinh tế như: Công ty đã đầu tư 2,5 tỷ VNĐ, doanh thu năm 2014 đạt 1,5 tỷ VNĐ/năm. Theo tính toán do áp dụng các biện pháp SXSH, Công ty đã giảm phát thải khí nhà kính 125 tấn CO2/năm; nước thải 114.400 m3/năm; phát thải bụi 5,19 tấn/năm.

   Đối với ngành sản xuất bia - rượu, doanh nghiệp điển hình là Công ty CP Bia rượu Sài Gòn - Đồng Xuân. Công suất nhà máy sản xuất hàng năm đạt 30 triệu lít bia/năm, 1,5 triệu lít cồn/năm, 3 triệu chai rượu/năm. Tổng số cán bộ/nhân viên của Công ty là 310 người. Nhờ áp dụng các biện pháp cải thiện hiệu suất sản xuất; Sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng hiệu quả hơn; Giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; Cải thiện môi trường và an toàn lao động. Sau khi áp dụng các giải pháp trên, Công ty đã đạt được một số kết quả về lợi ích kinh tế, cụ thể là đầu tư 1,9 tỷ VNĐ đã thu về lợi nhuận năm 2015 là 2,3 tỷ VNĐ/năm. Giảm tiêu thụ nước và nước thải 558.900 m3/năm, giảm phát thải khí nhà kính 238 tấn CO2/năm, giảm phát thải bụi 75 tấn/năm.

   Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Nam Hưng là đơn vị điển hình trong ngành dệt may. Sản phẩm của Công ty bao gồm vải tẩy trắng, vải nhuộm (sợi canh đã hồ và một số loại vải cotton). Sản lượng sản xuất hàng năm đạt 1,1 triệu m vải/năm. Tổng số cán bộ/nhân viên của Công ty là 20 người. Việc áp dụng các biện pháp SXSH đã mang lại những lợi ích kinh tế: Công ty đã đầu tư 32,3 triệu VNĐ thu được lợi nhuận năm 2015 là 69,4 triệu VNĐ/năm; giảm phát thải khí nhà kính 136,2 tấn CO2/năm nhờ giảm tiêu thụ điện năng và củi, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.

   Đề xuất giải pháp thực hiện áp dụng SXSH trong công nghiệp

   Đánh giá và rà soát các đề án SXSH đã ban hành để tìm ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện, có sự điều chỉnh kịp thời về nguồn tài chính cho thực hiện đề án.

   Xem xét lại những ưu đãi khuyến khích đã có đối với hoạt động SXSH trong công nghiệp, từ đó có những giải pháp cụ thể và hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ, nhất là đổi mới công nghệ trong sản xuất công nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hiệu quả nguyên nhiên liệu đối với các dự án đầu tư cho hoạt động SXSH. Rà soát lại các văn bản liên quan và chỉnh sửa bổ sung kịp thời, thời gian nên kéo dài đến năm 2030.

   Tăng cường hơn nữa hỗ trợ tư vấn của Nhà nước đối với các doanh nghiệp công nghiệp thực hiện các biện pháp SXSH. Nhất là đánh giá, xem xét lại các chính sách khuyến công, cần chú ý tới các trung tâm khuyến công và đặc biệt là đối với các trung tâm đã, đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp thực hiện các giải pháp SXSH.

   Rà soát, đánh giá lại các văn bản có liên quan đến khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp áp dụng các biện pháp SXSH để bổ sung kịp thời, nhất là các văn bản về ưu đãi tiếp cận các nguồn tín dụng, ưu đãi về tài chính như thuế/phí, đất đai thuê mặt bằng hay thuế/phí sử dụng đất… nhằm huy động sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đối với SXSH có lợi thế cạnh tranh trên thị trường cùng loại sản phẩm.

   Đối với đào tạo kỹ thuật và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo cán bộ kỹ thuật về SXSH cho các doanh nghiệp công nghiệp để họ có thể tự đảm đương công việc và tư vấn cho doanh nghiệp khác. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về SXSH trên các phương tiện thông tin đại chúng.

   Đẩy mạnh hợp tác quốc tế không chỉ đối với các đối tác truyền thống như UNIDO, UNDP… mà còn mở rộng những tổ chức tài chính mới, nhất là liên quan đến nguồn tài chính giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu của các quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm thực hiện nội dung giảm thiểu khí nhà kính trong quá trình thực hiện các giải pháp SXSH trong công nghiệp.

ThS. Phùng Thị Quỳnh Trang

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2016)

Ý kiến của bạn