Banner trang chủ

Từ triển lãm Pollutec 2016 đến xu hướng công nghệ môi trường hiện nay

09/01/2017

   Cùng với xu thế phát triển chung, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới với yêu cầu phát triển Kinh tế xanh và phát thải các bon thấp. Để thực hiện mục tiêu trên, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ môi trường (CNMT) cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ của các nước tiên tiến.

   Trải qua 26 lần tổ chức thành công, Pollutec được đánh giá là triển lãm quốc tế danh tiếng và quy mô hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, năng lượng, tái chế và phát triển bền vững. Việc tham gia Triển lãm Pollutec 2016, là cơ hội để Việt Nam tiếp cận với thị trường công nghệ tiên tiến của thế giới với các lĩnh vực: Công nghệ (CN) xử lý nước; chất thải; thiết bị đo đạc, đo lường và tự động hóa; năng lượng; sản phẩm và phát triển bền vững... Có thể thấy, các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên nước, xử lý chất thải, nghiên cứu về CNMT, quan trắc, phân tích môi trường; phát triển năng lượng sạch; phát triển bền vững, sinh thái là những lĩnh vực đang được các nhà đầu tư và các công ty quan tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao CN tại triển lãm.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thăm quan gian hàng về năng lượng của Tập đoàn GTRGaz

   Qua khảo sát và đánh giá CN được trưng bày của các đối tác tại triển lãm, một số xu hướng CNMT đang được thế giới quan tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng hiện nay như:

   CN đo đạc, quan trắc, phân tích môi trường: Công cụ đo đạc, quan trắc, phân tích môi trường, đặc biệt là công cụ cho số liệu trực tuyến (online) ngày càng được quan tâm phát triển cả độ chính xác, trọng lượng lẫn thời gian đo đạc. Một số ứng dụng phân tích không khí tự động (khí thải, xung quanh) đã được phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, y học bằng các đầu dò siêu nhỏ thông minh (Smartmicro-sensors), phần mềm truyền tải nhanh, gọn đã được phát triển bởi các Tập đoàn như Environnemmet S.A (Pháp), KIMO Instruments (Anh), HATCH, GEMU (Mỹ)… Các công nghệ này hứa hẹn sẽ có những bước đột phá trong lĩnh vực môi trường và sẽ rất hiệu quả trong công tác quan trắc môi trường tự động, trực tiếp tại Việt Nam.

   CN xử lý nước thải (XLNT): Hiện nay, công nghệ XLNT được các nước quan tâm phát triển có xu hướng ứng công nghệ sinh học, màng lọc siêu nhỏ, thiết bị nhỏ gọn, tích hợp nhiều công đoạn xử lý. Xu hướng XLNT theo các mô-đun nhỏ gọn, có thể tái chế được (ví dụ, nước thải dùng trong cuộc sống hàng ngày, bùn thải làm phân bón…) đã được các Tập đoàn lớn nghiên cứu và phát triển như HUBER TECHNOLOGY (Mỹ), AERZEN (Đức)…

   CN phân loại, tái chế chất thải: Tái chế chất thải, đặc biệt là nước thải và chất thải rắn (CTR) không còn là lĩnh vực mới. Gần đây các nhà khoa học đã và đang quan tâm đến quá trình phân loại CTR một cách hiệu quả, tích hợp nhiều công đoạn tái chế CTR vào một công cụ và giảm thiểu thể tích (nén) một cách siêu gọn. Chính các yếu tố trên đã giúp cho quá trình phân loại, tái chế và xử lý chất thải được thực hiện một cách hiệu quả. Điển hình trong nghiên cứu, thí điểm và đưa vào sử dụng dụng cụ phân loại quang học (optical sorting equipment) để phân loại CTR là Tập đoàn công nghệ PELLENC Selective Technologies; sử dụng công nghệ tích hợp nhiều công đoạn, vận hành liên tục tự động để xử lý, tái chế CTR là Tập đoàn DECOVAN (Pháp); điển hình trong công nghệ ép, nén giảm thể tích là Tập đoàn HSM (Hoa Kỳ)… Ngoài ra, công cụ phân loại tự động, di động nhỏ gọn cũng là xu hướng phân loại mới đang được các Tập đoàn trên thế giới nghiên cứu và phát triển.

Thiết bị phân loại, tái chế tự động sử dụng máy quét quang học của Tập đoàn PELLENC​ Mô hình công nghệ phân loại, tái chế liên tục, tự động của Tập đoàn DECOVAN (Pháp)

   CN sản xuất năng lượng từ chất thải và TP thông minh: Tập đoàn IBC Solar AG (Đan Mạch) luôn cung cấp các giải pháp toàn cầu cho vấn đề năng lượng (gió, mặt trời) và đang đi đầu trong việc ứng dụng những giải pháp tái chế chất thải (rắn, nhiệt dư) thành năng lượng. Đây là một loại hình tái chế có hiệu quả kép sẽ được ứng dụng rộng rãi trong tương lai và Việt Nam được dự báo là nơi có thị trường chuyển giao công nghệ một cách mạnh mẽ vì các yếu tố thuận lợi về phát triển kinh tế và khai thác tài nguyên. Xu thế phát triển TP thông minh (Smart City) hay bền vững (Sustainable City) đang được phổ biến tại châu Âu và đây là một xu hướng mới mà Việt Nam sẽ phát triển trong vài thập kỷ tới.

   Triển lãm Pollutec 2016 đã mang lại những tín hiệu tích cực về việc ứng dụng, chuyển giao CNMT áp dụng cho hiện tại mà còn có những định hướng lâu dài để phát triển ngành CNMT của Việt Nam trong tương lai. Đó chính là con đường hướng tới sự phát triển bền vững.

ThS.Vũ Ngọc Tĩnh, TS. Lê Hoài Nam

Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn