Banner trang chủ

Tăng cường tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tái tạo trong nuôi trồng thủy sản

22/08/2018

     Hiện nay, nhu cầu sử dụng năng lượng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngày càng tăng cao (chủ yếu phục vụ các khâu như bơm nước, quạt, sục khí, hút bùn…), đã làm tăng chi phí đầu tư. Vì vậy, việc áp dụng các nguồn năng lượng sạch, tái tạo góp phần phát triển ngành NTTS bền vững, giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng tiêu thụ tại chỗ, tiết kiệm chi phí vận hành, giảm phát thải khí các bon ra môi trường.

Nhu cầu sử dụng điện trong NTTS

     Theo tính toán của các chuyên gia, trong NTTS, đặc biệt là nuôi tôm, số tiền sử dụng điện lên tới 50 - 200 triệu đồng/ha/vụ. Không chỉ vậy, điện còn đóng vai trò quan trọng vì nếu thiếu điện để quạt nước, sục khí có thể làm tôm chết hàng loạt do không được cung cấp đủ lượng ôxy cần thiết.

     Báo cáo của Tổng công ty điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2017,điện năng cung cấp cho NTTS của khu vực miền Nam tăng nhanh. Tốc độ tăng trưởng bình quân điện thương phẩm 10,8%; công suất phụ tải tăng từ 7.780 MW (năm 2016) lên 9.529 MW (năm 2017). Tuy nhiên, do quy hoạch các vùng NTTS chưa hoàn thiện nên việc cung cấp điện khó khăn. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản sử dụng các thiết bị như mô tơ, cánh quạt, trục quay có mức tiêu thụ điện năng cao. Việc này dẫn đến quá tải lưới điện khu vực và ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện. Ngoài ra, do đặc thù lưới điện khu vực nông thôn trước đây là lưới điện 1 pha, tiết diện dây dẫn nhỏ, chỉ có khả năng cấp điện cho nhu cầu ánh sáng sinh hoạt, chưa thể đáp ứng nhu cầu sử dụng điện 3 pha để sản xuất, nuôi trồng thủy, hải sản. Bên cạnh đó, việc kết hợp nuôi tôm công suất lớn gây mất cân bằng phụ tải, làm gia tăng tổn thất điện năng, ảnh hưởng đến điều kiện vận hành lưới điện.

Ứng dụng các mô hình tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tái tạo trong NTTS

 

   

Lắp đặt thiết bị tiết kiệm năng lượng tại ao nuôi tôm công nghiệp

 

     Trước thực trạng trên, EVNSPC đã ưu tiên đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn, nhằm chống quá tải, kết hợp cung cấp điện tại một số khu vực đã có quy hoạch nuôi tôm. Đồng thời, triển khai giải pháp kỹ thuật hỗ trợ các hộ nuôi tôm sử dụng điện tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả, an toàn trong sản xuất. Từ năm 2016, EVNSPC đã triển khai thí điểm 2 mô hình tiết kiệm điện tại 161 hộ dân ở tỉnh Sóc Trăng, bao gồm: Thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn, đồng thời vận động hộ nuôi tôm chỉnh đồng trục động cơ và dàn quạt tạo ôxy nuôi tôm để tiết kiệm điện, giúp điện năng tiết kiệm được 15,2%, chi phí tiền điện bình quân của 161 hộ hơn 951 triệu đồng/năm; Đồng trục hóa môtơ với dàn quạt và sử dụng con lăn trục quay, thay thế gối đỡ chữ U giúp điện năng tiết kiệm được 38,7%, tương ứng với chi phí tiền điện tiết kiệm hàng năm (của 161 hộ) gần 2,5 tỷ đồng. 

     Kết quả thực hiện hai mô hình trên bước đầu đã giúp giảm chi phí sản xuất cho các hộ nuôi tôm, tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho NTTS tiếp tục gia tăng nên việc phát triển các dự án điện mặt trời và gió phù hợp sẽ là một trong những giải pháp khả thi, đáp ứng nhu cầu cấp điện cho sản xuất, thúc đẩy sự phát triển ngành NTTS. Đặc biệt, trong bối cảnh thiếu hụt cấp điện cho khu vực nuôi tôm ở khu vực miềm Nam, việc xây dựng các dự án điện mặt trời và gió sẽ góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống NTTS tại chỗ, tiết kiệm chi phí vận hành, giảm phát thải khí CO2 ra môi trường. Ngoài ra, tính toán cũng cho thấy,giá thành sản xuất năng lượng điện tái tạo không biến động theo sự thay đổi giá của nhiên liệu đầu vào như các dạng năng lượng truyền thống.Chi phí đầu tư cũng sẽ giảm dần do sự phát triển của những công nghệ mới. Do đó, dùng năng lượng tái tạo (NLTT) trong NTTS về lâu dài sẽ giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào (vì chi phí điện luôn là một trong những phần chi phí sản xuất lớn nhất, chiếm khoảng 10%).

     Hiện việc sử dụng NLTT trong NTTS đang được nhiều nước trên thế giới  thực hiện. Chẳng hạn nhưCanađa đã ứng dụng thành công mô hình điện mặt trời trong nuôi trồng thủy sản, còn Thái Lan đã ứng dụng hệ thống điện mặt trời phao nổi trên ao nuôi, hay lắp đặt trên mặt đất… Tuy nhiên, ở Việt Nam, thách thức hiện nay đối với phát triển NLTT trong NTTS chính là vấn đề quỹ đất và tác động của BĐKH rất lớn nên các doanh nghiệp đầu tư cho NLTT cần đảm bảo hài hòa được các yếu tố này.

     Áp dụng theo mô hình của các nước, Việt Nam đang thí điểm ứng dụng thử nghiệm công nghệ điện mặt trời trong nuôi tôm công nghiệp tại 2 tỉnh Bạc Liêu (5 ha) và Cà Mau (0,3 ha). Để tạo ôxy cho ao nuôitôm công nghiệp, thay thế máy chạy bằng dầu diesel, các chuyên gia đã xây dựng hệ thống thiết bị ứng dụng từ những tấm hấp thu năng lượng mặt trời, từ đó năng lượng được chuyển đến bình ắc quy. Nguồn điện tích trữ trong bình ắc quy sẽ cung cấp dòng năng lượng để các thiết bị thổi khí ôxy, giúp cho hệ thống vận hành khí hoạt động trong 7 ngày. Nhờ các ống dẫn khí, lượng khí ôxy được phân tán đều trong môi trường nước, cung cấp hiệu quả dưỡng khí cho tôm phát triển. Sau thời gian thí điểm công nghệ bơm khí bằng năng lượng mặt trời vào nuôi tôm công nghiệp, kết quả cho thấy, hệ thống bơm khí bằng năng lượng mặt trời có tuổi thọ cao và không phát thải khí nhà kính, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi trồng thủy sản, đồng thời tạo ra môi trường sạch cho tôm phát triển nhanh.

    Trong thời gian tới, để tăng cường việc ứng dụng NLTT trong NTTS, Nhà nước cần có cơ chế ưu tiên trong hình thành, phát triển thị trường, có quy hoạch và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính để thu hút doanh nghiệp đầu tư; tăng cường chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nông dân về ứng dụng NLTT trong NTTS…

 

Xuân Lập

Trung tâm Hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững 

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)

Ý kiến của bạn