Banner trang chủ

Sáng tạo máy ép rác hữu cơ thành phân bón

10/02/2017

     Với mong muốn BVMT, tiết kiệm tài nguyên, một nhóm sinh viên tại Đà Nẵng đã sáng tạo thành công máy ép rác hữu cơ thành phân bón phục vụ trong nông nghiệp, giúp tăng thêm nguồn thu nhập trong mỗi gia đình.
     Chiếc máy ép rác thành phân hữu cơ do 3 sinh viên Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) Phạm Hữu Cường, Huỳnh Như Hiền, Phạm Thị Ly Na chế tạo với mức giá khoảng 3 triệu đồng. Nếu được sản xuất với số lượng lớn, giá mỗi chiếc máy chỉ còn khoảng 1,5-2 triệu đồng. Trung bình 1kg rác hữu cơ cho vào máy ép sẽ cho 0,4kg phân bón phục vụ trong nông nghiệp sạch. Theo đó, những nguyên liệu thực phẩm, đồ ăn thừa, vỏ hoa quả, bánh kẹo, bã cà-phê, hoa lá trang trí trong nhà bị héo… không còn sử dụng được nữa thì cho vào máy ép ra thành phân bón cho cây trồng một cách dễ dàng, nhanh chóng và đảm bảo vệ sinh. Từ đây, các gia đình, quán ăn nhỏ, quán cà phê… sẽ có thêm một nguồn thu nhập mới từ việc bán phân bón. Nguồn phân bón từ chất hữu cơ này sẽ được thu gom và bán lại cho các trang trại trồng trọt, các vùng trồng rau sạch theo chuẩn. 
     Đà Nẵng đang xây dựng TP môi trường, TP cũng đang đầu tư kinh phí lớn xây dựng khu liên hiệp xử lý rác thải rắn ở Hòa Nhơn, hơn 90% rác sẽ được xử lý thay vì chôn lấp, tuy nhiên, nếu không phân loại rác tại nguồn thì không có cách nào xử lý được lượng rác thải lớn như vậy. Khi sử dụng máy ép rác này, các hộ gia đình đã đồng thời thực hiện quy trình phân loại rác hữu cơ khỏi rác thải sinh hoạt khác tại nguồn.
 


Nhóm sinh viên và chiếc máy ép rác thành phân bón, nước rửa chén


     Sau khi chế tạo thành công máy ép rác, nhóm đã gửi tham gia cuộc thi khởi nghiệp quốc gia và lọt vào vòng chung khảo toàn quốc. Các thành viên trong nhóm chia sẻ, tổng kinh phí để thực hiện dự án khởi nghiệp này khoảng 200 triệu đồng. Đó không chỉ là hoạt động sản xuất máy và bán mà còn giúp thành lập dịch vụ gom phân hữu cơ từ các gia đình, gom thức ăn thừa ở các nhà hàng, khách sạn để ép ra phân bón, kết nối với các trang trại trồng trọt và vùng rau sạch…; giúp nâng cao ý thức BVMT của từng gia đình, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên, biến rác hữu cơ thành sản phẩm hữu ích cho nông nghiệp sạch. 

Nam Việt (Theo CAĐN)

 

Ý kiến của bạn