Banner trang chủ

Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Cao Bằng: Ðẩy mạnh phối hợp trong công tác bảo vệ rừng

28/11/2016

   Được thành lập năm 2012, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Cao Bằng hoạt động và thực hiện theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và Quyết định số 2284/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Triển khai Nghị định số 99/2010/NĐ-CP". Ngay từ khi thành lập, Quỹ BV&PTR tỉnh đã chủ động ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 11 nhà máy thủy điện. Tính đến ngày 31/8/2016, đã có 10/11 nhà máy thủy điện nộp tiền chi trả DVMTR, với tổng số hơn 6 tỷ đồng.

   Qua 5 năm hoạt động, Quỹ đã huy động từ các nguồn thu với tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng, trong đó điều phối từ Quỹ BV&PTR Việt Nam hơn 30 tỷ đồng. Hàng năm, Quỹ phối hợp với các Hạt kiểm lâm huyện và UBND các xã thực hiện việc chi trả cho các chủ rừng theo đúng quy định, đối tượng và đảm bảo công khai, minh bạch. Đến nay, Quỹ đã chi trả gần 22 tỷ đồng cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng xóm và Ban quản lý rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén; số kinh phí còn lại tiếp tục chi trả trong năm 2016.

   Nhằm quản lý, sử dụng tiền DVMTR hiệu quả, Quỹ BV&PTR tỉnh Cao Bằng đã kiểm tra, giám sát 8/15 chủ rừng là UBND xã có số tiền DVMTR được chi trả hàng năm từ 10 triệu đồng trở lên và 1 Ban quản lý rừng đặc dụng. Từ đó, Quỹ kịp thời hướng dẫn chủ rừng trong việc thực hiện việc chi trả DVMTR cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng nhận hợp đồng bảo vệ rừng; Hướng dẫn cộng đồng sử dụng tiền DVMTR đúng mục đích, hiệu quả.

   Cùng với đó, Quỹ cũng phát hành 10.500 tờ rơi, 100 cuốn sách hỏi đáp, 10 cuốn sổ tay quản lý tài chính - kế toán về chính sách chi trả DVMTR cho các huyện, chủ rừng và cộng đồng; Phối hợp với Ban quản lý dự án Lâm nghiệp cộng đồng Việt Nam tại Cao Bằng tổ chức Hội thảo tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR cho cán bộ các Sở, ngành, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, huyện, Trung tâm khuyến nông khuyến ngư, với hơn 200 lượt người tham gia.

   Thông qua chính sách chi trả DVMTR, nhận thức, ý thức của chủ rừng được nâng lên, người dân đã nhận thức được giá trị của rừng. Đặc biệt, công tác quản lý bảo vệ rừng được thực hiện tốt, một số hộ dân đã tự đầu tư trồng mới rừng từ tiền DVMTR. Đến nay, diện tích rừng cung ứng DVMTR 3 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình là 93.020 ha; 25 UBND xã, BQL rừng đặc dụng, 5.156 hộ gia đình, 619 nhóm hộ, 308 cộng đồng đã ký cam kết bảo vệ rừng. Giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã trồng được 7.178 ha, riêng trong năm 2015 trồng được hơn 2.000 ha rừng. Bên cạnh đó, chính sách đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Số hộ gia đình được hưởng lợi từ chính sách là 5.156 hộ, trong đó 683/5.156 hộ dân có khoản thu từ DVMTR (chiếm từ 10 - 20% tổng thu nhập hàng năm của gia đình).

   Đồng thời, các chủ rừng đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cấp xã và các xóm trong công tác giao khoán bảo vệ rừng, như Ban quản lý rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén và chính quyền cùng phối hợp vận động tuyên truyền, phòng cháy, chữa cháy, chống chặt phá rừng và xử lý các hành vi vi phạm Luật BV&PTR. Ngoài ra, chính sách chi trả DVMTR cũng làm thay đổi diện mạo nông thôn như làm đường, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, sửa nhà văn hóa...

   Nhìn chung, chi trả DVMTR là một chính sách mới và đúng đắn, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng. Quỹ BV&PTR tỉnh Cao Bằng đã từng bước đi vào hoạt động ổn định và thu được những kết quả tích cực. Bộ máy của Quỹ luôn được kiện toàn, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao. Nhờ những nỗ lực của Quỹ, mới đây, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BV&PTR giai đoạn 2011 - 2015.

   Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn như một số nhà máy thủy điện còn nợ đọng tiền DVMTR; chủ rừng đã chuyển nhượng nhưng chưa hoàn tất thủ tục làm cho công tác chi trả gặp nhiều khó khăn; địa bàn chi trả DVMTR rộng, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa; việc cập nhật, triển khai thực hiện các văn bản về chính sách chi trả DVMTR đối với lãnh đạo cấp xã còn hạn chế.

   Để công tác BV&PTR đạt hiệu quả, cần có những chế tài để các chủ đầu tư nhà máy thủy điện nghiêm túc thực hiện việc chi trả DVMTR; Tạm ngừng cấp phép đầu tư, xây dựng dự án mới đối với các chủ đầu tư dự án còn nợ đọng tiền DVMTR; Chỉ đạo các đơn vị, chủ đầu tư trồng rừng thay thế. UBND các huyện cần phối hợp rà soát diện tích đất lâm nghiệp và diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê, lập phương án giao đất gắn với giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Đối với một số chủ rừng chưa làm thủ tục chuyển nhượng phải làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định...

Nông Đình Thi

Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn