Banner trang chủ

Quản lý và giám sát các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

06/02/2017

   Quảng Trị nằm ở vùng Bắc Trung bộ với diện tích có rừng là 242.240 ha (rừng tự nhiên 141.499 ha; rừng trồng 100.741 ha), độ che phủ đạt 49,5% và có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như gà lôi lam mào trắng, voọc Hà Tĩnh, sao la, mang lớn, thỏ vằn…

   Quảng Trị có tuyến đường xuyên Á nối Việt Nam - Lào - Thái Lan và Myanma thông qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cửa khẩu La Lay, cùng với hai tuyến đường Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Chính yếu tố này đã tạo cho Quảng Trị trở thành điểm săn bắt, trung chuyển buôn bán, vận chuyển trái pháp luật nhiều loài động thực vật hoang dã nội địa Việt Nam cũng như từ các nước Đông Nam Á sang Trung Quốc và các quốc gia khác.

Thả động vật hoang dã bị buôn bán trái phép về môi trường tự nhiên

   Kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển ĐVHD

   Bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng kiểm lâm cũng như các cơ quan chức năng địa phương trong xây dựng phương án đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cơ sở gây nuôi các loài ĐVHD. Các vụ việc vi phạm liên quan đến ĐVHD bị bắt giữ đều được xử lý nghiêm minh, kịp thời nên đã từng bước hạn chế khai thác, buôn bán, săn bắn trái phép.

   Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, trong 5 năm qua, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 47 vụ vi phạm, tịch thu 5.042,7 kg ĐVHD, trong đó có 638,7 kg động vật quý hiếm và 458 kg sản phẩm từ ĐVHD (da, thịt, sừng…). Trong các vụ vi phạm đã có một số vụ được xử lý nghiêm minh như vụ vận chuyển 26 cá thể rắn hổ mang từ TP. Hồ Chí Minh đi Hà Nội, trọng lượng 79 kg thuộc nhóm IB. Qua điều tra, số ĐVHD trên không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp nên đã bị xử phạt 150 triệu đồng và tịch thu số ĐVHD thả về môi trường tự nhiên. Đối với vụ vận chuyển ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD từ Lào về Việt Nam, 4 đối tượng đã bị xử phạt hình sự về tội vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm theo Điều 190 Bộ luật Hình sự với tổng mức phạt tù của 4 bị cáo là 48 tháng tù cho hưởng án treo.

   Tuy nhiên trong quá trình áp dụng luật vẫn gặp những khó khăn do vấn đề bảo vệ ĐVHD có nhiều quy định thiếu hợp lý hoặc nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau. Cụ thể như Nghị định số 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản giao thẩm quyền xử phạt cho nhiều cơ quan, dẫn đến việc không thống nhất trong quản lý, xử phạt. Bên cạnh đó, các tội phạm về ĐVHD quy định khung hình phạt của Bộ luật Hình sự thấp và chưa hợp lý. Các bị cáo chủ yếu thường chỉ bị phạt tù cho hưởng án treo nên tính giáo dục răn đe chưa cao. Nhiều sản phẩm bị cấm buôn bán trên thị trường như ngà voi, sừng tê giác… không có khung định giá dẫn đến không thể xử lý.

   Quản lý cơ sở gây nuôi và khai thác ĐVHD

   Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 27 cơ sở được cấp giấy chứng nhận gây nuôi ĐVHD với tổng số 6.214 cá thể, trong đó loài quý hiếm có 4.978 cá thể và loài thông thường có 1.236 cá thể. Trong thời gian qua, cơ quan kiểm lâm địa phương thường xuyên hướng dẫn các cơ sở, trại gây nuôi ĐVHD đăng ký cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận nuôi sinh trưởng ĐVHD cũng như chủ động phối hợp với các cơ quan, chính quyền xã trong việc kiểm tra, kiểm soát tình hình mua bán, săn bắn, nuôi nhốt trái phép ĐVHD trên địa bàn. Ngoài việc hướng dẫn cơ sở nuôi thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các cơ sở gây nuôi phải xây dựng phương án gây nuôi, trong đó phải được chính quyền xã đồng ý, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường… kèm theo các thủ tục khác để được cấp phép gây nuôi.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra các cơ sở gây nuôi gấu

   Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập như các cơ sở nuôi sinh trưởng gặp khó khăn do thiếu am hiểu về quy trình kỹ thuật gây nuôi, phòng trừ dịch bệnh, thị trường và giá cả đầu ra không ổn định; Việc quản lý cơ sở gây nuôi ĐVHD thông thường theo quy định thì hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nuôi chỉ thông báo đến UBND xã nên cơ quan kiểm lâm khó giám sát nguồn gốc ban đầu của động vật gây nuôi… Thực tế trong quá trình thực thi công vụ, kiểm lâm đi vào rừng kiểm tra, phát hiện nhiều dấu hiệu của việc săn bắn trái phép ĐVHD như đặt bẫy bắt ĐVHD; địa hình phức tạp, thủ đoạn vận chuyển tinh vi..

   Trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm về ĐVHD tại các trang trại, hàng tháng lực lượng kiểm lâm địa bàn đến cơ sở nuôi để kiểm tra sổ theo dõi, cập nhật, thống kê báo cáo tình hình về số lượng loài, cá thể ĐVHD gây nuôi theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều cơ sở vi phạm thường cất giấu ĐVHD gây khó khăn trong quá trình kiểm tra. Trong khi đó, các cán bộ kiểm lâm muốn khám nhà lại cần phối hợp với các cơ quan liên quan và phải có lệnh… Các cán bộ kiểm lâm thường không có cơ sở pháp lý để phân biệt giữa loài gây nuôi và loài có nguồn gốc hoang dã. Vì vậy, kiểm soát trại nuôi đang gặp khó khăn và đây cũng là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng nhập khẩu ĐVHD vào các trang trại.

   Giải pháp thực hiện trong thời gian tới

   Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tố cáo, tố giác các đối tượng mua bán, nuôi nhốt, vận chuyển… và giáo dục nhân dân nói không với việc sử dụng, gây nuôi trái phép ĐVHD, nhất là loài nguy cấp, quý hiếm.

   Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong việc bảo vệ, bảo tồn ĐVHD, quý hiếm. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát các tuyến đường, các khu rừng để ngăn chặn tình trạng săn bắn, bẫy bắt. Quản lý việc kinh doanh, vận chuyển ĐVHD hoặc sản phẩm của chúng theo đúng quy định pháp luật.

   Tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động gây nuôi ĐVHD như các trang trại phải được kiểm tra định kỳ, lưu giữ hồ sơ, tránh tình trạng lợi dụng các trại nuôi để trà trộn, buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp.

   Tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật; xử lý kịp thời, đúng quy định nghiêm minh đối với các vụ việc vi phạm nhằm giáo dục răn đe. Đồng thời triển khai các chương trình tập huấn, cung cấp các thiết bị cần thiết, xây dựng và phát triển mạng lưới cung cấp thông tin, lưu trữ số liệu…

   Tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu khoa học về bảo tồn ĐVHD trong việc kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD trên địa bàn tỉnh.

Tạ Kiều Anh

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016

Ý kiến của bạn