Banner trang chủ

Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Ðà Nẵng

13/04/2017

   Lưu vực sông (LVS) Vu Gia - Thu Bồn là hệ thống sông lớn ở vùng duyên hải Trung Trung Bộ, có diện tích 10.350 km2, trong đó diện tích nằm ở tỉnh Kon Tum là 301,7 km2, còn lại chủ yếu thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. LVS Vu Gia - Thu Bồn là nguồn nước cung cấp quan trọng nhất cho nhu cầu phát triển dân sinh, kinh tế của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Đồng thời với lợi thế địa hình dốc, có nhiều ghềnh thác, lại nằm trong vùng có mưa lớn, LVS Vu Gia - Thu Bồn được đánh giá là lưu vực có tiềm năng phát triển thủy điện.

Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

   Các tác động tới LVS Vu Gia - Thu Bồn

   Những năm gần đây, kinh tế - xã hội trong vùng LVS Vu Gia - Thu Bồn có những bước phát triển mạnh. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, các địa phương đã tiến hành lập quy hoạch và xây dựng các nhà máy thủy điện trên LVS. Sự phát triển thiếu bền vững các nhà máy thủy điện với mật độ dày trên thượng nguồn LVS Vu Gia - Thu Bồn đã phát sinh nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, phá hủy hệ sinh thái, sinh cảnh của khu vực thượng và trung LVS, giảm phần lớn lượng phù sa và dinh dưỡng đưa xuống hạ lưu, làm mất cân bằng sinh thái và động lực dòng sông và vùng cửa sông. Điều này gây ra những thay đổi, làm tăng khả năng lũ lụt vào mùa mưa và thiếu nước mùa khô. Ngoài ra, còn làm giảm phù du và thức ăn cho cá, cũng như cản trở sự di cư của cá ra sông và biển, tăng nguy cơ xói lở bờ biển, nghẽn bùn ở cửa sông, cửa biển…

   Cùng với đó, nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác vàng sa khoáng và cát sỏi trái phép trên LVS cũng là những tác nhân gây nên sự suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, gây biến đổi dòng chảy, xói lở bờ sông. Do phá rừng, rừng bị suy giảm chất lượng nên mùa lũ nước về nhanh hơn, thay đổi chế độ thủy văn, dẫn đến việc mất đi những hệ sinh thái giàu có trên lưu vực…

   Ngoài tác động trên lưu vực, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn liên quan đến phát triển bền vững vùng bờ biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Với quy mô dân số và tốc độ phát triển kinh tế ngày càng gia tăng trên LVS nói trên, các tác động cấp diễn và tiềm tàng từ LVS Vu Gia - Thu Bồn xuống vùng bờ biển và biển ven bờ Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ lớn hơn, như: gia tăng ngập lụt vùng ven biển, lũ bùn đá và gia tăng tác động ô nhiễm biển - ven biển từ nguồn đất liền, bao gồm chất thải đô thị và sinh hoạt. Vào mùa mưa, lũ về gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

   Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng không hợp lý nguồn tài nguyên ở chính vùng bờ biển cũng làm mất dần và suy thoái các hệ sinh thái quan trọng - nguồn vốn tự nhiên của khu vực, như: hệ sinh thái rừng dừa nước, các thảm thực vật ven sông Thu Bồn; thảm cỏ biển, rạn san hô ở vùng biển gần bờ, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và các giá trị dịch vụ du lịch ở đây. Hiện tượng sạt lở vùng cửa biển, bờ sông, cát bay, cát lấp cũng là những vấn đề đáng lo ngại ở vùng ven biển này.

   Tiến tới cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển

   LVS, vùng bờ biển và biển có mối quan hệ tương tác với nhau, trong đó vùng bờ biển là không gian nằm chuyển tiếp giữa LVS và biển, có tầm quan trọng đặc biệt. Vì vậy, cần có các cách tiếp cận tổng hợp để gắn kết quản lý LVS với vùng bờ biển dựa trên mối liên kết sinh thái, thủy văn và kinh tế - xã hội. Đó là cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển (R-R) trong quản lý tổng hợp LVS và vùng bờ biển.

   Cách tiếp cận quản lý này gắn quản lý tổng hợp tài nguyên nước với quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm tăng cường khả năng chia sẻ tài nguyên nước ngọt và tài nguyên biển vì tương lai của một nền kinh tế ổn định và hiệu quả lâu dài thông qua các thể chế quản trị thích ứng. Theo đó, chức năng “sống” của một LVS cần được nhìn nhận toàn diện và rõ ràng trong quá trình phát triển LVS từ đầu nguồn xuống vùng bờ biển. Tài nguyên nước của một con sông là nguồn sống của tất cả cộng đồng sống trên lưu vực, nước sử dụng cho sinh hoạt của con người là ưu tiên hàng đầu và việc sử dụng phải được thực hiện theo nguyên tắc công bằng và hợp lý giữa các nhu cầu sử dụng khác nhau của các ngành, giữa thượng lưu và hạ lưu, giữa các địa phương có chung lưu vực. Cách tiếp cận này được thực hiện cho trường hợp nghiên cứu ở LVS Vu Gia - Thu Bồn nhằm làm rõ mối quan hệ của LVS quan trọng này với vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam và vùng biển bên ngoài. Từ đó có thể lồng ghép các chiến lược, kế hoạch phát triển, dự án đầu tư và các giải pháp ứng phó phù hợp nhất giữa LVS và vùng bờ biển.

   Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hệ thống quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong LVS Vu Gia - Thu Bồn vẫn được thực hiện theo cách tiếp cận truyền thống - theo địa giới hành chính, mang tính đơn ngành, đơn vùng. Theo đó, Sở TN&MT chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, khoáng sản và đất đai; Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp, cấp nước nông thôn, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai; Sở Công Thương quản lý phát triển và quản lý các công trình thủy điện thuộc chức năng của tỉnh (thủy điện nhỏ dưới 30 MW). Đây chính là các yếu tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực, gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

   Để đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận phối hợp quản lý LVS Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Mục đích của việc ký kết thỏa thuận phối hợp này nhằm tăng cường phối hợp giữa hai địa phương, giữa các ban, ngành và các bên liên quan để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng, tiến tới hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an toàn sinh thái, môi trường; chia sẻ thông tin, khuyến khích hợp tác giữa các bên liên quan; thiết lập thử nghiệm một thể chế liên tỉnh - thành phố để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo đó, hai địa phương sẽ cùng xây dựng một kế hoạch, quy hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước LVS Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển, trong đó, vấn đề tài nguyên nước phải được đặt trong mối quan hệ với các hoạt động phát triển khác trong cùng lưu vực và vùng bờ, trong mối liên kết giữa LVS từ thượng lưu đến hạ lưu và vùng ven biển của hai địa phương.

   Với việc ký thỏa thuận, hai bên sẽ thành lập Ban Điều phối chung, gồm lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Đà Nẵng và các cơ quan chủ chốt có liên quan đến quản lý LVS Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng. Cơ quan đầu mối của Ban Điều phối là Sở TN&MT của hai địa phương. Sở TN&MT tổ chức nghiên cứu, đề xuất cụ thể về kế hoạch, quy chế làm việc của Ban Điều phối, lập Tổ Tư vấn và tổ chức tham vấn với các bên liên quan. Trong giai đoạn thử nghiệm kéo dài trong ba năm (2017 - 2020), hai bên thực hiện các nguyên tắc cơ bản của quản lý tổng hợp LVS và vùng bờ biển.

   Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả LVS Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển là bước khởi đầu quan trọng để tăng cường sự phối hợp giữa hai địa phương trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững LVS Vu Gia - Thu Bồn.

Lê Thị Hường

Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn