Banner trang chủ

Phát triển vật liệu xây dựng không nung ở Lạng Sơn

06/03/2017

   Gạch không nung được sản xuất theo một dây chuyền cơ giới hóa, sử dụng các nguồn nguyên vật liệu chính trong tự nhiên như: đá, cát, xi măng... Quá trình sản xuất gạch không nung không sinh ra chất gây ô nhiễm, không tạo ra chất phế thải hoặc chất thải độc hại. Năng lượng tiêu thụ trong quá trình sản xuất gạch không nung chiếm một phần nhỏ so với quá trình sản xuất các vật liệu khác, đặc biệt, người lao động không phải tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao. Hơn nữa, một trong những ưu điểm lớn của gạch không nung là làm giảm khả năng tác động của nhiệt độ bên ngoài và làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng bên trong của tòa nhà… Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020.

Sản xuất gạch không nung tại Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Lộc, Lạng Sơn

   Thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn và các huyện, TP đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Trong đó, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 5/9/2012 về thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục. Mục tiêu đến năm 2020, phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 30- 40 %; Sử dụng phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao) để sản xuất vật liệu không nung; Tiết kiệm đất nông nghiệp, đất sử dụng làm bãi chứa chất thải; Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

   Kế hoạch cũng đề ra các giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến đến các cấp, ngành, huyện và TP, các doanh nghiệp, mọi người dân những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng vật liệu gạch không nung, đồng thời thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường; Rà soát và bổ sung quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng và các quy hoạch ngành liên quan giai đoạn đến năm 2020; Khuyến khích thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế xây dựng phát triển các cơ sở sản xuất gạch không nung với quy mô công suất hợp lý, công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa về kích thước sản phẩm phù hợp với thực tế thi công các công trình xây dựng với đáp ứng yêu cầu về chất lượng; Thực hiện nghiêm túc lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch ngói.

   Đồng thời, phối hợp các cấp, các ngành xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh khuyến khích sản xuất vật liệu không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Thống nhất trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thẩm định dự án, cấp phép xây dựng, kiểm tra giám sát việc ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung vào thiết kế, xây dựng các công trình xây dựng và BVMT; Đề xuất xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi về thuế: thuế khai thác tài nguyên, xuất nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghệ…

   Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, đến hết tháng 11/2016, có 211 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung, với 170 triệu viên/năm (chủ yếu là gạch bê tông xi măng cốt liệu bột đá), trong đó có 7 doanh nghiệp đã thực hiện công bố sản phẩm phù hợp với các quy định kỹ thuật của Quy chuẩn Việt Nam 16: 2014/BXD. Toàn tỉnh đã có 146 công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước dùng vật liệu xây không nung hợp quy, với số lượng gạch xây không nung đã sử dụng đạt gần 12 triệu viên. Đối với các công trình nhà dân, hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, nhưng thực tế cho thấy, số công trình người dân sử dụng gạch xây không nung tại khu vực nông thôn chiếm tới trên 60%.

   Ngoài đẩy mạnh sản xuất gạch xây không nung bằng chất liệu bê tông xi măng cốt liệu bột đá, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nghiên cứu lập dự án tận dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện Na Dương để sản xuất vật liệu xây không nung. Hiện đã lấy mẫu tro, xỉ của Nhà máy để sản xuất thử nghiệm. Nếu các kết quả được công bố đủ tiêu chuẩn chất lượng và đưa vào sản xuất, thì hàng năm, gần 400.000 tấn tro xỉ tại Nhà máy nhiệt điện Na Dương sẽ được tận dụng triệt để làm vật liệu xây không nung, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

   Như vậy, qua 6 năm thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của chương trình được nâng lên rõ rệt. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng các phương án đầu tư, tìm kiếm công nghệ tiên tiến vào sản xuất, cung cấp cho thị trường sản phẩm đạt chất lượng và từng bước đa dạng hóa sản phẩm vật liệu xây không nung.

Lê Thương

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2017

Ý kiến của bạn