Banner trang chủ

Phát triển cây keo lá liềm trên vùng cát ven biển tỉnh Quảng Trị

07/03/2017

   Quảng Trị có diện tích đất cát ven biển là 34.152 ha, chiếm 7,2% diện tích tự nhiên, nằm trên địa bàn 25 xã thuộc 4 huyện: Vĩnh Linh, Do Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Những năm gần đây, các vùng đất cát ven biển ngày càng bị hoang mạc hóa, sa mạc hóa. Để hạn chế tình trạng trên, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư của tỉnh đã triển khai trồng cây keo lưỡi liềm ở địa phương. Loài cây này được đánh giá là cây trồng phù hợp để hình thành rừng phòng hộ bảo vệ đất, điều hòa khí hậu, chống cát bay, cát nhảy, cải tạo môi trường sinh thái.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây keo lưỡi liềm tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị)

   Đặc điểm sinh trưởng

   Cây keo lá liềm (hay còn gọi là keo lưỡi liềm vì lá có hình lưỡi liềm) có tên khoa học là Acacia orassicarpa A. cunn ex benth, thuộc họ trinh nữ. Cây thân gỗ có thể biến dạng từ thân bụi đến thân gỗ lớn tùy vào môi trường sống. Thân cây thẳng, đâm nhiều cành nhánh, vỏ màu sẫm hay nâu xám, nhiều vết nứt sâu. Rễ phát triển mạnh, có nhiều vi khuẩn bám vào rễ hình thành loại đạm cộng sinh nên có tác dụng bảo vệ và cải tạo đất, đặc biệt là các vùng cát trắng ven biển. Lá già nhẵn bóng mọc thành lá kép, màu xanh lục, lá đơn hình lưỡi liềm dài 11-12cm, rộng 1-4cm, thường xanh. Hoa màu vàng nhạt gần giống hoa keo lá tràm. Có thể trồng cây keo lưỡi liềm ở độ cao từ 200 - 700 m so với mặt biển.

   Cây keo lưỡi liềm có chu kỳ sinh trưởng từ 6 - 9 năm, song chăm sóc tốt và trồng đúng quy trình kỹ thuật chỉ mất 5 năm có thể cho khai thác lấy gỗ. Gỗ keo lưỡi liềm khá nặng, gỗ lớn dùng đóng đồ mộc, xây dựng, làm ván ghép thanh; gỗ nhỏ dùng làm nguyên liệu giấy, dăm, ván ép, cọc trụ mỏ…

   Ngoài ra, cây keo lưỡi liềm chịu được độ mặn và khả năng chịu lửa tốt nên có thể trồng thành hàng rào để chống xói mòn, làm băng cản lửa, chắn gió, bảo vệ đất. Đối với vùng cát di động nên trồng với mật độ 6.700 cây/ha, vùng bán di động khoảng 5.000 cây/ha hoặc 3.300 cây/ha.

   Phát triển cây keo lưỡi liềm trên vùng cát ven biển

   Từ năm 2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã triển khai mô hình trồng thử nghiệm cây keo lưỡi liềm trên địa bàn huyện Triệu Phong. Kết quả bước đầu cho thấy, tình hình sinh trưởng của cây keo lưỡi liềm trồng trên vùng cát trắng đạt tỷ lệ cây sống cao từ 90 - 97%, cây phát triển nhanh về chiều cao và đường kính thân cây. Sản lượng gỗ keo lưỡi liềm ước tính 80 tấn/ha và thu được 80 triệu đồng/ha từ sản phẩm gỗ trong chu kỳ 6 năm. Đến nay, cây keo lưỡi liềm đã được trồng đại trà tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, hình thành các vạt rừng phòng hộ chắn cát, với tổng diện tích rừng đạt hơn 16 nghìn ha. Việc trồng rừng keo lưỡi liềm đã phủ xanh đất trống, cải tạo đất bạc màu, góp phần cải thiện đời sống của người dân vùng cát ven biển.

   Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư của tỉnh kết hợp với Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp đã xây dựng vườn giống thế hệ 1 keo lưỡi liềm. Đồng thời, Trung tâm cũng triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh rừng trồng, tiến hành khảo nghiệm các giống cây mới để làm phong phú thêm tập đoàn cây lâm nghiệp trên địa bàn và nâng cao giá trị canh tác rừng keo lưỡi liềm.

   Trong thời gian tới, để tăng cường diện tích rừng trồng keo lưỡi liềm trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã đề ra một số giải pháp cần thực hiện:

   Tăng cường đội ngũ cán bộ khuyến lâm cho các xã trên địa bàn tỉnh. Đào tạo hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo lưỡi liềm cho lực lượng lao động nông thôn. Có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, các thành phần kinh tế tham gia trồng cây keo lưỡi liềm.

   Xây dựng dự án nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, trong đó có giống cây keo lưỡi liềm; Thiết lập hệ thống quản lý, kiểm nghiệm, bảo quản giống cây keo lưỡi liềm; Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng cây keo lưỡi liềm.

   Đẩy mạnh áp dụng công nghệ sinh học trong trồng cây giống đáp ứng nhu cầu của người dân. Nghiên cứu các công nghệ chế biến mới để nâng cao năng lực chế biến và hiệu quả sử dụng gỗ rừng trồng, trong đó có gỗ keo lưỡi liềm; đẩy mạnh việc tinh chế sản phẩm và sản xuất đồ gỗ chất lượng cao.

   Tuyên truyền phổ biến kiến thức rộng rãi để mọi người dân tích cực tham gia trồng rừng. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho các dự án trồng cây keo lưỡi liềm...

Đình Lân

Đại học Lâm nghiệp

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2017

Ý kiến của bạn