Banner trang chủ

Nhựa sinh học làm từ vỏ tôm tự phân hủy trong môi trường tự nhiên

18/08/2017

     Mới đây, theo Howstuffwork, trong nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế nhựa plastic khó phân hủy đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, một nhóm nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Wyss của Đại học Harvard đang phát triển một loại nhựa sinh học làm từ vỏ tôm, có thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên.

 

 

     Các nhà khoa học cho biết, loại nhựa sinh học làm từ vật liệu hữu cơ có khả năng tự phân hủy sử dụng một chất gọi là chitosan có nhiều trong vỏ tôm, côn trùng, tế bào nấm và cánh bướm. Họ sẽ tập trung chiết xuất chitosan từ vỏ tôm vì chúng là chất thải sẵn có trong ngành công nghiệp chế biến thủy sản. Việc sản xuất nhựa sinh học làm từ vỏ tôm chỉ sử dụng kỹ thuật sản xuất thông thường nên chi phí rất rẻ. Phiên bản sớm nhất của loại nhựa sinh học này được các nhà khoa học gọi là nhựa Shrilk, sản phẩm làm bằng hỗn hợp chitosan từ vỏ tôm và prôtêin từ tơ lụa. Nhựa Shrilk khi hoàn thiện sẽ trong suốt giống như vỏ tôm tự nhiên, rất chắc và dẻo, có thể dùng để sản xuất điện thoại di động hay thậm chí là quân cờ.

     Khác với nhựa sinh học làm từ thực vật thường không được phân hủy hoàn toàn, nhựa Shrilk có thể phân hủy hoàn toàn chỉ trong vài tuần khi thải ra môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, chitosan và prôtêin có trong loại nhựa hữu cơ này khi phân hủy trong đất sẽ tạo ra nguồn dinh dưỡng mà thực vật có thể hấp thụ.

 

Nam Hưng

Ý kiến của bạn