Banner trang chủ

Nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường trong các bệnh viện hiện nay

12/07/2017

   Quan trắc môi trường (QTMT) nói chung và QTMT y tế nói riêng là hoạt động then chốt, không thể thiếu trong công tác quản lý và BVMT. Theo Luật BVMT, QTMT là quá trình theo dõi có hệ thống về thành phần môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường. Để thực hiện Luật BVMT, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2013/TT-BYT ngày 15/10/2013 quy định về quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện (BV) (Thông tư số 31/2013/TT-BYT) nhằm hướng tới một môi trường y tế an toàn và xanh - sạch - đẹp.

   Các quy định về QTMT y tế

   Trong giai đoạn hiện nay, hệ thống mạng lưới các BV, trung tâm y tế, trạm y tế cơ sở không ngừng được mở rộng về số lượng và quy mô hoạt động. Bên cạnh các cơ sở y tế Nhà nước, đã và đang hình thành hệ thống y tế tư nhân với nhiều hình thức khám chữa bệnh. Để thực hiện quản lý môi trường y tế hiệu quả, công tác giám sát, quan trắc thường xuyên, liên tục chất lượng môi trường đóng một vai trò hết sức quan trọng, nhằm kịp thời cảnh báo và ngăn ngừa các tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động y tế.

Đo kiểm tra môi trường làm việc tại bệnh viện tỉnh Quảng Ninh

   Theo Luật BVMT, các BV phải có trách nhiệm thực hiện việc thu gom, xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Phân loại chất thải rắn y tế tại nguồn; thực hiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải rắn y tế bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế (CTYT) gây ra; CTYT phải được xử lý sơ bộ loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi lưu giữ, xử lý, tiêu hủy tập trung; Xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Để hướng dẫn việc thực hiện quan trắc tác động môi trường tại các BV, Thông tư số 31/2013/TT-BYT đã quy định về nội dung, thông số, địa điểm, phương pháp quan trắc, tần suất và báo cáo kết quả quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của BV.

   Quan trắc tác động môi trường từ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của BV là hoạt động theo dõi có hệ thống về diễn biến số lượng, thành phần, mức độ nguy hại của chất thải rắn y tế, khí thải lò đốt chất thải rắn y tế, nước thải y tế và môi trường không khí trong khuôn viên BV. Theo đó, quan trắc chất thải rắn y tế, nước thải y tế, khí thải lò đốt chất thải rắn y tế được thực hiện định kỳ 3 tháng/lần; QTMT không khí thực hiện định kỳ 6 tháng/lần.

   Đối với chất thải rắn y tế, phương pháp quan trắc được thực hiện dưới hình thức quan sát trực tiếp; cân, đo số lượng; thu thập số liệu từ sổ sách, chứng từ có liên quan, bảng kiểm, bộ câu hỏi. Phương pháp đánh giá kết quả quan trắc về chất thải rắn y tế căn cứ quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế tại Quy chế quản lý CTYT ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế (hiện nay áp dụng theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định quản lý CTYT).

   Đối với nước thải y tế, khí thải lò đốt chất thải rắn y tế, môi trường không khí, kết quả quan trắc phải đảm bảo theo QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế; QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế; QCVN 05:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh.

   Tình hình thực hiện QTMT tại các BV

   Trong thời gian qua, hoạt động QTMT y tế đã được các BV quan tâm và triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu công tác BVMT. Phần lớn, các BV đã trang bị đầy đủ các loại dụng cụ để thu gom CTYT và tiến hành thu gom các nhóm chất thải (chất thải thông thường, chất thải nguy hại) với tần suất đảm bảo ít nhất 1 lần/ngày theo quy định của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT. Đồng thời, các BV cũng thực hiện tốt việc vận chuyển chất thải tới nơi lưu giữ, đảm bảo không đi qua các phòng bệnh, khu lưu bệnh nhân, gây ảnh hưởng tới môi trường. Để xử lý chất thải nguy hại, các BV đều ký hợp đồng với đơn vị có chức năng (được Bộ TN&MT cấp phép) để thực hiện việc vận chuyển và xử lý CTYT nguy hại. Tuy nhiên vẫn còn một số BV chưa trang bị đầy đủ bao bì, thùng đựng CTYT đúng về màu sắc và thiếu biểu tượng theo quy định, đặc biệt ở nhóm chất thải nguy hại không lây nhiễm và CTYT thông thường phục vụ cho mục đích tái chế; một số BV chưa có khu lưu giữ chất thải đạt yêu cầu.

Lấy mẫu nước thải tại BV

   Về quan trắc nước thải y tế, hầu hết các BV đã thực hiện đầy đủ tần suất quan trắc và đạt kết quả quan trắc theo QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế. Theo đó, các BV tuyến TW, tỉnh và tư nhân có kết quả nước thải đầu ra khá tốt, tuy nhiên, một số BV ở tuyến huyện có kết quả nước thải đầu ra chưa đáp ứng được yêu cầu của QCVN 28:2010/BTNMT với các thông số không đạt tiêu chuẩn phổ biến là nitrat, COD, BOD5 hoặc Coliforms.

   Đối với việc quan trắc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế, đa phần các BV tuyến TW, tuyến tỉnh và tư nhân đều không đầu tư xây dựng hệ thống lò đốt hoặc đã ngưng vận hành lò đốt; chỉ còn phần lớn các BV ở tuyến huyện vẫn vận hành lò đốt để xử lý chất thải rắn y tế. Hiện các BV sử dụng lò đốt vẫn thực hiện khá tốt việc quan trắc khí thải lò đốt chất thải rắn y tế đảm bảo về tần suất được quy định tại Thông tư số 31/2013/TT-BYT.

   Các BV tại tất cả các tuyến TW và địa phương đều thực hiện tốt việc QTMT không khí xung quanh BV, đáp ứng đầy đủ về tần suất và đạt kết quả theo quy định tại QCVN 05:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh. Tuy nhiên vẫn còn một số ít BV tại tuyến huyện và tư nhân chưa thực hiện thường xuyên việc QTMT không khí xung quanh.

   Mặc dù đã đạt được một số kết quả ban đầu đáng khích lệ, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận công tác QTMT y tế còn một số tồn tại. Nguyên nhân là do thiếu nguồn kinh phí để triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung trong quản lý CTYT, BVMT; Cơ sở hạ tầng của các BV đã và đang xuống cấp, chật hẹp so với quy mô khám chữa bệnh nên tạo ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý CTYT; Chi phí vận hành, bảo dưỡng các hệ thống xử lý nước thải y tế, lò đốt chất thải rắn y tế cũng như chi phí thực hiện công tác QTMT y tế còn khá lớn, khiến các BV gặp khó khăn trong việc thực hiện đầy đủ công tác quan trắc; Thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, nắm vững các quy định và cách thức vận hành hệ thống xử lý CTYT.

   Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động QTMT tại các BV

   Để nâng cao hiệu quả hoạt động QTMT tại các BV, phục vụ kịp thời cho việc phát hiện, đánh giá ô nhiễm môi trường, theo dõi, giám sát chất lượng môi trường ở các BV, trong thời gian tới ngành y tế sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp:

   Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 31/2013/TT-BYT cho phù hợp với Luật BVMT năm 2014 và các văn bản liên quan. Thông tư số 31/2013/TT-BYT được ban hành trước khi Luật BVMT năm 2014 được thông qua. Do vậy việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 31/2013/TT-BYT là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý về BVMT.

   Xây dựng cơ chế về thuê quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải để tăng tính chuyên nghiệp và hiệu quả xử lý.

   Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác quản lý chất thải, QTMT y tế để các BV triển khai đầy đủ công tác BVMT nói chung và xử lý CTYT nói riêng.

   Bổ sung nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn, chuyên ngành nhằm quản lý, điều hành việc kiểm soát nhiễm khuẩn nói chung và công tác quản lý CTYT, BVMT tại các cơ sở y tế nói riêng.

Nguyễn Trọng Nghĩa

Cục Quản lý môi trường y tế

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn