Banner trang chủ

Liên minh Vận động Chính sách Kiểm soát Ô nhiễm nước

24/06/2014

     Trong quá trình xây dựng, điều chỉnh Luật BVMT (sửa đổi) và các chính sách liên quan đến BVMT, trong đó có kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN), Bộ TN&MT huy động sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức khoa học, chuyên gia môi trường, luật pháp, doanh nghiệp và cộng đồng về công tác BVMT nói chung và BVMT nước nói riêng. Đây là cơ hội thuận lợi để Liên minh Vận động Chính sách Ngăn ngừa và KSONN (gọi tắt là Liên minh Nước sạch) ra đời và tham gia vào tiến trình sửa đổi Luật BVMT (2005), cũng như các văn bản dưới luật, góp phần thúc đẩy công tác ngăn ngừa và KSONN đạt hiệu quả. Đồng thời, cung cấp các thông tin, cơ sở dữ liệu cần thiết cho công tác xây dựng những luật mới như Luật KSONN.

     Liên minh Nước sạch là mạng lưới tập hợp các tổ chức phi chính phủ, tổ chức khoa học, xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia tích cực vào việc xây dựng, thực hiện chính sách BVMT và ngăn ngừa ô nhiễm công nghiệp, bao gồm: Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Tạp chí Môi trường, Trường Đại học Tây Bắc, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Dragon), Tập đoàn Sepon (Quảng Trị), Trung tâm Môi trường và Phát triển Cộng đồng (CECOD)...

    Trong đó, CECR đóng vai trò là cơ quan điều phối, có nhiệm vụ hỗ trợ, phối hợp và kết nối các thành viên triển khai các hoạt động, nhằm phát huy tối đa khả năng của các bên và chuyển tải được các khuyến nghị, cũng như thông điệp của Liên minh tới các cơ quan quản lý, cơ quan lập pháp và cộng đồng.

    Mục tiêu và lĩnh vực hoạt động

    Mục tiêu tổng thể: Bảo vệ nguồn tài nguyên nước trước ô nhiễm công nghiệp và các nguồn ô nhiễm khác, đảm bảo cho sự tiếp cận nước an toàn của các hoạt động kinh tế và dân sinh.

     Mục tiêu cụ thể: Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2016, Liên minh đã đề ra các mục tiêu cụ thể như: Thúc đẩy kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước với sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan; Xây dựng cơ sở pháp lý và khoa học cho việc hoàn thiện khung pháp lý hiện hành về KSONN và xây dựng Luật KSONN; Liên minh Nước sạch có năng lực tốt để tham gia vào công tác kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước.

     Lĩnh vực hoạt động: Liên minh sẽ tập trung vào các hoạt động sau:

     Nghiên cứu, rà soát các chính sách, văn bản pháp lý hiện hành nhằm phát hiện các lỗ hổng, rào cản trong chính sách, cũng như bất cập trong công tác quản lý; từng bước xây dựng, cung cấp các số liệu, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi luật, đồng thời tạo tiền đề cho việc ra đời Luật KSONN.

     Tổ chức các hội thảo, hội nghị, diễn đàn, các chương trình truyền thông, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đóng góp cho việc xây dựng, sửa đổi chính sách pháp luật về KSONN của Việt Nam, cụ thể là đưa ra Bản kiến nghị về Luật KSONN.

     Ngoài ra, Liên minh cũng góp phần hỗ trợ cộng đồng giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ nguồn nước tại các vùng ô nhiễm trọng điểm, thúc đẩy việc công khai thông tin quan trắc môi trường nước.

     Một số kết quả đã đạt được

     Nghiên cứu theo vấn đề: Chỉ trong một thời gian ngắn, Liên minh đã tiến hành nghiên cứu tổng quan và điều tra về thực trạng ô nhiễm nước cũng như công tác KSONN tại những thủy vực điển hình, nhằm đánh giá tác động của ô nhiễm nước tới sức khỏe, kinh tế của cộng đồng; xác định những bất cập trong công tác quản lý, thể chế chính sách, kỹ thuật, xã hội, trách nhiệm của các bên. Cho đến nay, các nghiên cứu tập trung vào một số khu vực sau:

     Tại Hà Nội: Trên cơ sở hệ thống hóa các văn bản quy phạm liên quan đến công tác KSONN và quản lý môi trường đối với các ao, hồ của TP (Ví dụ: Luật Tài nguyên nước, Luật BVMT, Luật Đô thị, các văn bản dưới luật...), Liên minh đã tiến hành nghiên cứu, xác định các điểm mạnh, yếu trong KSONN, điều tra phân tích các bất cập trong chính sách quản lý, cũng như các xung đột lợi ích của các nhóm cộng đồng liên quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm hồ Hà Nội.

     Trên cơ sở điều tra hiện trạng ô nhiễm môi trường tại sông Cầu Lường, Mỹ Hào, Hưng Yên, Liên minh đã phân tích các bất cập trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về BVMT nói chung và BVMT nước nói riêng (các công cụ quản lý nhà nước về môi trường như: đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giám sát cộng đồng), các nguyên nhân gây ra các xung đột lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp tại địa phương, đồng thời, đề xuất các khuyến nghị để tăng cường cơ chế giám sát thực thi quy định pháp luật về BVMT.

     Thông qua việc nghiên cứu tổng quan về lịch sử, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của khu vực suối Bưng Cù (Bình Dương) và tình trạng ô nhiễm suối hiện nay, Liên minh đã xác định những ảnh hưởng của ô nhiễm nước đến nông nghiệp, sinh kế và đời sống của người dân, cũng như nhận thức của họ về vấn đề ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tiến hành phân tích xung đột giữa người dân với doanh nghiệp và cơ quan quản lý, xem xét cách giải quyết hiện nay (đền bù giải phóng mặt bằng, xử lý chất thải), cũng như tác động của báo chí với vấn đề ô nhiễm suối Bưng Cù.

     Nghiên cứu các bài học từ nước ngoài: Để phục vụ cho việc xây dựng Luật KSONN, thời gian qua, Liên minh đã tham khảo kinh nghiệm và chính sách của các nước về kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước, các biện pháp xử lý ô nhiễm, nhằm hỗ trợ công tác xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến KSONN tại Việt Nam. Cụ thể, Luật KSONN của Mỹ (Luật Nước sạch năm 1972); Luật KSONN của Nhật Bản (năm 1970); Luật Kiểm soát và Phòng ngừa Ô nhiễm nước của Trung Quốc (ban hành năm 1984, sửa đổi năm 2008); Luật Nước sạch Philipin (năm 2004)

     Nghiên cứu phân tích chính sách: Nghiên cứu, rà soát và phân tích các luật (Luật BVMT (2005), Luật Tài nguyên nước) và các văn bản hiện hành liên quan đến KSONN về các khía cạnh như ĐTM, quy trình KSONN tổng thể, vai trò của các bên (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng, truyền thông…); tìm ra các bất cập, lỗ hổng trong việc thực thi chính sách... Từ đó, đưa ra các khuyến nghị và đề xuất xây dựng Luật KSONN của Việt Nam.

     Chiến lược Truyền thông

     Nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách và pháp lý, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp và giới truyền thông đóng góp các ý kiến, thảo luận về thể chế chính sách liên quan đến KSONN, từ tháng 11/2013 đến nay, Liên minh đã tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tập huấn về công tác KSONN, trong đó có một số hội thảo được đánh giá cao, thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia môi trường trong nước và quốc tế, ví dụ, Hội thảo: “Thảo luận và đóng góp ý kiến cho Luật BVMT (sửa đổi) về KSONN” diễn ra vào tháng 12/2013 tại Hà Nội; Hội thảo quốc tế: “KSONN tại Việt Nam: Thực tiễn và Chính sách” tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4/2014…

     Đặc biệt, để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các bên liên quan về KSONN, Liên minh đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, thu hút được sự quan tâm của các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, cộng đồng, đồng thời thể hiện được vai trò của Liên minh trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về KSONN. Cụ thể: Thực hiện các phóng sự (“Câu chuyện tại Suối Bưng Cù, Bình Dương”; “KSONN Việt Nam - câu chuyện làng bún Khắc Niệm, Bắc Ninh”) và phát sóng trên các kênh truyền hình TTXVN, Infotv, ANTV. Qua các phóng sự này, cộng đồng đã nhìn thấy rõ bức tranh ô nhiễm nước nặng nề và ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người dân tại các khu vực ô nhiễm.

     Ngoài ra, tại TP. Hà Nội, Liên minh cùng với các Câu lạc bộ Hồ Hà Nội và Hội Phụ nữ phường Ngọc Khánh tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3/2014); Hỗ trợ Liên hiệp hội phụ nữ các phường Hoàng Văn Thụ, Quảng An, Ngọc Khánh và Hạ Đình tổ chức Tháng hành động vì nước sạch từ ngày 22/3 - 22/4, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc chung tay bảo vệ hồ Hà Nội.

     Bên cạnh đó, Liên minh còn phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức sự kiện Ngày Trái đất với sự tham gia của 1.000 tình nguyện viên đến từ Câu lạc bộ Hồ Hà Nội, Hội Phụ nữ các phường, sinh viên các trường đại học và một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

     Trải qua 6 tháng hoạt động, cho đến nay, Liên minh đã đạt được một số kết quả bước đầu trong việc tìm ra các điểm bất cập trong cơ chế chính sách về BVMT nước, cũng như công tác quản lý môi trường nước tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Liên minh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động, bám sát các mục tiêu đã đề ra, nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và khoa học cho việc hoàn thiện khung pháp lý hiện hành về KSONN, xây dựng Luật KSONN; thúc đẩy công tác kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm nước với sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan.

     Với phương châm hoạt động dựa vào liên kết và hợp tác với nhiều bên, Liên minh mong muốn nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân nhằm xây dựng một Liên minh vững mạnh và góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước của Việt Nam.

 

Nguyễn Trâm Anh

Điều phối viên Liên minh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

 

 

Ý kiến của bạn