Banner trang chủ

Hiệu quả áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn tại một số nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Nghệ An

07/11/2016

   Sản xuất sạch hơn (SXSH) ngày càng được áp dụng phổ biến trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, góp phần BVMT, nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và năng lượng đầu vào. Ở Việt Nam, từ năm 1995, SXSH được triển khai thí điểm trong ngành công nghiệp giấy và dệt do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc tài trợ. Đến năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược SXSH trong ngành công nghiệp đến năm 2020” nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) áp dụng các giải pháp SXSH.

   Theo đó, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hai Nhà máy chế biến tinh bột sắn (CBTBS) là Yên Thành và Intimex Thanh Chương đã áp dụng SXSH và đạt hiệu quả cao. Các giải pháp SXSH không chỉ giúp hai nhà máy đáp ứng các yêu cầu BVMT, mà còn đạt được những lợi ích về kinh tế nhờ tận dụng các nguyên, nhiên liệu và giảm bớt chi phí môi trường phát sinh.

Nhà máy Intimex Thanh Chương (Nghệ An)

   Tình hình áp dụng các giải pháp SXSH

   Để cải tiến hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường, từ năm 2009, hai nhà máy CBTBS trên đã tiến hành áp dụng các giải pháp SXSH trong quy trình sản xuất.

   Nhà máy CBTBS Yên Thành đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ sinh học thu hồi khí CH4. Khí CH4 từ hệ thống xử lý nước thải được sử dụng làm nhiên liệu đốt lò sấy thay cho than đá, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm chi phí mua than. Nhà máy cũng nâng cấp công suất từ 50 tấn sản phẩm/ngày lên 150 tấn sản phẩm/ngày, bổ sung máy băm nguyên liệu nhằm tăng hiệu quả sử dụng sắn tươi (tiết kiệm được 0,99% lượng nguyên liệu sắn tươi hàng năm). Bên cạnh đó, các biện pháp tiết kiệm nước cũng được áp dụng như tuần hoàn nước rửa nguyên liệu lần 2 về rửa nguyên liệu lần 1; lắp đặt các vòi phun cao áp để tăng hiệu quả rửa trang thiết bị; kiểm tra rò rỉ đường ống để tránh lãng phí nước.

   Nhận thấy SXSH mang lại những lợi ích tích cực, Nhà máy CBTBS Intimex Thanh Chương đã tiến hành quản lý nội vi tốt cho khâu nhập nguyên liệu bằng cách loại bỏ các tạp chất như đất, cát, chất bẩn bám vào củ sắn trước khi rửa, từ đó góp phần tiết kiệm lượng nước rửa nguyên liệu và bảo vệ các trang thiết bị, máy móc. Bên cạnh đó, Nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp kỵ khí, tận thu CH4 nhằm xử lý nước thải đạt QCVN40/2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp). Lượng khí CH4 được sử dụng làm nhiên liệu đốt lò hơi thay cho than đá và phát điện, giúp giảm chi phí mua than, tiết kiệm điện năng và giảm lượng phát thải khí nhà kính vào môi trường. Để tiết kiệm nước, Nhà máy đã xây dựng hệ thống sấy và vắt bã sắn liên hoàn, lượng nước tách ra được tuần hoàn sử dụng cho khâu rửa nguyên liệu và bã sẵn được đóng bao làm thức ăn chăn nuôi. Biện pháp này không chỉ giúp giảm 15% lượng nước sử dụng mỗi năm, mà còn tạo thêm doanh thu cho Nhà máy từ việc bán thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, Nhà máy còn xây dựng một phân xưởng sản xuất phân vi sinh từ vỏ sắn và cùi sắn để xử lý lượng chất thải rắn phát sinh, đồng thời tăng thêm doanh thu từ việc bán phân vi sinh.

   Hiệu quả của các giải pháp SXSH

   Tại Nhà máy CBTBS Yên Thành, sau khi áp dụng các giải pháp SXSH đã thu được 3,2 tỷ đồng/năm do giảm nguyên liệu đầu vào: sắn tươi từ 4.410 kg xuống 4.100 kg; điện từ 210 kWh xuống 185 kWh; nước từ 27 m3 xuống 21 m3; phèn chua 1 kg xuống 0,3 kg; lưu huỳnh từ 0,5 xuống 0,2 kg; than đá từ 40 kg xuống 10 kg. Trong đó, lợi ích từ việc sử dụng gas thay cho than đá ở lò sấy thu được 1.838.883.25 đồng; tiết kiệm năng lượng: 457.020.000 đồng; tiết kiệm nước: 84.448.000 đồng và thu hồi tinh bột từ bã: 801.648.750 đồng.

Sản phẩm phân vi sinh từ xử lý chất thải rắn của Nhà máy Intimex Thanh Chương

   Việc tiết kiệm nguyên, nhiên liệu sản xuất đồng nghĩa với việc Nhà máy giảm thiểu phát sinh một lượng chất thải tương ứng. Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh học thu hồi khí CH4 giúp Nhà máy xử lý nước thải hiệu quả, đảm bảo tất cả các thông số cho phép đều đạt QCVN40/2011/BTMT-Cột B: pH từ 4,7 lên 7,52; COD giảm từ 337,6 mg/l xuống 18 mg/l; BOD5 giảm từ 210 mg/l xuống 6,8 mg/l; TSS giảm từ 108mg/l xuống 13 mg/l; Tổng P giảm từ 8,5mg/l xuống 2,54 mg/l; Tổng N giảm từ 60mg/l xuống 22,8 mg/l; Coliform giảm từ 8.000 MNP/100ml xuống 5.000 MNP/100ml.

Khu vực tập trung nguyên liệu của Nhà máy Intimex Thanh Chương

   Tại Nhà máy CBTBS Intimex Thanh Chương, lợi ích kinh tế thu được từ các giải pháp SXSH là 7.443.262.200 đồng/năm, trong đó tiết kiệm nước thu được 262.886.400 đồng; Thu hồi tinh bột sắn tiết kiệm được 1.196.400.000 đồng; Bán phân vi sinh thu về 960.000.000; Bán thức ăn chăn nuôi từ bã sắn thu về 3.600.000.000 đồng và tiết kiệm chi phí mua than và điện (sử dụng gas) là 1.423.975.800 đồng.

Khu vực sản xuất của Nhà máy Intimex Thanh Chương

   Bên cạnh những lợi ích từ kinh tế, Nhà máy cũng đảm bảo hiệu quả về môi trường. Một lượng lớn chất thải rắn của Nhà máy đã được giảm đi nhờ việc sản xuất phân vi sinh và thức ăn chăn nuôi. Hệ thống xử lý nước thải giúp Nhà máy giảm thiểu nồng độ các chất ô nhiễm, cụ thể: COD giảm từ 570 mg/l xuống 55,2 mg/l; BOD5 giảm từ 450 mg/l xuống 38 mg/l; TSS giảm từ 446 mg/l xuống 32,5 mg/l; CN- giảm từ 3,0 mg/l xuống 0,01 mg/l; Tổng P giảm từ 50 mg/l xuống 5,32 mg/l; Tổng N giảm từ 9mg/l xuống 1,77 mg/l; Coliform giảm từ 9.000 MNP/100 ml xuống 3.400 MNP/100 ml; pH tăng từ 4,5 lên 6,24. Tất cả các thông số này đều đạt yêu cầu xả thải ra môi trường theo quy định của QCVN40/2011/BTNMT - Cột B.

   Như vậy, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp SXSH, hai Nhà máy CBTBS Yên Thành và Intimex Thanh Chương không những giải quyết tốt các vấn đề môi trường, mà còn tạo ra các lợi ích về kinh tế nhờ nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nguyên, nhiên liệu đầu vào. Do đó, trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách và chương trình cụ thể để khuyến khích và thúc đẩy các DN trên địa bàn cả nước quan tâm áp dụng SXSH vào quá trình sản xuất, hướng tới sự phát triển bền vững.

ThS. Cao Trường Sơn

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh

Viện Khoa học môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn