Banner trang chủ

Hiện trạng và đề xuất giải pháp phòng ngừa sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam

01/01/2016

   Sinh vật ngoại lai xâm hại (NLXH) là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sinh vật NLXH có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, bao gồm các loài vi rút, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú. Khoảng 10% của 3.000 loài thực vật có mạch, có tiềm năng xâm hại các hệ sinh thái khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hệ sinh vật bản địa. Sự xâm lấn của SVNL có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người.

   1. Hiện trạng các loài sinh vật NLXH tại Việt Nam

   Ở Việt Nam, các loài sinh vật NLXH chỉ được chú ý vào nửa đầu thập kỷ 1990, khi dịch ốc bươu vàng bùng phát từ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến đồng bằng Bắc bộ, tác động trực tiếp đến đời sống của nông dân Việt Nam.

   Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu về sinh vật ngoại lai nói chung và sinh vật NLXH nói riêng tại Việt Nam. Nghiên cứu đáng kể nhất có thể liệt kê là về cây trinh nữ thân gỗ và một số thực vật NLXH khác ở ĐBSCL.

   Cây trinh nữ thân gỗ còn được gọi là cây trinh nữ nhọn, cây mắt mèo, cây xấu hổ hay cây mai dương, là loài thực vật ngoại lai có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ (Lewin và Elias, 1981). Do có khả năng sinh trưởng, phát triển và phát tán ra quần thể rất lớn, nó được xếp vào loài cỏ dại nguy hiểm thứ 3 trên thế giới và nằm trong danh sách 100 loài sinh vật gây hại nguy hiểm nhất đối với hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.

   Ở Việt Nam, cây trinh nữ thân gỗ phát triển khá nhanh và có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Đặc biệt tại các vùng bán ngập thuộc ĐBSCL, các khu vực lòng hồ thủy điện như Trị An, Thác Bà, Hòa Bình…, chúng mọc dày tạo thành những vành đai rộng lớn và trở thành đối tượng cỏ dại nguy hiểm khó phòng trừ, gây ảnh hưởng lớn cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường. Mặc dù vấn nạn về cây trinh nữ thân gỗ đã được nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhưng cho đến nay vẫn chưa có được giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của chúng.

   Tại Khu vực sông La Ngà (Đồng Nai), nông dân phải bỏ xấp xỉ 1.800.000 đ/ha cho chi phí bổ sung để chặt cây trinh nữ thân gỗ trong mỗi vụ gieo trồng. Đa số các công trình xây dựng đều sử dụng cát để san lấp nền và mặt bằng, ngay sau khi san lấp cây mai dương đã mọc kín toàn bộ mặt bằng, gây khó khăn cho việc thi công hoặc tăng chi phí phòng trừ trước khi tiến hành xây dựng.

   Ốc bươu vàng là một trong những loài gây hại mạnh nhất ở Việt Nam (Birdlife Việt Nam, 2006). Loài này đã được nhập vào Việt Nam từ trước năm 1975 với mục đích làm cảnh. Năm 1989, hai trang trại nuôi ốc bươu vàng được thành lập tại Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh để nhân nuôi và xuất khẩu ốc bươu vàng. Đến năm 1990, việc nuôi thử nghiệm ốc bươu vàng được bắt đầu ở miền Bắc Việt Nam. Do có vòng đời ngắn, dưới các điều kiện phù hợp, ốc bươu vàng có thể phát tán nhanh chóng dọc theo các thủy vực và hiện đã được ghi nhận ở hầu hết các vùng tại Việt Nam. Do có thể ăn được hầu hết các loài thực vật, ốc bươu vàng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ĐDSH cũng như đối với sản xuất nông nghiệp.

   Bèo lục bình (bèo Nhật Bản, bèo tây): được nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản vào năm 1902 với mục đích làm cảnh. Trong điều kiện thuận lợi, loài này có thể phát triển gấp đôi diện tích trong khoảng mười ngày và hiện đã phát triển phân bố rộng khắp các thủy vực nước ngọt ở Việt Nam. Lục bình che phủ mặt nước, thối mục làm giảm ô-xy hòa tan trong nước, dẫn đến làm chết cá và các loài thủy sinh khác. Cũng như các loài sinh vật NLXH khác, nó còn gây ra những hậu quả xấu đối với nền kinh tế. Chúng không chỉ cản trở hoạt động giao thông đường thủy mà còn làm chậm dòng chảy, làm giảm khả năng phát điện, sức tưới tiêu và tăng kinh phí bảo trì các hồ chứa.

Bèo Nhật Bản là loài NLXH được du nhập vào Việt Nam từ năm 1902 làm chết cá và các loài thủy sinh khác

   2. Đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả các loài sinh vật NLXH

   Thứ nhất, tăng cường hoạt động điều tra, phát hiện thường xuyên và lập bản đồ phân bổ để kiểm soát và xử lý kịp thời các vùng mới bị xâm nhiễm. Việc điều tra cần phải được tiến hành thường xuyên để phát hiện những khu vực mới bị xâm nhiễm và lập kế hoạch kiểm soát phù hợp. Qua điều tra cũng có thể xác định đầy đủ về điều kiện, quy luật phát tán, lây lan của cây sinh vật ngoại lai (SVNL). Trên cơ sở điều tra và phân tích hệ sinh thái, phải cảnh báo được các vùng có nguy cơ xâm nhiễm cao để có kế hoạch kiểm soát kịp thời. Song song với các phương pháp quan trắc, đo đếm cần sử dụng hệ thống thông tin địa lý GIS để điều tra và lập bản đồ phân bố.

   Thứ hai, áp dụng triệt để và nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch. Kiểm soát chặt chẽ và chủ động ngăn chặn các con đường lây lan của SVNL. Đây là một biện pháp khó thực hiện vì ngoài con đường phát tán qua nông sản, nhiều loài SVNL còn phát tán qua nước, không khí. Tuy vậy, trong khuôn khổ hoạt động của con người, có kiểm soát và hạn chế sự phát tán qua nhập khẩu nông sản, qua các phương tiện giao thông, phân gia súc... từ vùng bị nhiễm sang vùng không bị nhiễm. Hạn chế sự di chuyển của nguồn hạt từ những vùng đã bị xâm nhiễm nặng ra bên ngoài.

   Thứ ba, tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng tham gia phát hiện và ngăn chặn sớm sự phát tán của SVNL. Hiệu quả ngăn ngừa cây trinh nữ cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và sự tham gia chủ động của công chúng. Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về khả năng phát tán, các con đường lây lan, tác động của SVNL đến đời sống, kinh tế, xã hội và môi trường và những việc người dân có thể làm hoặc tham gia được vào chiến lược ngăn chặn sự lây lan. Đặc biệt, không nuôi trồng và sử dụng SVNL vào các mục đích có thể gây nguy cơ phát tán (ví dụ trồng cây làm cây cảnh, hàng rào, chống xói mòn, nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, chuột hải ly làm thực phẩm...).

   Thứ tư, tiến hành các hoạt động kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các khu vực mới bị xâm nhiễm hoặc tái nhiễm. Đối với thực vật, tận dụng mọi khả năng có thể để phủ kín mặt đất bằng các loài thực vật thích hợp vì đa số các loài thực vật ngoại lai đều ưa sáng. Phải chủ động trồng các loại thực vật phù hợp để lấn át sự xâm nhiễm của thực vật ngoại lai ngay từ đầu. Các loài thực vật hay cây trồng được lựa chọn để sử dụng làm cây cạnh tranh phải phù hợp với từng vùng sinh thái. Còn các loài động vật, cần huy động lực lượng cộng đồng để tìm diệt sớm. Có thể khuyến khích thu bắt để làm thức ăn cho người hay gia súc hoặc áp dụng các biện pháp bẫy bắt khi mật độ còn thấp.

   Thứ năm, đối với các loài thực vật (trinh nữ thân gỗ, móc, bèo tây...) và động vật NLXH (bọ cánh cứng hại dừa, ốc bươu vàng) có thể sử dụng thuốc trừ cỏ không chọn lọc, có khả năng lưu dẫn cao (Glyphosate) để phun trừ. Trường hợp cây quá to, già, việc sử dụng thuốc kém hiệu quả có thể sử dụng biện pháp chặt và chờ cho cây mọc tái sinh, sau đó sử dụng thuốc trừ cỏ không chọn lọc như Glyphosate hay thuốc chọn lọc như Metsulfuron Methyl để phun trừ mầm mới mọc tái sinh.

   3. Kết luận

   Quản lý sinh vật NLXH đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ ĐDSH, bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước. Do tính chất phức tạp và mức độ gây hại nghiêm trọng của các loài SVNL, việc phòng trừ cần được tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua công tác kiểm dịch thực vật, đánh giá nguy cơ dịch hại, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, giáo dục kiến thức bảo vệ ĐDSH và quản lý SVNL cho học sinh phổ thông.

   Việc phòng trừ các đối tượng SVNL cần tiến hành sớm bằng các biện pháp phù hợp với từng vùng sinh thái và mức độ xâm lấn cụ thể. Việc phòng trừ sớm không chỉ đạt hiệu quả cao, chi phí thấp mà còn cho phép áp dụng nhiều giải pháp khác nhau đặc biệt có thể lựa chọn các biện pháp an toàn như biện pháp thủ công hay sử dụng tác nhân sinh học.

   Không khuyến khích sử dụng SVNL làm nguồn giống cây trồng, vật nuôi (ngoại trừ việc nuôi trồng có kiểm soát) nhưng khi cần phòng trừ có thể khuyến khích giải pháp sử dụng SVNL như một nguồn vật liệu sản xuất (sử dụng làm đồ thủ công, mỹ nghệ... làm thức ăn cho người hoặc gia súc. Trường hợp đặc biệt buộc phải sử dụng đến các loại hóa chất có thể sử dụng một cách có kiểm soát và lựa chọn các hóa chất ít độc, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, không nên quá tiêu cực với giải pháp sử dụng thuốc hóa học khi mức độ xâm lấn của SVNL đã ở mức không thể khống chế bằng các biện pháp khác.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12 - 2015)

Ý kiến của bạn