Banner trang chủ

Hiện trạng chất thải chăn nuôi và các mô hình xử lý chất thải hiệu quả của xã Phù Ðổng

20/12/2016

   Trong những năm qua, ngành chăn nuôi của xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) được coi là ngành mũi nhọn và đạt được kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm của người dân. Cùng với những lợi ích mang lại thì hoạt động chăn nuôi cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường, nếu không được giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến cảnh quan đô thị, sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường.

Người dân xã Phù Đổng tiến hành ủ phân, bón cho cây trồng 

   Hiện trạng chất thải chăn nuôi của xã Phù Đổng

   Do nhu cầu phát triển kinh tế, hầu hết các hộ dân ở xã Phù Đổng đang mở rộng theo mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại. Phần lớn, các hộ gia đình chăn nuôi theo kiểu “chuồng trại chăn nuôi cạnh nhà, cạnh bếp”. Do đó, chất thải chăn nuôi vẫn thải trực tiếp ra môi trường, nước thải bốc mùi hôi, phát sinh nhiều loài ký sinh trùng gây bệnh. Kết quả điều tra của UBND xã cho thấy, nhiều cơ sở chăn nuôi chưa chú ý đến vệ sinh khử trùng tiêu độc định kỳ, chỉ có một số hộ gia đình sử dụng chế phẩm khử trùng, khử mùi cho chuồng trại chăn nuôi. Mặc dù xã đã xây dựng mỗi thôn một hố chứa nước thải chăn nuôi, nhưng các hộ không thực hiện đúng quy định, gây mất mỹ quan môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

   Theo thống kê của UBND xã Phù Đổng cho thấy, từ năm 2010 - 2016, bình quân mỗi năm số lượng đàn bò sữa tăng 200 con/năm, trâu tăng 4 con/năm, đàn lợn tăng 100 con/năm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng số đàn lợn, gia cầm, trâu, bò toàn xã là 19.795 con, tăng 108 con so với cùng kỳ. Do đó, lượng chất thải rắn (CTR) chăn nuôi thải ra môi trường không ngừng tăng lên. Năm 2015, khối lượng CTR chăn nuôi thải ra mỗi ngày khoảng 41- 48 tấn, đến năm 2016 là 43- 51 tấn/ngày. Lượng chất thải hàng ngày thải ra lớn, ngấm vào đất làm ô nhiễm nguồn nước, làm các loài cá, cua trong các ao, mương đều bị chết.

   Ngoài ra, theo dự báo đến năm 2025, khối lượng CTR chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn sẽ phát sinh một khối lượng lớn, cụ thể: Năm 2017 (lượng CTR khoảng 55 tấn/ngày), 2018 (59 tấn/ngày), 2019 (63 tấn/ngày), 2020 (67 tấn/ngày), 2025 (77 - 88 tấn/ngày). Như vậy, lượng CTR chăn nuôi ngày càng tăng sẽ là một thách thức đối với môi trường xã Phù Đổng nói riêng và toàn huyện Gia Lâm nói chung.

Khối lượng phát sinh CTR chăn nuôi giai đoạn 2015 - 2016 của xã Phù Đổng

Vật nuôi

Năm 2015

Năm 2016

Số lượng

Lượng phân (kg/con/ngày)

Tổng lượng phân (tấn/ngày)

Số lượng

Lượng phân (tấn/con/ngày)

Tổng lượng phân
(tấn/ngày)

Bò sữa

1507

20

30,14

1600

20

32

439

5-10

2,2 - 4,4

458

5-10

2,29-4,58

Trâu

46

15

0,69

50

15

0,75

Lợn

2569

3-5

 7,71 -12,95

2687

3-5

8,06-13,44

Nguồn: UBND xã Phù Đổng, điều tra thực tế

   Triển khai các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi

   Trước thực trạng trên, năm 2016, xã Phù Đổng đã tăng cường cán bộ chuyên trách và tập trung nguồn lực đầu tư cho môi trường. Chính quyền xã phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… triển khai các phong trào BVMT thông qua hình thức phát tờ rơi, tổ chức hội thảo và cuộc thi như: Sạch nhà - sạch bếp; Tổ dân phố Xanh - Sạch - Đẹp… Bên cạnh đó, chính quyền xã Phù Đổng đã vận động người dân áp dụng các mô hình xây hầm bioga, chôn lấp, ủ phân bón cho cây trồng, nuôi giun quế, nhằm giảm thiểu lượng CTR chăn nuôi ra môi trường.

   Mô hình xử lý chất thải bằng hầm bioga: Có tới 50% các hộ gia đình sử dụng hầm bioga để xử lý nước thải và phân thải. Sau khi triển khai áp dụng hệ thống hầm bioga, mùi hôi đã giảm và người dân tận dụng nguồn khí đốt và cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng. Đặc biệt, nước thải đã được diệt hết 99% trứng giun sán, tận dụng làm phân vi sinh hoặc tưới cây, giúp giảm dịch hại từ 70-80% và bảo vệ sức khỏe người nông dân.

   Mô hình ủ phân: Hiện lượng phân thu được từ chăn nuôi lớn nên có thể lưu trữ ở các hố phân ngoài chuồng. Sau một khoảng thời gian thì tiến hành ủ nguội cùng các thức ăn thừa trong quá trình chăn nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ hoặc vỏ trấu. Phân ủ sau đó được sử dụng bón cho cây trồng chủ yếu là cỏ voi, phục vụ làm thức ăn cho trâu, bò. Đây là phương pháp truyền thống có từ lâu đời, tận dụng được triệt để những nguồn sẵn có để tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu câu cần thiết của người dân.

   Nuôi giun quế, lươn, ba ba: Xã đã dành 750 m2 đất ngoài đê thuộc xóm Từa, là nơi bức xúc nhất về vệ sinh môi trường để thực hiện mô hình nuôi giun quế. Theo đó, toàn bộ lượng phế thải từ chăn nuôi bò sữa ở xóm Từa được vận chuyển ra khu nuôi giun quế. Mỗi ngày 20 kg giun quế có thể phân hủy 20 kg phân, tương đương với diện tích nuôi giun là 10-15m2 . Như vậy, với diện tích 750 m2 thì mỗi ngày khu vực này có thể xử lý gần 1 tấn CTR chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, lượng giun quế của các hộ dân được dùng để nuôi lươn, ba ba, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiện, hiện nay diện tích nuôi giun quế còn nhỏ và manh mún. Chính vì vậy, cần tập trung quy hoạch thành một Hợp tác xã để dạy, truyền đạt kinh nghiệm nuôi giun quế cho các hộ dân.

   Như vậy, hiện nay chính quyền xã Phù Đổng đã đẩy mạnh các phong trào BVMT và có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân áp dụng biện pháp xử lý CTR chăn nuôi phù hợp nên môi trường đã từng bước được cải thiện. Sự nỗ lực không ngừng của chính quyền xã đã góp phần rất lớn vào công tác quản lý và xử lý CTR chăn nuôi lợn, trâu, bò tại địa phương.

TS. Phạm Thị Tố Oanh

Liên minh HTX Việt Nam

Vũ Thái Loan

Đại học Khoa học Tự nhiên

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn