Banner trang chủ

Hệ thống quan trắc chất lượng không khí của Pháp và đề xuất giải pháp áp dụng tại Việt Nam

20/12/2016

TS. Serge.S.AFLALO -
Phó Chủ tịch Tập đoàn Environnement S.A (Pháp)

Hiện nay, Pháp là một trong những quốc gia trên thế giới có hệ thống quản lý và giám sát chất lượng không khí (CLKK) được các Tổ chức quốc tế công nhận. Các doanh nghiệp Pháp hoạt động trong lĩnh vực này cũng cung cấp công nghệ và thiết bị quan trắc không khí (QTKK) tiên tiến nhất, có thể đo, phân tích CLKK tự động. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Tập đoàn Environnement S.A (Pháp) - TS. Serge.S.AFLALO về công tác quản lý, vận hành các trạm QTKK tự động ở nước Pháp, từ đó đưa ra những giải pháp hữu ích cho Việt Nam.

   Ông có thể cho biết về công tác quản lý và vận hành các trạm QTKK tự động ở nước Pháp hiện nay?

   TS. Serge.S.AFLALO: Từ năm 2000, công tác quản lý và vận hành các trạm QTKK tự động ở Pháp được đẩy mạnh, với việc lắp đặt 800 trạm đo và 2.100 thiết bị QTKK tự động trên cả nước. Hiện Pháp có 41 tổ chức chịu trách nhiệm quan trắc CLKK. Các trạm đo được phân loại theo từng vùng dân cư (như đô thị, ngoại ô, nông thôn, khu công nghiệp…), bình quân cứ 3 triệu dân thì có 1 trạm QTKK, đặc biệt, đối với vùng có nguy cơ ô nhiễm thì số lượng trạm đo và các thiết bị đo sẽ được đặt nhiều hơn. Hàng ngày, số liệu từ các trạm đo CLKK tự động sẽ được cung cấp thông tin tới cộng đồng như bản tin dự báo thời tiết. Các ngưỡng về chỉ số CLKK (AQI) được thể hiện trên một bảng màu, với chỉ số AQI từ 0 - 51 (CLKK tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe, bảng màu hiển thị màu xanh); từ 51-100 và từ 101- 200 (CLKK trung bình, người già, trẻ em, những người mắc bệnh hô hấp (nhóm nhạy cảm) nên hạn chế thời gian ở bên ngoài, màu vàng và da cam); từ 201-300 (CLKK xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, màu đỏ); trên 300 (CLKK nguy hại, mọi người nên ở trong nhà, màu nâu).

   Để quản lý CLKK xung quanh, Pháp áp dụng Chỉ thị châu Âu (2008/50/EC), được ban hành ngày 14/4/2008. Chỉ thị đưa ra những tiêu chí đánh giá CLKK tại quốc gia thành viên và theo dõi xu hướng dài hạn; đánh giá hiệu quả của các biện pháp cải thiện môi trường từ các quốc gia và cộng đồng; bảo vệ CLKK tại những khu vực có chất lượng tốt và cải thiện ở những vùng khác. Chỉ thị cũng quy định về thiết bị đo và phương pháp tham chiếu; giá trị giới hạn nồng độ các thông số ô nhiễm và đưa ra những khuyến cáo về quy hoạch số lượng trạm quan trắc.

   Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Pháp sản xuất thiết bị quan trắc, ông có thể giới thiệu một số thiết bị quan trắc công nghệ mới sẽ được Tập đoàn Environnement S.A cung cấp cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới?

   TS. Serge.S.AFLALO: Tập đoàn Environnement S.A được thành lập từ năm 1978, là nhà sản xuất thiết bị đo lường và phân tích hàng đầu thế giới, với độ chính xác cao, phù hợp tiêu chuẩn với các tổ chức chứng nhận quốc tế. Thực thi trách nhiệm môi trường và xã hội, Tập đoàn đã sản xuất những thiết bị quan trắc sinh thái, với chất lượng cao, thiết kế nhỏ gọn và có thể tái chế. Đó là các thiết bị quan trắc chuyên dụng để đo một số thông số ô nhiễm phổ biến như: Ô zôn (O3), cácbon mônôxit (CO), lưu huỳnh diôxit (SO2), ôxit nitơ (NO- NO2 và NOx). Các thiết bị được thiết kế thân thiện với môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm. Đặc biệt, các trạm quan trắc do Tập đoàn lắp đặt đều sử dụng năng lượng mặt trời, với các mô đun thiết bị dòng E-series được bọc 100% vật liệu thân thiện môi trường (EPP). Thiết bị đo ô zôn không sử dụng đèn thủy ngân như các thiết bị hiện hành trên thị trường mà thay bằng đèn led, có ưu điểm tiết kiệm điện và thời gian sử dụng dài hơn. Các thiết bị của Tập đoàn luôn tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường như ISO 14001 và ISO 9001, chứng nhận OHSAS 18001.

   Ngoài ra, Tập đoàn còn cung cấp Hệ thống quản lý dữ liệu (XR) thu thập dữ liệu từ xa tạo thành hệ thống giám sát môi trường xung quanh, phù hợp đối với quy mô TP hay khu công nghiệp. Hệ thống dữ liệu định dạng điện tử về kết quả, địa điểm lấy mẫu, bảng dữ liệu hiện trường, dữ liệu hoạt động và sẽ tự động gửi báo cáo quan trắc trực tiếp tới khách hàng. Hệ thống sẽ báo lỗi nếu thiết bị quan trắc bị hỏng và đưa ra các phương án khắc phục.

   Nhằm kết nối với thị trường Việt Nam, vừa qua, Tập đoàn Environnement S.A đã tổ chức giới thiệu về các thiết bị quan trắc CLKK tự động cùng phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu. Các chuyên gia của Tập đoàn đã tặng hai thiết bị đo, lấy mẫu bụi và khí cho Trung tâm Quan trắc Môi trường vận hành. Đây là cơ hội giúp Việt Nam tiếp cận với hệ thống thiết bị QTKK tự động và tìm hiểu thêm về các tiến bộ công nghệ quản lý CLKK mới nhất trên thế giới.

Lắp đặt thiết bị đo quan trắc CLKK tự động ở khu đô thị 

   Từ những kinh nghiệm của Pháp, ông có đề xuất những giải pháp nào cho Việt Nam trong việc xây dựng mạng lưới quan trắc CLKK?

   TS. Serge.S.AFLALO: Việt Nam đang đứng ở ngưỡng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt tại những khu đông dân cư như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Để quản lý CLKK, Việt Nam cần từng bước xây dựng một mạng lưới quan trắc CLKK trên phạm vi toàn quốc. Địa điểm đặt trạm quan trắc phải đại diện cho khu vực cần theo dõi. Do đó, cần được khảo sát kỹ về mặt vị trí, địa hình, thời tiết, khí tượng; có những nghiên cứu, ước tính sơ bộ về nguồn phát thải ở các khu vực lân cận. Mật độ dân số cũng là vấn đề cần được quan tâm. Dân số quyết định lớn đến số lượng trạm quan trắc cần lắp đặt, nên lắp đặt 9 - 10 trạm/6 triệu người, đo các chất ô nhiễm benzen, CO, SO2, NO2; 6 trạm/2 triệu dân, đo O3; 15 trạm/6 triệu dân, đo PM10, PM2,5 ...

   Ngoài ra, nên lắp đặt thiết bị đo tự động ở ven đường hoặc các ngã tư có mật độ giao thông cao tại TP lớn. Còn ở các khu dân cư, khu vực nông thôn, nếu CLKK tương đối sạch, ít bị tác động bởi các hoạt động của con người thì nên đặt các trạm nền. Trong quá trình vận hành trạm, sẽ xuất hiện các lỗi ảnh hưởng tới quá trình hoạt động cũng như làm giảm độ chính xác của thiết bị và độ tin cậy của số liệu, nên ít nhất phải có 2 cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm duy trì quản lý, vận hành. Đồng thời, phải đảm bảo vệ sinh và bảo dưỡng các trạm, định kỳ theo quy trình của Tổng cục Môi trường hoặc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

                Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016

Ý kiến của bạn