Banner trang chủ

Hướng tới lựa chọn công nghệ xử lý chất thải y tế thân thiện với môi trường

09/06/2016

   Trong những năm qua, xử lý chất thải nói chung và chất thải y tế (CTYT) nói riêng bằng công nghệ đốt được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên các lò đốt nếu không được kiểm soát tốt về khí thải hoặc quá trình vận hành không đúng quy định sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thứ phát (các loại khí axít, đặc biệt phát thải các khí độc hại như dioxin và furan...). Ngoài ra, các chi phí vận hành, bảo dưỡng và giám sát môi trường trong quá trình vận hành lò đốt thường cao hơn so với các công nghệ khác. Do đó, công nghệ đốt CTYT lây nhiễm đang được thay thế bằng công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường. Trên thực tế, các công nghệ không đốt đang được áp dụng tại một số quốc gia phát triển như Mỹ, Canađa, Đức, Bồ Đào Nha, Ai-len...

Lò plasma số 1 tại Nhà máy xử lý rác Thành Quang (Đông Anh, TP. Hà Nội)

   Hiện nay, các phương pháp đang được áp dụng để xử lý CTYT lây nhiễm là: Phương pháp nhiệt độ thấp sử dụng hơi ẩm (nồi hấp khử trùng, nồi hấp cải tiến, thiết bị vi sóng); Phương pháp nhiệt độ thấp sử dụng khí khô (phun khí nóng với tốc độ cao, gia nhiệt khô); Phương pháp nhiệt độ trung bình; Phương pháp nhiệt độ cao (nhiệt phân ôxy hóa, nhiệt phân plasma); Phương pháp hóa học (khử trùng bằng hợp chất có chlorine, khử trùng bằng hóa chất không chứa chlorine, đóng gói và trơ hóa); Phương pháp sinh học; Phương pháp phóng xạ (hiện nay ít được áp dụng).

   Ngoài các phương pháp nêu trên, phương pháp chôn lấp cũng được coi là phương pháp không đốt được áp dụng để xử lý CTYT lây nhiễm (chất thải lây nhiễm sắc nhọn, chất thải giải phẫu) tại một số nước đang phát triển, nhưng phương pháp này không được khuyến khích áp dụng do có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu không tuân thủ đúng quy trình, quy định về hố chôn lấp. Về mặt nguyên lý, chất thải sắc nhọn có thể xử lý bằng các phương pháp nhiệt độ thấp, hóa học. Tuy nhiên, phương pháp này mới chỉ loại bỏ được yếu tố lây nhiễm mà chưa loại bỏ được yếu tố sắc nhọn. Phần lớn, các phương pháp xử lý CTYT lây nhiễm đang áp dụng hiện nay là phương pháp nhiệt độ thấp và phương pháp hóa học.

   Xu hướng phát triển công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường

   Ở Việt Nam hiện nay đã áp dụng công nghệ không đốt (sử dụng phương pháp nhiệt độ thấp như nồi hấp khử trùng hoặc thiết bị vi sóng) để xử lý CTYT lây nhiễm và đã chứng minh được hiệu quả xử lý. Việc áp dụng các công nghệ không đốt trong xử lý CTYT lây nhiễm thay thế cho công nghệ đốt hiện nay là rất cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Stốckhôm về giảm phát thải không chủ định các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ công nghệ đốt. Tháng 8/2004, trong tài liệu "Chính sách quản lý an toàn CTYT", Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra các chính sách nhằm khuyến cáo các quốc gia quan tâm đến quản lý CTYT, theo đó khuyến khích sử dụng các thiết bị bằng công nghệ không đốt để xử lý chất thải rắn y tế thay thế cho công nghệ đốt.

   Nhìn chung, tại các bệnh viện có quy mô xử lý nhỏ, phân tán như hiện nay thì công nghệ không đốt có những ưu điểm so với công nghệ đốt. Có thể thấy, một số lợi ích về kinh tế và môi trường khi áp dụng công nghệ không đốt trong xử lý CTYT lây nhiễm như: Chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn công nghệ đốt; Đặc biệt không làm phát sinh khí thải dioxin và furan; Một số loại chất thải lây nhiễm bằng vật liệu nhựa sau khi khử khuẩn an toàn có thể tái chế đem lại các lợi ích kinh tế cho xã hội…

   Hiện nay, các công nghệ không đốt được sử dụng ở Việt Nam để xử lý CTYT lây nhiễm chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong tương lai, để theo kịp với xu hướng chung của thế giới, các nhà sản xuất công nghiệp của Việt Nam cần có chiến lược nghiên cứu, thông qua hợp tác liên doanh với các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ nhằm tiến tới tự chủ sản xuất công nghệ xử lý CTYT thân thiện với môi trường.

Phan Thị Lý

Bộ Y tế

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)

Ý kiến của bạn