Banner trang chủ

Giải pháp quản lý và sử dụng bền vững hệ sinh thái Ðầm Nại

05/05/2016

   Đầm Nại nằm phía Đông Bắc của TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận có diện tích tự nhiên khoảng 1.200 ha. Đây là đầm phá kiểu nhiệt đới khô hạn ven biển điển hình, với hệ sinh thái (HST) rừng ngập mặn (RNM) và nguồn lợi thủy hải sản phong phú…

   Hiện trạng HST Đầm Nại

   Hiện nay, diện tích vùng triều ven đầm giảm khoảng 300 - 400 ha, đáy đầm đã bị bùn hóa. Tỷ lệ bùn tăng từ 12 - 25% và bùn cát tăng từ 13 - 33%. Do đó, HST thảm cỏ biển đã bị thu hẹp, nguồn lợi hải sản suy giảm nghiêm trọng. Sản lượng khai thác các loài động vật đáy giảm hàng chục lần và các loại cá giảm 50%.

   Đặc biệt, việc mở rộng các khu nuôi trồng thủy sản đã làm mất đi diện tích vùng triều ven đầm. Trong khoảng 30 - 40 năm qua, với thảm RNM tươi tốt chiếm diện tích 500 ha đã bị chuyển đổi thành các đầm nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, việc xả thải từ các hoạt động kinh tế và dân sinh ven đầm không được kiểm soát và xử lý, làm nông hóa và ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Nguồn gốc các chất thải vào đầm Nại chủ yếu từ chất thải sinh hoạt. Số liệu điều tra tham vấn cộng đồng cho thấy, dân số trong 5 xã và thị trấn quanh đầm Nại khoảng 55.000 người trong đó, có khoảng 15% số hộ không có nhà vệ sinh và 5% chất thải rắn không được thu gom. Mặt khác, phần lớn nước thải sinh hoạt từ các cống thải cũng đổ trực tiếp vào đầm Nại đã làm cho hàm lượng chất dinh dưỡng phốt phát, nitơrat và ecoli cao kéo theo sự suy giảm chất lượng nước.

   Ngoài ra, chất thải từ hoạt động nông nghiệp ven đầm do người dân sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng nước trong đầm. Lượng phân N được sử dụng cho chăm sóc lúa và rau màu, cây ăn quả ven đầm khoảng 187 - 556 kg/ha/năm, phân lân (P) với 87 - 250kg/ha/năm.

Các hộ dân trồng rừng ngập mặn, phục hồi hệ sinh thái đầm Nại

   Giải pháp quy hoạch và quản lý đầm Nại

   Thứ nhất, quy hoạch đầm Nại trên cơ sở phục hồi các chức năng của HST: Căn cứ vào các chức năng sinh thái của HST đầm Nại, việc quy hoạch định hướng theo phân vùng phục hồi chức năng sẽ dựa vào việc xác định các hoạt động sản xuất kinh tế ven đầm phù hợp với đặc trưng sinh thái học, nhằm sắp xếp lại các hoạt động sản xuất và đảm bảo phục hồi các HST đặc trưng trong đầm.

   Để phục hồi HST đầm Nại, cần phục hồi các HST thành phần đảm nhận các chức năng quan trọng trong đầm Nại theo các thứ tự ưu tiên như HST vùng triều, RNM, các thảm cỏ biển và các HST khác trong thủy vực. Đồng thời, cần quy hoạch định hướng, sắp xếp lại các hoạt động kinh tế khai thác tài nguyên của HST đầm Nại, nhằm hài hòa lợi ích giữa các ngành, các nhóm trong cộng đồng.

   Thứ hai, quản lý tổng hợp nhằm sử dụng bền vững HST đầm Nại: Quản lý tổng hợp đầm sẽ giảm thiểu được mâu thuẫn giữa các ngành trong quá trình phát triển. Cụ thể như trong quy hoạch đầm Nại sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa các ngành du lịch, vận tải cảng biển, công nghiệp khai thác, chế biến và nuôi trồng hải sản... Vấn đề quan trọng là cách nhìn tổng thể để quản lý hài hòa, chia sẻ lợi ích giữa các nhóm cộng đồng cùng hưởng thụ dịch vụ từ HST.

   Cần xác định quản lý tổng hợp là cơ sở quan trọng khi phê duyệt phương án quy hoạch tổng thể của địa phương. Các ngành và cộng đồng có lợi ích liên quan đến đầm Nại cần tính toán phù hợp với quy luật phát triển và diễn biến tự nhiên của HST đầm. Các yêu cầu quản lý vùng đầm Nại sẽ là cơ sở để đưa ra một thể chế như một Ủy ban tư vấn quyết định các vấn đề liên ngành, giải quyết các mâu thuẫn trong phạm vi huyện, tỉnh và toàn quốc phù hợp với các chức năng vốn có của HST đầm, hồ ven biển.

   Thứ ba, tổ chức quản lý và sử dụng khôn khéo diện tích vùng triều: Phục hồi, tổ chức quản lý qua các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất giữa các chủ thể đang sử dụng vùng triều sao cho khai thác đạt hiệu quả kinh tế và môi trường sinh thái phù hợp với quy hoạch được duyệt dựa vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên cơ sở khoa học là phù hợp với chức năng sinh thái.

   Thứ tư, tăng cường bảo tồn nguồn lợi tự nhiên thông qua bảo vệ các sinh cảnh trong đầm và thả bổ sung nguồn giống hàng năm cho phát triển tái tạo trong dài hạn; Hài hòa lợi ích giữa các nhóm dân cư bằng cách chi trả dịch vụ cho tổ chức và cá nhân phục hồi và duy trì các chức năng sinh thái của HST đầm.

   Bên cạnh đó, cần tiến hành xây dựng các mô hình quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng, như mô hình trồng, chăm sóc, bảo vệ RNM; mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng…

   Thứ năm, thu gom và xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt trước khi thải ra đầm: Kiểm soát ô nhiễm dầu từ các tàu thuyền đi lại ở vùng cửa sông ven đầm. Ngăn chặn các hành vi thải trực tiếp các chất ô nhiễm ra đầm thông qua hệ thống sông, kênh mương.

Nguyễn Đức Thế

Viện Tài nguyên và Môi trường biển

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

Ý kiến của bạn