Banner trang chủ

Giải pháp của Hà Nội trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy

01/07/2014

     Thời gian qua, vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường nước đã được đưa vào trong nhiều văn bản pháp luật về BVMT, đặc biệt là Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông (LVS) Nhuệ - sông Đáy, trong đó nhấn mạnh trọng tâm của công tác kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN) LVS Nhuệ - sông Đáy với các nguyên tắc và định hướng: Phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường là chính, kết hợp với từng bước xử lý, khắc phục hiệu quả những điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên lưu vực, thông qua nhiều hình thức và giải pháp phù hợp, khả thi; Huy động tối đa mọi nguồn lực của các địa phương trên LVS kết hợp với sự hỗ trợ của Trung ương cho công tác BVMT…

     Nhận thức được tầm quan trọng của công tác KSONN LVS Nhuệ - sông Đáy, trong những năm qua, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường đối với các LVS trên địa bàn TP. Cụ thể: Đề án các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp BVMT TP đến năm 2020; Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP; Kế hoạch phát triển hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị TP. Hà Nội giai đoạn đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn TP; Đề án quản lý BVMT, quản lý sử dụng đất LVS Nhuệ…

     Để thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở TN&MT Hà Nội đã phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp như:

     Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT: Đây là vấn đề cốt lõi để định hướng phát triển và BVMT bền vững, do đó thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông, chiến dịch, sự kiện thường niên về môi trường: Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày chủ nhật không sử dụng túi nilông”,….; Tổ chức hội nghị, tập huấn, thực hiện chương trình tuyên truyền và nâng cao nhận thức về BVMT; Phối hợp với các cơ quan truyền thông (truyền hình, báo chí), Ban Tuyên giáo Thành ủy và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chương trình tuyên truyền về BVMT;

     Công tác kiểm soát ô nhiễm LVS: Thực hiện công tác điều tra, khảo sát hiện trạng các cửa xả trực tiếp vào trục chính sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn các quận, huyện đang được triển khai tích cực để xây dựng biện pháp kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải.

     Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT: Trong năm 2013 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 263 cơ sở hoạt động trên LVS, xử lý vi phạm đối với 119 cơ sở, tổng số tiền phạt là 2.556.200.000 đồng.

     Công tác xử lý ô nhiễm môi trường: Để cải thiện chất lượng môi trường của các sông hiện nay, TP. Hà Nội đã tích cực triển khai các dự án xử lý nước thải trọng tâm, cụ thể: Triển khai đồng bộ hệ thống thu gom nước thải và đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) quy mô lớn trên địa bàn TP (đưa vào vận hành NMXLNT Yên Sở, công suất 200.000 m3/ngày); xử lý nước thải cho sông Kim Ngưu và sông Sét; xây dựng NMXLNT Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày); triển khai chuẩn bị đầu tư xây dựng NMXNT Yên Xá (công suất 270.000 m3/ngày); NMXLNT Phú Đô (công suất 84.000 m3/ngày), NMXLNT Đầm Bảy - Hồ Tây (công suất 15.000m³/ngày đêm); NMXLNT sinh hoạt và làng nghề tại huyện Hoài Đức: Dương Liễu (công suất 13.000 m3/ngày), Vân Canh (công suất 4.000 m3/ngày), Sơn Đồng (công suất 8.000 m3/ngày)….

 

Thanh niên tình nguyện thu gom rác thải trên trên tuyến hành lang thoát nước dọc hai bờ sông Nhuệ

 

     Cùng với đó, TP đã tập trung đầu tư các dự án cải tạo nạo vét và xây dựng hệ thống thủy lợi liên quan trong LVS Nhuệ - sông Đáy như: Khai thác sử dụng các trạm bơm Ngoại Độ 2; trạm bơm Yên Sở giai đoạn 2, đồng thời, triển khai các dự án: Xây dựng trạm bơm Tiêu Yên Nghĩa; Cụm đầu mối Liên Mạc; trạm bơm Đông Mỹ; Yên Thái; Cổ Nhuế, Đồng Bông 1 và 2; Dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp với làm đường giao thông cải thiện môi trường, gắn với chỉnh trang sông Nhuệ từ cống Hà Đông đến đường Vành đai 4 (huyện Thường Tín)...

     Để triển khai có hiệu quả hơn nữa công tác BVMT, KSONN, đặc biệt là đối với LVS Nhuệ - sông Đáy, UBND TP có một số đề xuất, kiến nghị sau:

     Xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và kinh phí sự nghiệp kinh tế của Trung ương và địa phương, cụ thể ưu tiên cho các dự án đầu tư cho LVS Nhuệ - sông Đáy; Báo cáo Chính phủ bố trí kinh phí triển khai thực hiện Đề án theo Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020; Lập Quy hoạch mạng lưới quan trắc chất lượng nước sông Nhuệ - sông Đáy; Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tập trung nghiên cứu việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề một cách đồng bộ từ cơ chế, chính sách và công nghệ xử lý, làm cơ sở cho các địa phương tiếp tục hoàn thiện để triển khai thực hiện trong những năm tới.

     Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy chế hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm của các thành viên Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy, các Bộ, ngành có liên quan và chính quyền các cấp của 5 tỉnh, TP trong LVS; Tăng cường vai trò tham mưu của Văn phòng Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - sông Đáy trong việc triển khai các dự án ưu tiên có tính chất liên vùng, liên tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg.

     Mặt khác, hướng dẫn và bố trí kinh phí từ nguồn của Trung ương đầu tư cho các dự án, nhiệm vụ để tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 937/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ.

 

Phạm Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

Ý kiến của bạn