Banner trang chủ

Ứng dụng mô hình phân tích tổng hợp đánh giá hiện trạng môi trường huyện Ðồng Văn, Hà Giang

21/11/2016

   Đồng Văn là huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, có tổng diện tích tự nhiên 45.171,22 ha, cách trung tâm tỉnh khoảng 150 km. Dân cư sinh sống chủ yếu là dân tộc Mông (chiếm 87,2%), trình độ dân trí thấp, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tập quán sản xuất lạc hậu. Hiện nay, môi trường huyện Đồng Văn đang bị ô nhiễm do các nguồn thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người. Thêm vào đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt do rừng bị khai thác quá mức. Do vậy, việc ứng dụng mô hình phân tích tổng hợp (DPSIR) để đánh giá hiện trạng môi trường trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế huyện Đồng Văn, từ đó đề xuất những giải pháp BVMT cho địa phương là cần thiết.

   Theo Thông tư số 08/2010/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định việc xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh phải tuân theo mô hình DPSIR, nhằm đánh giá hiện trạng và xu hướng biến đổi chất lượng môi trường, đảm bảo tính phòng ngừa của công tác quản lý môi trường. Mô hình DPSIR mô tả mối quan hệ tương hỗ giữa động lực (phát triển kinh tế - xã hội), áp lực (các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm và suy thoái môi trường), hiện trạng (hiện trạng chất lượng môi trường), tác động (tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe cộng đồng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái), đáp ứng (các chính sách của nhà nước để BVMT).

   Áp dụng các tiêu chí của mô hình DPSIR để đánh giá hiện trạng môi trường huyện Đồng Văn, Hà Giang cho thấy, hiện nay, do dân số của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn tăng nhanh, với hơn 65.124 người (năm 2015), kéo theo chất thải sinh hoạt gia tăng. Các tính toán dựa trên tốc độ gia tăng dân số tự nhiên của huyện cho thấy, mỗi năm lượng rác thải phát sinh lên đến 1.200 tấn/năm. Trong khi đó, chỉ có 2 lò đốt rác thải sinh hoạt (Đồng Văn; Sủng Là), nên số lượng rác thải được thu gom tại 2 thị trấn (Đồng Văn, Phó Bảng) và các xã trên địa bàn chủ yếu là chôn, đốt.

   Ngoài ra, trung bình mỗi người dân sử dụng từ 110 - 120 lít nước/ngày đêm, với lượng thải ra bằng 90% lượng sử dụng thì lưu lượng nước thải sinh hoạt của khu vực đồng bào Mông từ 6.447 - 7.033 m3/ngày, đêm. Theo báo cáo Hiện trạng môi trường tổng thể tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2015, qua phân tích mẫu nước tại cống thải thị trấn Đồng Văn, chỉ tiêu BOD5 vượt ngưỡng cho phép theo quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT từ 1,2 - 1,6 lần; chỉ tiêu coliform vượt ngưỡng cho phép từ 1,6 - 1,9 lần.

   Bên cạnh đó, chất thải từ những hoạt động sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Mông cũng gây ô nhiễm môi trường. Để tăng năng suất cây trồng, người dân sử dụng thuốc trừ sâu và lượng lớn phân bón hóa học. Việc sử dụng lượng phân bón hóa học vượt quá khả năng hấp thụ của đất sẽ bị rửa trôi theo dòng chảy vào các ao hồ, kênh mương, đặc biệt sự tăng lên hàm lượng đạm và kali trong nước sẽ ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh, làm ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, các vỏ hóa chất bảo vệ thực vật sau khi sử dụng để lại bừa bãi trên nương, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường.

Lượng chất thải chăn nuôi năm 2015 của đồng bào dân tộc Mông huyện Đồng Văn

Loại gia súc, gia cầm

Định mức thải

Số lượng

Khối lượng chất thải

(kg/con.ngày)

(con)

(tấn/ngày)

Trâu

7,36

1.095

 8,059

6,13

20.188

 123,752

Lợn

1,76

24.993

 43,988

0,5

19.081

 9,541

Gia cầm

0,029

205600

 5,962

Nguồn: Báo cáo kinh tế - xã hội của huyện Đồng Văn

   Trong khi đó, lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm của đồng bào dân tộc Mông cũng ngày càng gia tăng. Do tập quán sinh hoạt truyền thống, người Mông thả gia súc tự nhiên, không làm chuồng trại, nên phân gia súc thải trực tiếp ra môi trường. Năm 2015, chỉ tính riêng hoạt động chăn nuôi lợn và trâu bò đã có khoảng 77 triệu lít nước thải, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

   Mặt khác, do nhận thức về vệ sinh môi trường của đồng bào còn chưa cao, xây dựng nhà tiêu ở gần nhà, trong khi điều kiện sống thiếu nước vào mùa khô hạn dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Phần lớn đồng bào bị nhiễm các bệnh về đường tiêu hóa như bệnh tả, tiêu chảy và nhiễm khuẩn đường ruột khác.

Nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn gây ô nhiễm môi trường

   Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương cần thực hiện những giải pháp BVMT:

   Thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

   Thành lập tổ thu gom rác trên địa bàn, giảm tình trạng người dân đổ chất thải ra đường, bờ ruộng, kè sông. Hoàn thiện đường cống dẫn nước thải tập trung trong các cụm dân cư; xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

   Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, thiết kế xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo các mô hình, hiện đại; đặc biệt, xung quanh các trang trại và lò giết mổ phải trồng cây xanh để giảm tiếng ồn và hạn chế mùi hôi.

   Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ phát triển chương trình bioga xử lý chất thải động vật, tạo chất đốt phục vụ sinh hoạt và BVMT. Áp dụng công nghệ chăn nuôi trên “đệm lót sinh học” đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế.

   Cập nhật phổ biến thông tin về y tế, chăm sóc sức khỏe trên các phương tiện truyền thông của xã thông qua các buổi họp, sinh hoạt trong xã, thôn, bản nhằm nâng cao ý thức và hiểu biết của người dân để phòng chống bệnh tật. Thực hành sử dụng tiết kiệm nước, tránh lãng phí nước sạch trong sinh hoạt, sản xuất.

   Nghiên cứu các giải pháp tích trữ nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn phù hợp với điều kiện tự nhiên; khai thác nước ngầm như khoan, đào giếng, khai thác nước từ sông, suối...

   Tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo cho các hộ dân để thay đổi nhận thức và nâng cao trách nhiệm trong BVMT. Khuyến khích người dân tham gia BVMT, đưa vào trong Quy ước xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới của từng xã.

   Kiểm tra, xử phạt khi phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường theo đúng quy định pháp luật hiện hành; Đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng nhằm hạn chế tác động xấu của thiên tai.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hà

Viện Địa lý nhân văn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2016)

Ý kiến của bạn