Banner trang chủ

Ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường - yếu tố tiên quyết cho một tương lai xanh

28/08/2017

   Sự phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) tại Hà Tĩnh đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác BVMT, đặc biệt là kiểm soát ô nhiễm, ứng phó sự cố môi trường. Từ thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về BVMT trong những năm qua tại Hà Tĩnh cho thấy, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong BVMT ngày càng trở nên quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý môi trường.

Dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt của Nhà máy chế biến rác thải Cẩm Quan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)

   KH&CN phục vụ hiệu quả công tác quản lý môi trường

   Trong thời gian qua, KH&CN đã có những đóng góp tích cực vào công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án KH&CN đã cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng về thực trạng tài nguyên, các nguồn thải trên địa bàn tỉnh, phục vụ hiệu quả cho công tác dự báo, quy hoạch và quản lý nhà nước về BVMT. Các quy hoạch lớn của ngành như Quy hoạch tài nguyên nước, Quy hoạch BVMT, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030... đều được xây dựng trên nền tảng dữ liệu từ các đề tài nghiên cứu khoa học đã được thực hiện trước đó.

   Bên cạnh đó, những ứng dụng KH&CN góp phần nâng cao hiệu quả công tác quan trắc và kiểm soát chất lượng môi trường. Năm 2006, Sở TN&MT đã thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát ô nhiễm môi trường tại tỉnh Hà Tĩnh”. Sau 2 năm triển khai nghiên cứu, phần mềm ENVIMHTi đã hoàn thiện và hiện đang được ứng dụng trong công tác quan trắc môi trường một cách có hệ thống, cung cấp các công cụ xử lý số liệu hiệu quả, giúp cho công tác dự báo, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, sự cố môi trường.

Xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu tại xóm 8, xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên) bằng công nghệ tiên tiến của CHLB Đức

   Thời gian gần đây, sự phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đặt ra những thách thức lớn đối với công tác kiểm soát các nguồn thải, đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng những công nghệ mới, hiện đại phục vụ cho công tác quan trắc, giám sát nguồn thải. Vì vậy, Sở TN&MT đã đầu tư và đưa vào vận hành Trung tâm điều hành trạm quan trắc tự động. Hiện nay, Trung tâm điều hành đã thực hiện kết nối truyền nhận dữ liệu 24/24h với các trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động của các đơn vị có nguồn phát thải lớn như Dự án Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh. Đồng thời, Sở cũng xây dựng phần mềm giám sát xe vận chuyển chất thải thông qua việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS).

   Ứng dụng tiến bộ KH&CN để cải thiện ô nhiễm môi trường

   Những năm qua, tại Hà Tĩnh, nhiều công nghệ mới đã được nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xử lý chất thải. Trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bên cạnh phương pháp chôn lấp, tỉnh đã nghiên cứu, chuyển giao một số công nghệ xử lý tiên tiến như công nghệ ủ phân vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ, áp dụng tại Nhà máy chế biến rác thải Cẩm Quan và Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn; công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu (LOSIHO, SANKYO... hiện đã lắp đặt tại 6 xã trên địa bàn tỉnh). Ngoài ra, các loại chế phẩm sinh học như EM, L2100CHV, Sagi Bio-1, Hatimic... cũng được sử dụng rộng rãi để giảm thiểu mùi hôi, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tại các bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn tỉnh. Những giải pháp trên đã giúp giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương, góp phần tiết kiệm quỹ đất dùng cho việc chôn lấp,tận thu nguồn tài nguyên từ rác để tạo ra các sản phẩm hữu ích, có giá trị kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong BVMT.

   Cùng với đó, lượng chất thải công nghiệp (CTCN) và chất thải nguy hại (CTNH) của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã tăng nhanh chóng về số lượng, với thành phần ngày càng phức tạp. Trước đây, CTCN và CTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh đều phải thuê đơn vị thu gom, vận chuyển đến các tỉnh khác để xử lý. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp do chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải cao, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do chất thải tồn đọng không được thu gom kịp thời. Tháng 8/2016, Nhà máy chế biến rác thải công nghiệp Hà Tĩnh tại xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh) có công suất 1.060 tấn/ngày được lắp đặt dây chuyền công nghệ tiên tiến đã chính thức đi vào hoạt động. Sự ra đời của Nhà máy góp phần giải quyết khó khăn trong xử lý CTCN và CTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh, từng bước khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất công nghiệp.

   Ngoài ra, vệc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN, cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến cũng là giải pháp quan trọng để xử lý chất thải y tế tại Hà Tĩnh. Toàn tỉnh có 6 bệnh viện tuyến tỉnh và 13 bệnh viện tuyến huyện, phát sinh khoảng 787 m3/ngày, đêm nước thải. Đến nay, hầu hết, các bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, sử dụng các công nghệ xử lý bằng sinh học như Aeroten, màng lọc sinh học AAO... nên kết quả xử lý nước thải y tế đã đáp ứng quy chuẩn hiện hành. Đối với chất thải y tế, trước đây, phần lớn chất thải y tế nguy hại được xử lý bằng phương pháp đốt bằng công nghệ lò đốt 2 buồng (lò CHUWASTAR - công nghệ Nhật Bản; lò ATI - công nghệ Pháp; lò INCINER 8 - công nghệ Anh). Hiện nay, với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, tỉnh đã triển khai lắp đặt và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải y tế bằng thiết bị hấp nhiệt ướt tại 3 bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn). Đây là công nghệ mới, tiên tiến, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường và quản lý vì chi phí đầu tư, vận hành thấp hơn phương pháp thiêu đốt; không phát sinh khí thải độc hại, đặc biệt là dioxin và furan...

   Không chỉ ứng dụng KH&CN trong xử lý chất thải, thời gian qua, tỉnh cũng triển khai các giải pháp, công nghệ tiên tiến, phù hợp để xử lý đất ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu. Theo kết quả điều tra, thống kê trên địa bàn tỉnh có hơn 135 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu, trong đó có nhiều điểm ô nhiễm nằm trong khu dân cư, trường học... ảnh hưởng đến môi trường, đời sống và sức khỏe của người dân. Thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã phối hợp với các Sở/ngành, địa phương xây dựng một số dự án xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu bằng nhiều công nghệ khác nhau như hóa học kết hợp với chôn lấp và công nghệ sinh học. Trong đó, Dự án xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu tại xóm 8, xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên đã áp dụng chế phẩm sinh học Percol theo công nghệ của CHLB Đức, đây là công nghệ lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam và đã được Bộ KH&CN thẩm định. Đến nay, Dự án đã hoàn thành xử lý bằng chế phẩm sinh học Percol đối với 3.600 tấn đất ô nhiễm hóa chất BVTV, hiện đang triển khai giai đoạn xử lý bằng thực vật. Sau khi kết thúc, Dự án sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá công nghệ trên để làm cơ sở nhân rộng nhằm xử lý đất bị ô nhiễm tại các điểm tồn lưu hóa chất BVTV khác.

   Giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong công tác BVMT

   Bên cạnh những đóng góp tích cực trên, công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN trong BVMT tại Hà Tĩnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Số lượng đề tài khoa học cấp tỉnh hàng năm về lĩnh vực BVMT ít, trình độ chuyên môn về KH&CN của cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công tác quản lý môi trường…

   Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao ứng dụng KH&CN trong xử lý môi trường, thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của KH&CN, đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường để áp dụng rộng rãi và hiệu quả trong xử lý môi trường; Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý môi trường các cấp và cán bộ vận hành hệ thống xử lý môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, bệnh viện, khu, cụm công nghiệp... về ứng dụng KH&CN trong xử lý môi trường; Có chính sách thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý khoa học nghiên cứu, ứng dụng KH&CN sinh học trong phát triển kinh tế và BVMT; Cập nhật, phổ biến thông tin về các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và BVMT để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn đầu tư.

   Với những vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường, việc phát triển và tăng cường ứng dụng KH&CN sẽ là yếu tố tiên quyết cho một tương lai xanh, đảm bảo phát triển bền vững tại Hà Tĩnh.

Võ Tá Đinh

Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017

Ý kiến của bạn