Banner trang chủ

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý chất lượng không khí

08/08/2016

   Hiện nay, chất lượng không khí đang có dấu hiệu ô nhiễm do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để quản lý chất lượng không khí là cần thiết. Trong những năm gần đây, Công ty Environmental Source Samplers Incs (ESS) đã đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam về chuyển giao khoa học công nghệ trong kiểm soát khí thải, góp phần BVMT bền vững. Để tìm hiểu về công tác phát triển dịch vụ quan trắc, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Mark D.Looney - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Trưởng đại diện Công ty ESS tại Việt Nam về vấn đề này.

Ông Mark Looney,
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Trưởng đại diện
Công ty ESS tại Việt Nam

   Xin ông cho biết một số hoạt động của Công ty về phát triển dịch vụ quan trắc khí thải?

   Ông Mark D.Looney: ESS là đơn vị tư vấn quốc tế trên lĩnh vực môi trường, được thành lập vào năm 1979 tại Mỹ (North Carolina). Hiện Công ty có 6 văn phòng đại diện đặt tại 4 quốc gia: Việt Nam (có 2 văn phòng ở TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh), Philíppin (Manila), Trung Quốc (Guangzhou), Hàn Quốc (Seoul). Công ty ESS chuyên cung cấp dịch vụ quan trắc khí thải và đo đạc tại nguồn, áp dụng công nghệ tiên tiến, với hệ thống thiết bị hiện đại, phần mềm thu thập dữ liệu, cáp nối trung tâm và hệ thống điều hòa.

   Tại châu Á, Công ty ESS triển khai lắp đặt các thiết bị tự động lấy mẫu từ ống khói của các nhà máy công nghiệp; phân tích môi trường không khí bên trong và bên ngoài các cơ sở công nghiệp; đánh giá hiệu suất tại nhà máy nhiệt điện; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải liên tục tại nguồn, hệ thống được quy định bắt buộc với các nhà máy công nghiệp; thiết kế, lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc môi trường xung quanh liên tục; tổ chức các khóa đào tạo cán bộ quan trắc môi trường (QTMT) về đo khí thải công nghiệp... Các hệ thống thiết bị của Công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các Tiêu chuẩn quốc tế về môi trường như hệ thống giám sát lưu lượng và độ đục tuân thủ quy định phát thải và quy trình giám sát (CEMS AMP - cherokee) ; Hệ thống quan trắc liên tục mật độ bụi (CEMS); Thiết bị đo cảm biến chất lượng không khí (Aeroqal)… Mặt khác, các thiết bị QTMT của Công ty có thể đo liên tục các chất ô nhiễm không khí phổ biến như O3, NO2, CO… và đưa ra các thông số khí tượng như mưa, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ và hướng gió. Hệ thống thiết bị này được lắp đặt liên kết trong một mạng lưới, kết hợp với thu thập dữ liệu từ xa tạo thành hệ thống giám sát môi trường xung quanh, phù hợp đối với quy mô TP hay khu công nghiệp. Ngoài ra, Công ty còn cung cấp hệ thống dữ liệu định dạng điện tử 24/24 giờ, gửi báo cáo quan trắc trực tiếp tới khách hàng với các nội dung: Kết quả, địa điểm lấy mẫu, bảng dữ liệu hiện trường, dữ liệu hoạt động, dữ liệu phòng thí nghiệm và hiệu chuẩn.

   Để đảm bảo yêu cầu chất lượng, Công ty có 1 phòng thí nghiệm đặt tại Hà Nội, với 21 m2 đáp ứng nhu cầu phân tích các mẫu như: Phân tích bụi và kim loại, thủy ngân; Chuẩn độ SO2, H2S, H2SO4; phân tích hợp chất bằng ion và xác định yếu tố phản ứng của các chất. Với mục tiêu thử nghiệm chất lượng khí thải, lấy mẫu và báo cáo dữ liệu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Công ty sẽ bảo mật dữ liệu một cách nghiêm ngặt theo căn cứ thông số kỹ thuật ISO 17025.

   Để quản lý chất lượng không khí, Việt Nam cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Vậy, ông có thể giới thiệu một số công nghệ về hệ thống giám sát và quan trắc khí thải đã được Công ty áp dụng ở Việt Nam?

   Ông Mark D.Looney: Việt Nam đang đứng ở ngưỡng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt tại những khu đông dân cư như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, tình trạng ô nhiễm không khí hiện đang có dấu hiệu tăng lên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là sự gia tăng số lượng ô tô, xe máy. Ngoài ra, các công trình xây dựng cũng làm gia tăng nồng độ bụi. Theo số liệu của Trung tâm quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường), giá trị bụi PM10 và PM2,5 tăng cao tại một số thời điểm.

   Do đó, để quản lý chất lượng không khí, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần phải lắp đặt hệ thống giám sát môi trường không khí xung quanh liên tục để quan trắc các chỉ số ô nhiễm. Hiện Công ty ESS đã lắp đặt hệ thống giám sát môi trường không khí tại Đại sứ quán Mỹ ở TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh; Trường Quốc tế Liên hợp quốc tại khu Ciputra - Hà Nội; Viện TN&MT tỉnh Bình Dương. Ưu điểm nổi bật của hệ thống này là giúp cho các trường học và đơn vị cập nhật được các chỉ số môi trường xung quanh có tính chất ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như TSP, PM2,5, PM10… từ đó có những kế hoạch hay biện pháp điều chỉnh hoạt động hàng ngày. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của chất lượng không khí và giúp các nhà quản lý đưa ra những chính sách, giải pháp BVMT hiệu quả.

Nhà máy Ethanol Đông Âu được Công ty ESS kiểm tra phát thải trước khi đưa vào vận hành

   Được biết, trong những năm gần đây, Công ty đã triển khai nhiều dự án điển hình về xử lý mẫu khí thải đặc biệt nguy hại mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Ông có thể cho biết về kết quả, cũng như những thách thức, khó khăn của Công ty khi triển khai các dự án này?

   Ông Mark D.Looney: Từ năm 2005 đến nay, Công ty ESS đã thực hiện nhiều dự án về QTMT, trong đó điển hình là Dự án lấy mẫu khí thải đặc biệt và nguy hại tại khu vực địa lý xa bờ. Dự án do Trung tâm Giám sát môi trường Mỹ đặt hàng, với mục tiêu phân loại đất bị ảnh hưởng, đo khí thải từ quá trình xử lý, giám sát không khí xung quanh tại khu vực đất bị nhiễm độc, đóng gói và vận chuyển mẫu, báo cáo các thông số đạt ngưỡng an toàn. Khi triển khai Dự án, Công ty cũng gặp một số thách thức như: Dự án ở khu vực xa, không khí nóng bức, tạo áp lực về nhiệt đối với các kỹ sư, không có dịch vụ thương mại. Đây cũng là Dự án có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Sau 1 năm triển khai, Dự án đã thu được kết quả tích cực, các hóa chất độc hại và chất ô nhiễm từ đất của khu vực này được xử lý đạt ngưỡng an toàn và không ảnh hưởng tới con người, động thực vật.

   Ngoài ra, một dự án khác cũng được đánh giá cao là Dự án kiểm tra phát thải trước khi đưa vào vận hành Nhà máy Ethanol Đông Âu. Đây là Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng phát triển đa phương (Mỹ) và Tổng Công ty Đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC). Mục tiêu của Dự án nhằm kiểm tra phát thải trước khi đưa vào vận hành các bộ phận của Nhà máy, bao gồm: Khu vực sản xuất ethanol sinh học, Nhà máy điện, Nhà máy làm khô, khung xe tải và chất oxy hóa nhiệt, hấp thụ các bon dioxit; nghiên cứu về môi trường xung quanh khu vực Nhà máy. Tuy nhiên, khi triển khai, Dự án gặp một số thách thức như: Dự án nằm tại một khu vực hẻo lánh ở Đông Âu, với địa hình hiểm trở nên việc vận chuyển thiết bị, giao thông đi lại khó khăn. Mặc dù thế, kết quả kiểm tra những mẫu thu được và môi trường không khí xung quanh Nhà máy đều đạt ngưỡng an toàn. Khi đi vào hoạt động, mỗi năm Nhà máy tiêu thụ 575 nghìn tấn ngô, sản xuất 240 triệu lít ethanol sinh học và sản xuất 175 nghìn tấn hạt ngô chưng cất khô, tạo công ăn việc làm cho 680 công nhân.

   Trong thời gian tới, Công ty sẽ triển khai những hoạt động gì để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ trong kiểm soát khí thải tại Việt Nam, thưa ông?

   Ông Mark D.Looney: Việt Nam đã hoàn thiện các quy định pháp luật về phát triển dịch vụ QTMT, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với chủ trương xã hội hóa dịch vụ QTMT. Đây là những điều kiện thuận lợi để Công ty tiếp tục triển khai kế hoạch dài hạn ở Việt Nam. Đặc biệt, mới đây tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường và Công ty ESS đã phối hợp tổ chức Hội thảo ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý chất lượng không khí.

   Trong thời gian tới, Công ty ESS sẽ tổ chức Chương trình hợp tác về QTMT với Việt Nam, nhằm tăng cường trao đổi các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực môi trường. Qua đó, đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ trong kiểm soát khí thải tại Việt Nam, cũng như tìm các cơ hội cùng phát triển và tăng cường năng lực mỗi bên.

   Bên cạnh đó, hàng năm, Công ty sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo định kỳ, đây là cầu nối mang đến những thiết bị, phương pháp mới về QTMT của các tổ chức ở Mỹ hay châu Âu để phát triển tại thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Cùng với đó, Công ty cũng tổ chức khóa đào tạo cho các cán bộ QTMT của Việt Nam do các kỹ sư đầu ngành về môi trường của Mỹ giảng dạy.

   Mặt khác, Công ty ESS đã và đang xây dựng những kênh đối thoại với các nhà quản lý môi trường Việt Nam, từ đó ESS có thể tư vấn cho các tổ chức, cơ quan quản lý những chính sách BVMT hiệu quả.

   Xin cảm ơn ông!

                Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016

Ý kiến của bạn