Banner trang chủ

Đồng bằng sông Cửu Long: Thay đổi phương thức xử lý rơm rạ để bảo vệ môi trường

20/04/2016

     Tại Hội thảo Quản lý rơm rạ sau thu hoạch do Viện nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI phối hợp với Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ tổ chức vào ngày 3/3/2016, các chuyên gia đã thảo luận và đưa ra giải pháp tối ưu hóa lợi nhuận từ rơm rạ.

     Theo ông Martin Gummert - chuyên gia IRRI, đốt rơm rạ sẽ làm cho đất ruộng bị khô cằn, mất nước và chất dinh dưỡng. Hiện tượng này cũng diễn ra tương tự khi người dân vùng cao đốt nương rẫy, gây ra đất trống đồi núi trọc. Không những vậy, khói rơm rạ cũng gây ô nhiễm môi trường không khí. Theo kết quả phân tích, trong khói đốt rơm, rạ có các thành phần muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... là những tác nhân gây hiệu ứng nhà kính, làm nhiệt độ Trái đất tăng cao. Nếu tính trung bình khi đốt 7 tấn rơm rạ sẽ phát thải 9,1 tấn CO2, 798 kg khí CO, 398 kg các chất hữu cơ độc hại và 12 kg tro bụi. Tác hại nhìn thấy trước mắt là người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải gánh chịu từ biến đổi khí hậu với việc khô hạn, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, mất mùa, lũ lụt, sạt lở… Bên cạnh đó, việc đốt rơm rạ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là người trực tiếp canh tác, do khí CO trong khói rơm rạ khi kết hợp với hemoglobin trong máu sẽ khiến máu không thể tiếp nhận oxy. Người hít khói rơm rạ trong thời gian dài dễ mắc các bệnh nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi gây tử vong...

     Về mặt kinh tế, đốt rơm rạ còn là một sự lãng phí. Kết quả nghiên cứu của IRRI cho thấy, đốt 1 tấn rơm đồng nghĩa với đốt bỏ khoảng 6,5 kg đạm, 1,2 kg lân, 20 kg kali, 40 kg silic và 400 kg các bon… là thành phần chính cung cấp dinh dưỡng cho đồng ruộng. Việc này còn tiêu diệt các loại côn trùng có ích, gây mất cân bằng sinh thái ruộng lúa, khiến sâu bệnh hoành hành. Để đối phó, người dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn cho việc phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa cao, gây hại lên sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Do vậy, đốt rơm rạ sau thu hoạch để cung cấp tro, chất dinh dưỡng cho đất là một quan niệm sai lầm cần phải thay đổi ngay.

 

Thay đổi phương thức xử lý rơm rạ nhằm giảm tác hại đến môi trường là việc làm cấp bách

 

     Chuyên gia Matty Demont chia sẻ, trên cơ sở các mô hình xử lý rơm rạ đã được áp dụng thành công tại Philippin, cần có giải pháp cho vùng ĐBSCL để tăng thu nhập cho người nông dân. Theo đó, rơm rạ thay vì đốt bỏ sẽ được tận dụng làm thức ăn cho trâu, bò hoặc trồng nấm rơm…. Đặc biệt, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ một cách hiệu quả và kinh tế như các chế phẩm sinh học. Với công nghệ hiện đại, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp còn sản xuất ra nhiều sản phẩm hữu ích như dầu sinh học (bio-oil), nhiên liệu sinh học giá rẻ ethanol, tạo ván ép...

     Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ Nguyễn Thị Kiều cho biết, ĐBSCL với hơn 1,82 triệu ha đất lúa sẽ có khoảng 1.274 triệu tấn rơm rạ sau thu hoạch. Phương thức đốt rơm tại ruộng đang chiếm trên 97% gây tác hại đến môi trường, sức khỏe con người và lãng phí nguồn phụ phẩm này. Do đó, thay đổi phương thức xử lý rơm rạ nhằm giảm tác hại đến môi trường và tăng thu nhập cho nông dân vùng ĐBSCL được các tỉnh thành trong vùng đánh giá là việc làm cấp bách. Thời gian tới, NN&PTNT các tỉnh, thành sẽ phối hợp cùng các chuyên gia tổ chức tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho bà con nông dân. Đồng thời, chuyển giao công nghệ theo hình thức “cầm tay chỉ việc” giúp người dân tiếp cận và sử dụng tốt chế phẩm từ rơm rạ; trên cơ sở đó, tạo nguồn hoa màu sạch thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường, bảo vệ sức khoẻ cả người sản xuất và tiêu dùng.

 

Gia Linh

Ý kiến của bạn