Banner trang chủ

Ðổi mới phương pháp, phát huy tính sáng tạo trong nghiên cứu các công trình khoa học về bảo vệ môi trường

14/07/2017

   Trong những năm qua, đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước trong công tác BVMT được xây dựng trên cơ sở các luận cứ khoa học, lý luận kết hợp với thực tiễn. Có thể thấy, công tác nghiên cứu khoa học ngày càng đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa then chốt, phục vụ công tác xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước và triển khai các nhiệm vụ BVMT. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, nhân dịp Ngày Môi trường Thế giới năm 2017, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với Bà Nguyễn Song Tùng - Phó viện trưởng - Viện Địa lý nhân văn -
   Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (HLKHXHVN), là một trong những nhà khoa học đạt thành tích xuất sắc trong công tác BVMT được Bộ TN&MT trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2017.

Bà Nguyễn Song Tùng
Phó Viện trưởng - Viện Địa lý nhân văn 

   Xin bà cho biết kết quả chính hoạt động nghiên cứu khoa học về BVMT của cá nhân, cũng như của Viện Địa lý nhân văn trong thời gian qua?

   Bà Nguyễn Song Tùng: Từ năm 1994, tôi bắt đầu công tác tại Trung tâm Địa lý kinh tế - xã hội, nay là Viện Địa lý nhân văn. Trong suốt 20 năm qua, trong các lĩnh vực BVMT, tôi đã tập trung nghiên cứu những vấn đề chính sách, góp phần phản biện xã hội, tư vấn hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, trong đó, chú trọng vào những vấn đề về khoa học môi trường; biến đổi khí hậu (BĐKH); phát triển bền vững; sinh thái nhân văn; kinh tế xanh (KTX); xã hội hóa hoạt động BVMT…

   Với các công trình nghiên cứu cơ bản, tôi đã tham gia nhiều nghiên cứu đóng góp cho quá trình hoàn thiện các văn bản pháp luật về BVMT như: Sửa đổi Luật BVMT năm 2014; Hồ sơ Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Góp ý Dự thảo Tuyên bố chung giữa Ủy ban Quốc gia và các đối tác phát triển về triển khai thực hiện Thỏa thuận Pari tại Việt Nam; cụ thể hóa các giải pháp quốc gia trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững…

   Bên cạnh đó, tôi cùng các đồng nghiệp đã thực hiện một số Đề tài nghiên cứu khoa học như: Đề tài “Các giải pháp cơ bản nhằm phát triển các mô hình KTX trong nông nghiệp ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”, thời gian thực hiện từ năm 2011 - 2012. Kết quả đề tài đã làm rõ được những vấn đề về cơ sở lý luận phát triển KTX trong nông nghiệp, kinh nghiệm các nước về phát triển KTX trong nông nghiệp; Đồng thời, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng KTX; Đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam”, thời gian thực hiện từ năm 2013 - 2015. Kết quả Đề tài đã lý giải được cơ sở khoa học về cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH; Phân tích được biểu hiện của BĐKH ở các vùng của Việt Nam; Đánh giá khả năng, thách thức và triển vọng liên kết vùng, từ đó đề xuất quan điểm, định hướng, giải pháp về cơ chế, chính sách và chiến lược liên kết vùng trong việc ứng phó với thiên tai, BĐKH…

   Ngoài ra, trong báo cáo thành tích tham gia xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2017, tôi cũng tham gia đề xuất với Bộ TN&MT các hướng nghiên cứu mới kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách về môi trường, thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp sinh thái; nông nghiệp xanh; tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững; hợp tác công - tư trong thúc đẩy dịch vụ môi trường đô thị. Đặc biệt, tôi được giao chủ trì nhiệm vụ "Tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức của Viện HLKHXHVN về BVMT".

   Bà có thể chia sẻ một số khó khăn, cũng như thuận lợi trong công tác nghiên cứu khoa học về BVMT trong giai đoạn hiện nay?

   Bà Nguyễn Song Tùng: Về những thuận lợi, trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác BVMT thông qua việc ban hành nhiều chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với các nhà khoa học có công trình nghiên cứu BVMT xuất sắc. Các hoạt động, biểu dương, tôn vinh được tổ chức khá tốt ở các cấp, tạo điều kiện hỗ trợ, bồi dưỡng tài năng trẻ triển vọng, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

   Tại Viện HLKHXHVN và Viện Địa lý nhân văn nói riêng, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, theo dõi sát sao của Cấp ủy, cũng như Ban Lãnh đạo Viện. Viện đã xây dựng và tạo cơ chế công bằng, thuận lợi để mọi tài năng trẻ có thể nỗ lực phấn đấu trong học tập và công tác. Đặc biệt, chúng tôi luôn được tạo điều kiện trong công tác đào tạo và rèn luyện nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tham gia vào các đề tài cấp Viện, Bộ, Nhà nước; được giúp đỡ về mặt chuyên môn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật…

   Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, còn có những khó khăn như: Các chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước chưa dành nhiều nội dung/chủ đề nghiên cứu về BVMT dưới góc độ khoa học xã hội và nhân văn. Viện chưa được tiếp cận nhiều các nguồn kinh phí cho nghiên cứu về BVMT; Chưa tiếp cận các thông tin, báo cáo chuyên sâu trong lĩnh vực môi trường để làm tư liệu cho nghiên cứu và nâng cao chất lượng nghiên cứu. Mặt khác, các sản phẩm nghiên cứu hiện nay chủ yếu mới chỉ dừng ở việc công bố trên tạp chí, xuất bản sách, các cơ quan hoạch định chính sách về môi trường cần tham khảo các sản phẩm nghiên cứu để tư vấn chính sách.

   Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế hỗ trợ xây dựng môi trường làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp, thân thiện để tài năng trẻ phát huy sự sáng tạo. Trên thực tế, bản thân các tài năng nói chung và tài năng trẻ nói riêng luôn cần trang bị cơ sở vật chất thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ, đam mê và vun đắp các hoài bão, khát vọng lớn lao. Đây cũng là động lực rất quan trọng để tài năng trẻ phát huy trí tuệ, năng lực của bản thân.

Các cá nhân, tổ chức đạt thành tích xuất sắc trong công tác BVMT được Bộ TN&MT trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2017 

   Bà có những đề xuất gì để nâng cao năng lực, kiến thức, tính sáng tạo, niềm say mê cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là trong công tác BVMT?

   Bà Nguyễn Song Tùng: Để các công trình nghiên cứu khoa học về BVMT có ý nghĩa và đảm bảo tính khả thi hơn nữa, ngoài các kiến thức cơ bản về BVMT, cần chú trọng đến các cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Các cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu thường được sử dụng hiệu quả trong nghiên cứu các vấn đề về BVMT như cách tiếp cận từ trên xuống kết hợp với từ dưới lên “top - down, bottom - up”; hệ thống; liên ngành; phương pháp phỏng vấn sâu; điều tra xã hội học; thảo luận nhóm... Ngoài ra, cần xác định tập trung vào một số nhóm đối tượng trong xã hội.

   Đối với các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai nhiều hoạt động tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho các cán bộ của Viện HLKHXHVN trong các chủ đề về BVMT để nâng cao chất lượng hoạt động lồng ghép kiến thức môi trường trong các lĩnh vực nghiên cứu xã hội, nhân văn; đồng thời, tạo hiệu ứng lan tỏa đến cộng đồng. Đây cũng là một hoạt động có ý nghĩa thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Viện HLKHXHVN với Bộ TN&MT. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học BVMT nói chung, cần tăng cường đầu tư kinh phí để thực hiện các nghiên cứu về BVMT; tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, địa phương với Viện để đạt được hiệu quả tối đa trong đào tạo và ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

   Đặc biệt, với thế hệ trẻ - tương lai của đất nước, nghiên cứu, giáo dục lực lượng thanh niên ý thức BVMT có ý nghĩa quan trọng, cụ thể: Phối hợp với Đoàn Thanh niên Viện HLKHXHVN tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho thanh niên về BVMT; tổ chức các cuộc thi, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình tiết kiệm năng lượng, triển khai thực hành tiêu dùng bền vững, áp dụng các kiến thức về môi trường trong hoạt động nghiên cứu lồng ghép trong tư vấn chính sách về xã hội, nhân văn… Từ cách làm sáng tạo và hiệu quả thiết thực, nhiệm vụ mà tôi thực hiện đã mang lại kết quả có ý nghĩa cho công tác xã hội hóa hoạt động BVMT. Đồng thời, việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên hỗ trợ định hướng cho Việt Nam tham gia và thực hiện Thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc (giai đoạn 2005 - 2015) góp phần vào sự nghiệp giáo dục BVMT cho giới trẻ nói chung và các cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ nói riêng.

   Ngoài ra, để nâng cao năng lực, kiến thức, tính sáng tạo, niềm say mê cho các nhà khoa học trẻ đòi hỏi sự quan tâm của nhiều cấp; Xác định đổi mới phương pháp nghiên cứu, nhằm từng bước áp dụng các kinh nghiệm tiên tiến, hiện đại trên thế giới, đưa ra các giải pháp toàn diện và có tính khả thi cao. Từ kinh nghiệm của bản thân trong những năm qua, nhiều ý tưởng nghiên cứu do tôi đề xuất đã được áp dụng vào thực tế như tổ chức các Diễn đàn thanh niên BVMT tại Viện HLKHXHVN; Tuyên truyền các thông điệp BVMT đến toàn thể cán bộ của Viện bằng nhiều hình thức phong phú, dễ nhớ, dễ hiểu.

   Xin cảm ơn bà.

                Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn