Banner trang chủ

Ðề xuất sử dụng bê tông thân thiện với môi trường cho các tuyến đường đô thị Hà Nội

05/09/2017

   Những năm gần đây, vỉa hè, rãnh thoát nước tại một số tuyến đường đô thị Hà Nội bị xuống cấp nghiêm trọng do sử dụng tấm lát (gạch gốm, bê tông xi măng thông thường hoặc đổ bê tông tại chỗ) có tuổi thọ thấp, làm mất mỹ quan đô thị. Với xu hướng hiện nay, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường (tro bay, tro trấu và phụ gia từ chất thải công nghiệp) sản xuất bê tông đúc sẵn cường độ cao thay thế các tấm bê tông, gạch lát thông thường để xây dựng vỉa hè, rãnh thoát nước cho các tuyến đường đô thị Hà Nội là cần thiết.

Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh và Láng Hạ đang bị xuống cấp nghiêm trọng

   Các tấm bó vỉa sử dụng bê tông thông thường khả năng chịu tải trọng va chạm kém nên khi có sự va chạm của các tải trọng như xe máy, ô tô (do ngẫu nhiên hoặc cố ý đi xe lên vỉa hè) đã bị sứt vỡ, nước mưa, nước ngập ăn mòn trơ cốt liệu… gây mất an toàn khi lên xuống vỉa hè, bụi bẩn bám vào các vết vỡ dẫn đến ngày càng hư hỏng nhanh chóng.

   Một số tuyến phố của Hà Nội vào mùa mưa thường ngập lụt, khiến cho các tấm lát và bó vỉa hè bằng bê tông thông thường dễ bị xâm thực dẫn đến hư hỏng nhanh, giảm độ cứng, cường độ. Bên cạnh đó, các tuyến phố dùng đá sẻ lát vỉa hè có giá thành cao và quá trình gia công tốn kém, ảnh hưởng đến TN&MT.

   Để khắc phục những nhược điểm của vật liệu bê tông thông thường, nhóm các nhà khoa học thuộc Khoa Vật liệu xây dựng - Đại học Xây dựng đã sử dụng nguồn nguyên vật liệu dạng phế thải sẵn có ở nước ta (tro bay nhiệt điện, tro trấu, chất thải của nhà máy giấy…) thay thế cho xi măng và phụ gia để chế tạo bê tông chất lượng cao. Loại bê tông này có độ chảy và cường độ nén cao (thường lớn hơn 150 MPa), cường độ uốn lớn (khi sử dụng cốt sợi), độ bền cao, ổn định về thể tích, độ thấm thấp.

   Các chuyên gia đã tính toán cốt liệu thô của tấm bê tông cường độ cao theo TCVN 10306-2014, tỷ lệ nước và lượng chất kết dính (tro bay, tro trấu, cát, đá… và một số phụ gia). Sau đó trộn đều hỗn hợp trên với khoảng 70 - 80% lượng nước, đổ bê tông vào ván khuôn đúng tiêu chuẩn thi công các công trình và tính toán độ chịu tải trọng yêu cầu. Mỗi tấm bê tông đúc sẵn cường độ cao được sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định liên quan đến việc kiểm soát môi trường, tránh được nguy cơ gây ô nhiễm tiềm tàng. Đồng thời, nguồn nguyên liệu thô đầu vào cũng như các phụ gia được giám sát chặt chẽ để giảm lượng nước cần thiết, không gây phát thải vào môi trường; Nâng cao độ bền, độ xốp của bê tông.

   Từ những lợi ích trên, các nhà quy hoạch đô thị Hà Nội cần thay thế tấm bê tông, gạch lát thông thường bằng bê tông đúc sẵn cường độ cao để lát vỉa hè, bó vỉa nắp cống, rãnh thoát nước trên các tuyến đường đô thị hiện nay. Trước mắt sẽ thí điểm thực hiện trên một số tuyến đường chính ở Hà Nội như Cầu Giấy, Thái Hà, Láng, Tây Sơn…, sau đó triển khai các tuyến đường ở các quận ven ngoại thành. Việc sử dụng tấm bê tông đúc sẵn cường độ cao sẽ có tính năng thoát nước hiệu quả (bằng cách ngấm thẳng đứng, dẫn ngang đến các vị trí trữ nước)... giúp cho đường phố, vỉa hè Hà Nội hạn chế ngập lụt trong những ngày mưa to. Đồng thời, do thời gian thi công nhanh và không gây cản trở giao thông nên giúp giảm giá thành, nâng cao tính thẩm mỹ, tăng tuổi thọ, tránh trơn trượt, giúp cho người đi bộ an toàn hơn.

ThS. Lê Xuân Thái - ThS. Trần Thị Lý

Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2017

Ý kiến của bạn