Banner trang chủ

Ðề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm do công nghệ nung gốm, sứ tại làng nghề Bát Tràng

07/02/2017

   Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống sản xuất gốm, sứ lâu đời của nước ta. Trải qua các thời kỳ lịch sử, làng nghề đã cung cấp sản phẩm gốm, sứ cho thị trường trong nước và trên thế giới. Cùng với sự phát triển kinh tế, làng nghề Bát Tràng đang phải đối mặt với những vấn đề ô nhiễm môi trường, do sử dụng nhiên liệu ở công đoạn sấy và nung sản phẩm gốm, sứ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

   Công nghệ lò nung gốm, sứ

   Hiện nay, làng nhề Bát Tràng sử dụng công nghệ nung gốm, sứ gồm: Lò hộp, gas và gas tiết kiệm năng lượng (TKNL). Trong đó, lò hộp là hệ lò thủ công truyền thống sử dụng than cám và củi, tường được xây bằng gạch chịu lửa, bên ngoài là gạch đỏ. Thời gian nung sản phẩm khoảng 28 - 30 giờ. Như vậy, hệ lò này làm phát sinh lượng khí thải ra môi trường lớn (bụi, CO, CO2, SO2 …) và chất thải rắn (tro xỉ, phế phẩm nung hỏng).

   Lò gas là hệ lò con thoi đảo lửa, cấu tạo gồm tường, vòm và cửa lò làm từ bông gốm cách nhiệt có khung đỡ bằng thép. Trong lò có xe goòng tạo thành nền lò, các sản phẩm được xếp lên goòng nhờ hệ thống tấm kê, trụ đỡ. Nhiên liệu sử dụng là khí hóa lỏng (LPG) được cung cấp qua hệ thống vòi đốt dưới gầm lò, ngọn lửa đi từ dưới lên trên và được đảo chiều nhờ kênh hút khói trên nền goòng kết nối với ống khói phía sau lò. Thời gian nung sản phẩm mất khoảng 16 -18 giờ tùy theo chủng loại sản phẩm. Do thời gian nung ít hơn so với lò hộp nên chất thải tạo ra đối với hệ lò này ít hơn, chủ yếu là khí CO2, phế phẩm và tấm kê, trụ đỡ hỏng.

   Lò gas TKNL có cấu tạo giống như lò gas, được cải tiến một số bộ phận kỹ thuật để tiết kiệm nhiên liệu (vòi đốt, kênh dẫn khói, buồng xếp sản phẩm và buồng sấy tận dụng nhiệt). Qua vận hành cho thấy, mức tiêu hao nhiên liệu của lò gas TKNL thấp hơn khoảng 20 - 30% so với lò hộp và lò gas. Bên cạnh đó, việc cải tạo hệ thống lọc khí của lò gas nhằm tiết kiệm nhiên liệu, làm sạch không khí và trung hòa độ ph trong quá trình nung, giảm thiểu chi phí cho nguyên liệu đốt. Ngoài ra, lò này còn có ưu điểm không phát sinh chất thải, sản phẩm nung đảm bảo độ bền, đẹp, ít bị hỏng.

   Trên cơ sở công nghệ sản xuất của 3 loại lò nung trên, có thể đánh giá công nghệ nung gốm, sứ tại làng nghề Bát Tràng thông qua 8 tiêu chí (TC) cơ bản do Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường đưa ra để xác định các mức thải ô nhiễm như: Tác động môi trường (TC 1); Nguyên liệu đầu vào (TC 2); Nhu cầu sử dụng nhiên liệu (TC 3); Chất lượng sản phẩm (TC 4); Vốn đầu tư (TC 5); Hiệu quả kinh tế (TC 6); Nhân lực (TC 7); Mức độ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ kiện và cải tiến công nghệ (TC 8), được thể hiện trong bảng.

Bảng tổng hợp các tiêu chí đánh giá, lựa chọn công nghệ nung gốm, sứ

TT

TC

Lượng hóa điểm số (điểm)

 Công nghệ lò hộp

Công nghệ lò gas

Công nghệ lò gas TKNL

1

TC 1

6

24

27

2

TC 2

5

8

8

3

TC 3

1

5

7

4

TC 4

5

7

9

5

TC 5

5

4

4

6

TC 6

3

4

8

7

TC 7

4

6

6

8

TC 8

6

8

9

 

Tổng điểm

35

66

78

   Qua bảng cho thấy, tổng số điểm về lợi ích môi trường của lò gas TKNL đạt mức cao nhất với 78/100 điểm nên được khuyến khích áp dụng; Trong khi lò hộp, lò gas có tổng số điểm 35 và 66 (dưới 70 điểm) nên khuyến cáo không nên áp dụng.

Các sản phẩm gốm, sứ của làng nghề Bát Tràng

   Đề xuất một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

   Đổi mới công nghệ nung gốm, sứ từ lò hộp thủ công sang lò gas TKNL, giúp tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

   Bảo trì và bảo dưỡng định kỳ các phụ kiện của lò gas TKNL để duy trì tuổi thọ của lò; Lắp đặt các thiết bị thông gió để hút nhiệt ra ngoài và cung cấp không khí để giảm nhiệt độ khu vực đặt lò;

   Trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang và mũ bảo hộ, hướng dẫn nội quy an toàn lao động cho công nhân trong các cơ sở sản xuất tại làng nghề; Có các quy định, nội quy, biển cấm, biển báo về phòng cháy và chữa cháy để tránh xảy ra những sự cố…

   Chính quyền địa phương ban hành quy chế khuyến khích các cơ sở sản xuất gốm, sứ thực hiện biện pháp BVMT; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT; đồng thời phát triển dịch vụ tư vấn áp dụng công nghệ lò gas TKNL. Nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách bắt buộc áp dụng công ghệ lò nung gốm, sứ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Người dân làng nghề Bát Tràng sử dụng lò gas nung gốm vừa TKNL, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường

   Như vậy, việc đánh giá, lựa chọn lò gas TKNL nung gốm, sứ tại làng nghề Bát Tràng có ý nghĩa lớn đối với các cơ sở sản xuất gốm, sứ nói chung. Việc lựa chọn này không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật mà còn giúp cải thiện môi trường của làng nghề. Quá trình nghiên cứu, đánh giá đã xây dựng được những căn cứ khoa học, góp phần khuyến khích các đơn vị sản xuất sản phẩm gốm, sứ có cơ hội để chuyển đổi hoặc cải tiến công nghệ theo hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, để làng nghề Bát Tràng cũng như các làng nghề sản xuất gốm, sứ khác trên cả nước sớm được cải thiện về môi trường cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm rất cần đến sự quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo, cơ quan chức năng, tổ chức và các nhà khoa học.

Phạm Thị Huế

Đại học Công nghệ GTVT Hà Nội

GS. Đặng Kim Chi

Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường - Đại học Bách Khoa Hà Nội

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn