Banner trang chủ

Việt Nam hiện thực hóa kết quả cam kết tại Hội nghị COP26

04/04/2022

    Sau 2 tuần đàm phàn tích cực, Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glassgow, Vương quốc Anh đã chính thức khép lại vào ngày 13/11/2021. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và hiện hữu những khó khăn từ biến đổi khí hậu (BĐKH), với sự tham gia của 124 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và gần 40 nghìn đại biểu của 197 quốc gia và vùng lãnh thổ; tổ chức nghiên cứu, phân tích; tổ chức liên Chính phủ; tổ chức phi Chính phủ và cơ quan báo chí, truyền thông.

Cam kết chủ yếu tại Hội nghị COP26 và sự tham gia của Việt Nam

    Hội nghị COP26 đã đưa ra các cam kết và lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Theo nhóm hợp tác về Công cụ theo dõi phát thải ròng bằng không (NET ZERO TRACKER), 136 quốc gia - tương đương tổng lượng phát thải khí nhà kính gần 88% và đóng góp GDP khoảng 90% GDP toàn cầu - đã cam kết phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ. Hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ cam kết chấm dứt và đẩy lùi nạn phá rừng. 34 quốc gia và một số ngân hàng và cơ quan tài chính cam kết tăng cường hỗ trợ các dự án bền vững hơn và ngừng tài trợ quốc tế cho “lĩnh vực năng lượng nhiên liệu hóa thạch không có công nghệ giảm nhẹ vào cuối năm 2022, trừ những trường hợp hạn chế và được xác định rõ ràng phù hợp với giới hạn nóng lên 1,50C và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”. Hơn 40 quốc gia đã cam kết loại bỏ than đá. 103 quốc gia (chiếm 40% tổng lượng phát thải mê-tan toàn cầu) đã tham gia Cam kết giảm 30% phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020; 141 quốc gia với hơn 90% diện tích rừng trên thế giới đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

    Việt Nam rời Hội nghị COP26 bằng cam kết vô cùng tham vọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 cùng với một số quốc gia, trong đó có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm G20 (Canađa, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Hàn Quốc, EU). Đây cũng coi là một cam kết mạnh mẽ nhất trong số các quốc gia có trình độ phát triển như Việt Nam. Cam kết này mở ra những cơ hội chưa từng có cho Việt Nam, đặc biệt là cơ hội hợp tác đầu tư tiềm năng cho phát triển xanh, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh và nhiều các cơ hội hợp tác thúc đẩy tài chính khí hậu và huy động nguồn lực tài chính khí hậu xanh trong thời gian tới. Song song với những cơ hội hiện hữu, cam kết cũng tạo ra những thách thức không hề nhỏ đến tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với toàn bộ nền kinh tế.

Khó khăn, thách thức của Việt Nam nhằm hiện thực hóa kết quả cam kết tại Hội nghị COP26

Huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó BĐKH, những dấu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng

    Hội nghị COP21 tại Paris đã đưa ra mục tiêu cam kết đạt 100 tỷ đô la Mỹ mỗi năm của các nước phát triển hỗ trợ cho các nước đang phát triển như Việt Nam nhằm ứng phó với BĐKH. Mặc dù tỷ lệ huy động tài chính có tăng lên, song so với mục tiêu cam kết đề ra tại Paris, thì COP26 được coi là một thất bại về huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó BĐKH. Theo Báo cáo đánh giá tài chính hai năm và tổng quan về tài chính khí hậu năm 2020 do OECD trình bày tại Hội nghị, nguồn lực huy động cho giai đoạn 2019-2020 tăng 16% đạt mức 77,5 tỷ USD trung bình năm so với giai đoạn 2017-2018. Riêng năm 2019, tổng tài chính khí hậu từ các nước phát triển cung cấp và huy động cho các nước đang phát triển là 79,6 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2018. Nếu vậy, để đạt mục tiêu 100 tỷ USD mỗi năm thì cần phải có những nỗ lực đóng góp mang tính đột phá trong thời gian tới, đặc biệt cần tạo sự cân bằng tài chính cho cả thích ứng và giảm tác động của BĐKH.

    Đối với Việt Nam, một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, việc hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế và các cam kết môi trường toàn cầu thường là một việc không dễ thực hiện do nhu cầu phát thải trong mô hình tăng trưởng truyền thống còn tiếp tục tăng, trong khi nguồn lực để chuyển đổi sang dạng thức phát triển xanh vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng về “0” hay chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh, bền vững sau đại dịch COVID-19 vẫn cần rất nhiều nguồn lực hỗ trợ quốc tế bên cạnh việc huy động nguồn lực trong nước với nguồn ngân sách nhà nước đóng vai trò vốn mồi.

Loại bỏ điện than và gói thỏa thuận khí hậu Glasgow

    Gần 50 quốc gia đã ký tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Các nền kinh tế lớn cũng cam kết ngừng điện than trong thập kỷ 30, trong khi đó các nước còn lại sẽ ngừng điện than vào thập kỷ 40 của thế kỷ này. 25 quốc gia và các định chế tài chính quốc tế cũng đã tuyên bố không hỗ trợ cho phát triển năng lượng sử dụng nhiên liệu hoá thạch từ cuối năm 2022 trở đi để hỗ trợ năng lượng sạch, một số quốc gia tuyên bố dừng hoạt động khoan dầu khí mới. Tại Hội nghị bổ sung thêm 28 quốc gia vào Liên minh ngừng sử dụng điện than (PPCA) do Anh và Canađa đồng khởi xướng, nâng tổng số thành viên của Liên minh này lên con số 48.

    Với cam kết tại COP26, Quy hoạch Điện VIII cần tiếp tục phải chỉnh sửa để bám sát các mục tiêu của Việt Nam tại Hội nghị đang và tiếp tục là một thử thách rất lớn khi những thay đổi lớn tập trung vào nguồn vốn và giá điện. Theo đó, Bộ Công Thương cần phải tính toán bổ sung phương án phát triển nguồn điện có xét tới giảm nguồn điện than, thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đồng thời có thể phải xem xét tới yếu tố dự phòng khi tỷ lệ thực hiện nguồn điện không thể đạt được 100% để phù hợp với cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, với dự kiến cơ cấu nguồn điện (công suất nguồn đến năm 2030 giảm khoảng từ khoảng 180.000MW xuống 156.000MW), đến 2045 giảm từ 369.500MW xuống 333.500MW) cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với điều kiện phát thải ròng về “0” vào năm 2050, trong đó hạ tầng hệ thống điện có thể tiếp nhận tỷ trọng nguồn điện gió và mặt trời ở mức cao cũng đặt ra nhiều thách thức về mặt chi phí đầu tư tổng thể và kéo theo gia tăng về giá điện có ảnh hưởng tới phát triển công nghiệp, đầu tư, hạ tầng và tiêu dùng.

Vượt qua thử thách và tận dụng cơ hội nhằm triển khai kết quả cam kết tại Hội nghị COP26

    Để nhanh chóng thúc đẩy việc triển khai thực hiện kết quả cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 2157/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, trong đó Trưởng ban là Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban, Phó Trưởng ban là Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Ủy viên là Lãnh đạo của các cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Quốc phòng, Công An, Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam.

    Tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có ý kiến chỉ đạo kịp thời, trong đó khẳng định việc thực hiện những cam kết tại COP26 có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức là chủ yếu. Do đó, để thực hiện thành công các kết quả đã cam kết thì cần phải có quyết tâm cao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cùng tham gia. Cũng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược TTX đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa các cam kết tại COP26.

    Thực vậy, việc thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về “0” thông qua thúc đẩy phát triển kinh tế xanh góp phần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 10 năm 2021-2030, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025; phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo đó, để đạt được hiệu quả những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Việt Nam cần phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số, giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phương tiện giao thông sử dụng điện; phát triển rừng để hấp thu khí CO2; sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển đô thị xanh…; thúc đẩy huy động nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực nhà nước và tư nhân và đặc biệt cần phải truyền tải được tinh thần chuyển đổi xanh tới các Bộ/ngành, địa phương và người dân.

    Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải tận dụng, tranh thủ, phát huy sự quan tâm, ủng hộ của các quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế trong việc hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26. Đặc biệt là việc triển khai các cam kết giảm phát thải khí nhà kính cần tiếp tục bắt kịp xu hướng chủ đạo của thế giới hiện nay về phát triển kinh tế các-bon thấp, thúc đẩy tăng trưởng xanh như là một lựa chọn tất yếu để đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả đảm bảo thịnh vượng kinh tế, gia tăng phúc lợi xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong dài hạn.

    Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, đồng thời giải quyết hài hòa chi phí tài chính cho quá trình chuyển đổi xanh và mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” với những nỗ lực của từng cấp, từng ngành, cộng đồng doanh nghiệp theo một lộ trình tổng thể của cả nền kinh tế, đảm bảo đồng hướng trong việc tiếp cận và giải quyết các thách thức đặt ra.

ThS. Trần Minh Huế

Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022)

Ý kiến của bạn