Banner trang chủ

Quản lý môi trường biển: Tiếp cận từ kiểm soát hoạt động lấn biển

02/03/2022

Tác động của lấn biển đối với môi trường biển

    Việt Nam là quốc gia biển trong khu vực Biển Đông với đường bờ biển dài hơn 3.260 km (không kể bờ các đảo), trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và diện tích vùng biển hơn 1 triệu km2, trải dài 15 vĩ độ từ Bắc xuống Nam. Với hình thế đất nước hẹp chiều ngang, nhiều sông ngòi, đồi núi dốc giúp lãnh thổ Đồng bằng châu thổ được mở rộng một cách tự nhiên ra phía biển do phù sa bồi đắp hàng năm nên Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển và đại dương.

    Lấn biển là một phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của nhiều quốc gia ven biển trên thế giới và không phải ngoại lệ đối với Việt Nam. Lấn biển nhằm mở rộng không gian sống cho các hoạt động xây dựng nhà ở, phát triển đô thị, khu vui chơi, giải trí, sản xuất công nghiệp, thương mại và phát triển nông nghiệp; bảo vệ bờ biển, xây dựng hệ thống phòng thủ, ứng phó biến đổi khí hậu…

    Tuy nhiên, hoạt động lấn biển nếu không được kiểm soát cũng có những tác động xấu đến nơi cư trú, sinh kế của người dân ven biển và hải đảo; phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông… ảnh hưởng đến phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của đất nước.

    Đặc biệt, môi trường trường biển có tính chất liên thông, sự lan tỏa nhanh nên hoạt động lấn biển nếu thiếu sự kiểm soát sẽ tác động xấu đến môi trường biển như sau:

    Một là, gia tăng sức ép đối với hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển: Khu vực lấn biển đều nằm trong vùng đất ngập nước ven biển. Đây là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao, có giá trị lớn đối với các hệ sinh thái biển nói chung (sinh cảnh của nhiều loài sinh vật biển, điều hòa các quá trình tự nhiên và môi trường chuyển tiếp giữa biển và lục địa...). Ngoài ra, sau khi dự án lấn biển đi vào hoạt động, các khu vực này thường được sử dụng cho các mục đích phát triển KT-XH, gia tăng dân số... từ đó phát sinh ngày càng nhiều chất thải gây ô nhiễm vào môi trường (nước thải, chất thải sinh hoạt đối với các khu dân cư, đô thị, đặc biệt là chất thải nhựa ra đại dương; nước thải, chất thải rắn, khí thải đối với các hoạt động phát triển công nghiệp, cảng biển). Vì vậy, nếu không được tính toán và quy hoạch phù hợp thì đây sẽ là sức ép với môi trường vốn đã quá tải.

    Hai là, làm thay đổi chế độ thủy động lực học môi trường cửa sông, ven biển: Hoạt động lấn biển làm thay đổi hệ thống dòng chảy ven bờ ở quy mô vừa và như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi vật chất giữa khu vực lấn biển với các khu vực lân cận. Các hệ thống động lực khác như sóng do gió, dòng triều, mực nước cũng bị thay đổi theo.

    Ba là, những hệ lụy môi trường do khai thác và sử dụng vật liệu cho lấn biển: Hoạt động lấn biển phải dùng một lượng lớn nguyên vật liệu và những vật liệu lấn biển này làm thay đổi chất lượng môi trường nước, môi trường trầm tích khu vực lấn biển. Điều này có thể dẫn đến hủy hoại hoặc làm suy thoái các hệ sinh thái biển ở một khu vực biển rộng lớn.

Hoạt động lấn biển làm thay đổi chế độ thủy động lực học môi trường cửa sông, ven biển

Hoàn thiện hành lang pháp lý về lấn biển để quản lý môi trường biển

    Hiện nay, hoạt động lấn biển được quy định rải rác tại các văn bản quy phạm pháp luật với những góc độ pháp lý khác nhau như quyền tài phán quốc gia đối với đảo nhân tạo - một loại hình lấn biển (Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển), hạn chế hoạt động lấn biển trong hành lang bảo vệ bờ biển (pháp luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo), khuyến khích khai hoang lấn biển (pháp luật đất đai), chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (pháp luật lâm nghiệp), tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, trong đó có dự án liên quan đến lấn biển (pháp luật đầu tư công), thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng lấn biển (pháp luật đầu tư), đánh giá tác động môi trường hoặc đăng ký kế hoạch BVMT đối với dự án lấn biển có quy mô lớn (pháp luật BVMT), hoạt động lấn biển thuộc một loại hình khai thác, sử dụng tài nguyên biển (pháp luật giao khu vực biển), an toàn hàng hải khi thực hiện xây dựng các đảo nhân tạo - một loại hình lấn biển (pháp luật hàng hải). Những quy định pháp luật này chưa cụ thể, rõ ràng về quản lý, kiểm soát hoạt động lấn biển nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững vùng biển đảo. Chính vì vậy, cần thiết hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ đối với hoạt động lấn biển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm công bằng xã hội, BVMT, hệ sinh thái biển và hải đảo.

    Ở góc độ quản lý môi trường biển, việc xây dựng và ban hành pháp luật lấn biển cần tập trung vào những nội dung sau:

    Thứ nhất, quy định các nguyên tắc BVMT biển đối với hoạt động lấn biển

    Quy định những nguyên tắc nhằm định hướng hành vi cho tổ chức, cá nhân phải thực hiện BVMT biển đối với hoạt động lấn biển:

- Tổ chức, cá nhân hoạt động lấn biển phải có trách nhiệm và nghĩa vụ BVMT biển và vùng bờ; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

- BVMT là điều kiện để tổ chức hoạt động lấn biển. Hoạt động BVMT phải được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động lấn biển.

- Hoạt động lấn biển phải hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, cảnh quan thiên nhiên; không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

    ​Thứ hai, quy định các yêu cầu BVMT biển đối với hoạt động lấn biển

    Quy định các yêu cầu nhằm xác định cho tổ chức, cá nhân phải có khả năng đáp ứng về BVMT biển trong quá trình thực hiện hoạt động lấn biển:

 - Việc lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư và phải thực hiện theo quy định của pháp luật môi trường, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật khác có liên quan.

- Dự án lấn biển phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về BVMT.

- Phương pháp, giải pháp kỹ thuật, vật liệu lấn biển và hạng mục công trình lấn biển phải bảo đảm phù hợp các quy chuẩn kỹ thuật, quy định về bảo vệ môi trường; phải được xem xét, đánh giá tác động đến điều kiện tự nhiên, chế độ thủy động lực, giá trị dịch vụ hệ sinh thái vùng bờ, tài nguyên biển và khai thác, sử dụng tài nguyên biển, môi trường biển và sức chịu tải của môi trường biển.

- Vật liệu dùng để lấn biển phải được xác định nguồn gốc, bảo đảm không chứa các chất phóng xạ, hóa chất độc và phải tuân thủ quy định của pháp luật về BVMT; bảo đảm không gây ô nhiễm, sự cố môi trường và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, tác động xấu đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản. Việc vận chuyển vật liệu lấn biển phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về BVMT.

    Thứ ba, quy định các khu vực lấn biển

    Quy định khu vực lấn biển phải được xác định cụ thể vị trí địa lý, diện tích, ranh giới, tọa độ. Quy định hạn chế lấn biển tại các khu vực sau:

- Di sản thiên nhiên, vườn quốc gia, vườn di sản ASEAN, khu dự trữ thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vùng đất ngập nước quan trọng; rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển.

- Khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực hành lang bảo vệ bờ biển.

- Các khu vực cấm, tạm thời cấm, dự trữ và khu vực khác được bảo vệ, bảo tồn theo quy định của pháp luật.

    Thứ tư, quy định xây dựng phương án lấn biển

    Quy định pháp nhân phải xây dựng phương án lấn biển với những nội dung liên quan đến BVMT biển bao gồm: Thông tin về khu vực lấn biển; Thiết kế cơ sở hạng mục công trình lấn biển; Phương pháp và các giải pháp kỹ thuật lấn biển; Vật liệu lấn biển và nguồn gốc vật liệu lấn biển; Đánh giá các tác động môi trường, nguy cơ rủi ro thiên tai và biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, giảm thiểu rủi ro thiên tai; chương trình quản lý, giám sát môi trường; Đánh giá tác động KT-XH, thiệt hại và giải pháp hạn chế.

    Như vậy, việc quy định các nguyên tắc, yêu cầu về BVMT biển đối với hoạt động lấn biển, quy định các khu vực lấn biển và xây dựng phương án lấn biển sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ để kiểm soát hoạt động lấn biển, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả quản lý môi trường biển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ TN&MT(2021), Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định lấn biển, Hà Nội.

2. Bộ TN&MT(2022), Dự thảo Nghị định quy định lấn biển, Hà Nội.

3. Kim In Hwan (2021), Lấn biển và quản lý nước công cộng tại Hàn Quốc, Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tham vấn dự thảo Nghị định quy định hoạt động lấn biển, Hà Nội.

ThS. Hoàng Nhất Thống

Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

ThS. Nguyễn Hồng Thuyên

Khoa Cảnh sát môi trường, Học viện Cảnh sát nhân dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2022)

Ý kiến của bạn