Banner trang chủ

Kinh nghiệm của một số quốc gia và các xu hướng tiến tới sự bền vững toàn cầu trong ngành Dệt May

03/08/2021

     LTS: Trước xu thế phát triển mới của nền kinh tế thế giới, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu diễn ra, ngành Dệt May thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những đổi mới về chính sách và công nghệ để đáp ứng xu thế của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay là sản xuất sạch, sản xuất bền vững, BVMT và có trách nhiệm xã hội… Để bạn đọc có một cái nhìn toàn diện về vấn đề này, trong số này, Tạp chí Môi trường xin được giới thiệu phần 1 của bài viết với nội dung Kinh nghiệm của một số quốc gia và các xu hướng tiến tới sự bền vững toàn cầu trong ngành Dệt May. Số tiếp theo, Tạp chí sẽ giới thiệu Phần 2: Những triển vọng và cơ hội chuyển đổi xanh hóa ngành Dệt May Việt Nam.

     Ngành Dệt May thế giới đang tạo ra giá trị kinh tế đáng kể, ước tính đạt giá trị thương mại 920 tỷ USD vào năm 2018 và dự báo tới năm 2024 sẽ đạt xấp xỉ 1.230 tỷ USD. Mặc dù tạo ra giá trị về kinh tế nhưng quá trình sản xuất của ngành cũng đang tiêu tốn nhiều tài nguyên và gây ra những tác động ô nhiễm ở mức cao. Sản xuất ngành Dệt May, bao gồm cả trồng bông, sử dụng khoảng 93 tỷ mét khối nước hàng năm và chiếm 4% lượng khai thác nước ngọt trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, 20% ô nhiễm nước công nghiệp toàn cầu phát sinh từ các hoạt động xử lý hàng dệt nhuộm. Sản xuất hàng dệt may cũng tiêu tốn năng lượng để vận hành nhiều loại thiết bị, tạo ra hơi và nhiệt cho các quy trình xử lý khác nhau. Trong năm 2016, ngành Dệt May đã phát thải 3.3Gt khí CO2 quy đổi và chiếm 6.7% tổng phát thải này của toàn cầu (Quantis,2018; Ellen MacAthur Foundation, 2017).

     Vì vậy, một số quốc gia trên thế giới đã ban hành các chính sách và thực hành quản lý nhằm hướng tới sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm chất thải, loại bỏ các chất gây lo ngại và loại trừ phát sinh vi sợi; biến đổi cách thức thiết kế quần áo, bán và sử dụng sao cho có thể giảm thải ra tự nhiên; cải thiện triệt để khả năng tái chế bằng cách thay đổi thiết kế, thu hồi và tái sản xuất; hướng tới sử dụng nguyên nhiên liệu tái tạo.

  1. Kinh nghiệm một số quốc gia trong việc xanh hóa ngành Dệt May

     Ngành Dệt May của Băng-la-đét đã hơn 500 năm tuổi và là ngành sản xuất lớn nhất trong các ngành công nghiệp. Xu hướng tăng trưởng của ngành Dệt May Băng-la-đét dự kiến sẽ tiếp tục với mục tiêu xuất  khẩu đầy tham vọng là đạt 50 tỷ USD vào năm 2021 và 66,25 tỷ USD vào năm 2030.

     Băng-la-đét tập trung mở rộng chuỗi giá trị hàng dệt may và may mặc thông qua khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cải thiện về kho vận và dán nhãn sản xuất cho hàng may mặc. Bên cạnh đó, Băng-la-đét còn tiếp cận công nghệ xanh, xem xét việc kết hợp các chiến lược về năng lượng và các sản phẩm sạch, không chất độc hại. Một số điểm nổi bật của quá trình xanh hóa ngành Dệt May bao gồm: Áp dụng công nghệ xanh vào các hoạt động sử dụng năng lượng, tái sử dụng nước thải, hóa chất xanh, công trình xanh và công nghệ nano xanh; Áp dụng công nghệ thông tin theo hướng đổi mới; Thúc đẩy việc áp dụng và đăng ký chứng nhận LEED (Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ) cho tất cả các cơ sở công nghiệp ở Băng-la-đét để thúc đẩy công trình xanh và nơi làm việc an toàn cũng như giảm chi phí kinh doanh; Tăng cường thanh tra lao động và bảo đảm sức khỏe và an toàn nghề nghiệp; Thúc đẩy phương pháp sáng tạo trong thiết kế; Phân biệt các ngành công nghiệp dệt may xanh và không xanh để minh chứng lợi ích kinh tế và môi trường cho các nhà sản xuất.

     Ngành Dệt May Trung Quốc từ lâu đã trở thành một trụ cột của nền kinh tế nhờ lợi thế về nguồn lực và quy mô thị trường. Là nhà xuất khẩu sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới, Trung Quốc đồng thời phải đối mặt với những thách thức mạnh mẽ về các hạn chế môi trường như sử dụng tài nguyên không hiệu quả, tiêu thụ năng lượng lớn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

     Trước tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất các chính sách để phát triển ngành Dệt May theo hướng bền vững, đó là xây dựng và hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt. Trong suốt 17 năm phát triển, khu vực có các cụm chuyên biệt dệt may tăng từ 38 quận và thị trấn đầu tiên lên 185 thành phố vào cuối năm 2016. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đưa ra chính sách để loại bỏ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng và xả thải lớn. Kế hoạch phát triển dệt may của Trung Quốc 5 năm lần thứ 13 nhấn mạnh vào đổi mới, phối hợp, xanh hóa, cởi mở và chia sẻ để nâng cung và chú trọng tăng cường sự đa dạng, đưa ngành lên một tầm cao mới với sức mạnh mới.

     Kế hoạch "Made in China 2025" và “Kế hoạch sản xuất của công xưởng quần áo Trung Quốc đến năm 2020” đặt ra các mục tiêu giảm tiêu hao 18% tài nguyên năng lượng và 20% nước trên mỗi đơn vị giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời cắt giảm 10% lượng chất thải. Những kế hoạch này được tăng cường bởi Luật Thuế môi trường Trung Quốc từ năm 2016 với mức đánh thuế tăng cao với ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn.

     Ngành công nghiệp may mặc của Liên minh châu Âu vào năm 2018 đã đạt doanh thu gần 80 tỷ EUR, với xuất khẩu đạt gần 27 tỷ EUR. Châu Âu là nhà xuất khẩu ngành hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, chiếm 29% thị trường toàn cầu. Ở châu Âu có sự gia tăng mối quan tâm về các vấn đề môi trường và niềm tin chung về giá trị của lối sống bền vững. Số lượng các thương hiệu bền vững đang tăng lên, đồng thời, các nhãn hiệu và nhà bán lẻ hàng đầu cũng mở rộng danh mục sản phẩm của họ với quần áo được làm bằng vật liệu có tính bền vững, thương mại công bằng. Phần lớn các tác động ảnh hưởng đến tính bền vững xảy ra ở giai đoạn sử dụng và thải bỏ trong vòng đời sản phẩm. Vì vậy, ngành công nghiệp may mặc châu Âu đã và đang giáo dục người tiêu dùng về cách mà thói quen của họ có thể tạo ra sự khác biệt, đó là “Mua đồ tốt hơn, mua ít hơn”.

     Từ năm 2012, Đức thành lập Nhóm chuyên trách về “Công nghiệp 4.0” với các ưu tiên gồm: tiêu chuẩn hóa; cung cấp hạ tầng băng thông rộng cho doanh nghiệp; xây dựng cơ chế và giải pháp đảm bảo an ninh thông tin; đào tạo, phát triển chuyên môn, hiệu quả nguồn lực. Mô hình nhà máy thông minh ở Trung tâm nghiên cứu Dệt May 4.0 (Đại học RWTH Aachen) được xây dựng như một trung tâm mô phỏng các nhà máy dệt may thông minh, làm địa điểm thử nghiệm, thí điểm và mở rộng các giải pháp kỹ thuật số mới.

     Năm 2014, Ủy ban châu Âu đưa ra Gói kinh tế tuần hoàn, trong đó “tái sử dụng, sửa chữa và tái chế là một tiêu chuẩn, chất thải là khái niệm của quá khứ”. Quần áo đã qua sử dụng ở đây được tổ chức theo ba hướng: đồ có thể mặc được bán cho các nơi có mức sống thấp hơn (như Đông Âu, châu Phi...); quần áo thải được cắt nhỏ dùng làm vật liệu cách nhiệt cho công nghiệp ô tô; phần còn lại vận chuyển đến các bãi chôn lấp.

Ngành công nghiệp may mặc của Liên minh châu Âu mở rộng danh mục sản phẩm với quần áo được làm bằng vật liệu có tính bền vững

     European Green Deal là 1 trong 6 ưu tiên của EU cho giai đoạn 2019 - 2024. Đây là chiến lược tăng trưởng mới của châu Âu nhằm trở thành lục địa trung hòa về khí hậu đầu tiên trên thế giới vào năm 2050. Kế hoạch hành động của European Green Deal đặc biệt tập trung vào các ngành sử dụng nhiều tài nguyên như dệt may, xây dựng, điện tử, nhựa để tăng cường hiệu quả nguồn tài nguyên nhờ chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, đồng thời khôi phục đa dạng sinh học và giảm ô nhiễm.

     Các xu hướng và chứng nhận bền vững toàn cầu trong ngành Dệt May

     Hiện nay, trên thế giới, nhiều thương hiệu lớn trên toàn cầu đang áp dụng các chứng nhận bền vững cho sản phẩm và nguyên liệu của họ, đồng thời cũng yêu cầu nhà cung ứng tuân thủ chính sách và đạt được chứng nhận liên quan. Các chương trình chứng nhận toàn cầu đang là một yếu tố góp phần xúc tiến tiêu chuẩn và thực hành tốt nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động sản xuất và kinh doanh.

     Các sáng kiến vật liệu bền vững

     Xanh hóa ngành Dệt May bắt đầu từ việc sản xuất nguyên liệu cho ngành một cách bền vững. Hiện nay, trên thế giới đã có một số sáng kiến đáng chú ý đang áp dụng, cụ thể như:

     Tiêu chuẩn Tái chế Toàn cầu (GRS) là một tiêu chuẩn sản phẩm dùng để theo dõi và xác minh hàm lượng vật liệu tái chế trong sản phẩm cuối cùng, đồng thời đảm bảo các yêu cầu sản xuất nghiêm ngặt. Tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả công ty có sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm dán nhãn GRS. GRS bao gồm quá trình gia  công, sản xuất, đóng gói, dán nhãn, kinh doanh và phân phối sản phẩm được làm từ tối thiểu 20% vật liệu tái chế.

     GRS là một tiêu chuẩn quốc tế, tự nguyện và một tiêu chuẩn sản phẩm đầy đủ đưa ra yêu cầu đánh giá bởi bên thứ ba về các vấn đề sau: Nhận dạng và truy xuất về thành phần tái chế trong sản phẩm dệt may trong toàn bộ chuỗi tạo nên sản phẩm; Yêu cầu về môi trường giúp chống suy thoái bằng cách bảo đảm sử dụng vật liệu tái chế; Những giới hạn về hóa chất giúp đảm bảo việc không sử dụng hóa chất độc hại và gây tác động xấu môi trường và sức khỏe của người sử dụng; Trách nhiệm xã hội theo các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

     The Better Cotton Initiative (BCI) là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu và là chương trình bền vững về bông lớn nhất trên thế giới. Mục đích của BCI là giúp cho việc sản xuất bông toàn cầu trở nên tốt hơn cho những người trồng, cho môi trường và cho tương lai của ngành. BCI thúc đẩy những cải tiến có thể đo lường được trong trồng bông để giúp hoạt động này bền vững hơn về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

     Các hoạt động của BCI bao gồm: Xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí sản xuất để đưa ra định nghĩa toàn cầu về Better Cotton (bông tốt hơn); Hỗ trợ nông dân để thúc đẩy các cơ chế tạo điều kiện từ cấp địa phương đến toàn cầu, phối hợp với các đối tác có kinh nghiệm, khuyến khích các quỹ hợp tác công tư để triển khai các cơ chế này; Khuyến khích người trồng bông cải tiến liên tục, thông qua số liệu đo đạc và chu kỳ rút kinh nghiệm theo mùa vụ; Kết nối cung cầu thông qua các đơn hàng được xác định là 100% xơ BCI; Các cơ chế giám sát, đánh giá, học hỏi để đo lường tiến độ và sự thay đổi, đồng thời đảm bảo hệ thống Better Cotton tạo tác động tích cực tới đối tượng hưởng lợi trực tiếp; Tạo điều kiện trao đổi các thực hành và kiến thức tốt nhất để khuyến khích các hành động tập thể.

     Cradle-to-Cradle (C2C): Triết lý của C2C là thiết kế lại, định hình lại hệ thống thiết kế và sản xuất sản phẩm truyền thống thành một hệ thống khép kín, trong đó mọi vật liệu đi trong chu trình sử dụng và tái sử dụng liên tục. Để đạt được chứng nhận C2C, các sản phẩm cần được đánh giá về hiệu quả môi trường và xã hội theo 5 hạng mục bền vững gồm: nguyên liệu bền vững; tái sử dụng nguyên liệu; quản lý carbon và năng lượng tái tạo; quản trị nước và công bằng xã hội.

     C2C có ý nghĩa nhiều hơn là một dấu hiệu được công nhận về chất lượng sản phẩm. Đăng ký với C2C có nghĩa là công ty của bạn: Đang tham gia vào một cộng đồng các doanh nghiệp sáng tạo, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng được chứng nhận, và mang lại lợi ích về xã hội và môi trường trong nền kinh tế tuần hoàn; Được phép dùng nhãn thương mại C2C để thể hiện cam kết liên tục cải tiến và là một tuyên bố chất lượng toàn diện; Trở thành đơn vị có sản phẩm đươc ưa chọn” cho nhiều chương trình mua hàng nhấn mạnh yếu tố môi trường.

     Quy trình sản xuất của ngành Dệt May

     Hiện nay, trên toàn cầu có rất nhiều cơ chế và công cụ giúp doanh nghiệp sản xuất cải thiện hoạt động môi trường để liên tục trở nên “xanh hơn”. Dưới đây là mô tả tóm tắt một số công cụ được công nhận và áp dụng phổ biến hàng đầu.

     Không xả thải hóa chất nguy hại (ZDHC): Chương trình ZDHC Roadmap to Zero được khởi xướng năm 2011 nhằm “bảo vệ hành tinh” bằng cách giảm dấu chân hóa chất của ngành công nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. ZDHC đánh giá mức độ  nghiêm trọng của mối nguy hại từ việc sử dụng hóa chất, nhận diện rủi ro, phát triển các phương pháp và công cụ, xây dựng nhận thức và giáo dục các bên trong chuỗi cung ứng về sử dụng, quản lý hóa chất có trách nhiệm, cách thức thay thế hóa chất độc hại bằng các lựa chọn an toàn hơn.

     Có 2 module trong tiếp cận ZDHC. Đối với nhà sản xuất ngành Dệt May, module Hóa chất có vai trò là một công cụ tìm kiếm tiên tiến các loại hóa chất và thực hành quản lý hóa chất phù hợp. Còn module Nước thải thì đi xa so với tuân thủ quy định pháp luật để bảo đảm doanh nghiệp xả nước thải không gây tác động tiêu cực tới môi trường và cộng đồng xung quanh.

     Nhà cung ứng được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn thống nhất như trong Hướng dẫn về Nước thải của ZDHC. Họ có thể kiểm tra nước thải của mình và chia sẻ kết quả đồng thời với tất cả các khách hàng. ZDHC có 86 phòng thí nghiệm được công nhận trên toàn cầu tính đến cuối năm 2019. Các nhãn hàng cũng có được lợi ích từ hệ thống này vì họ có thể tìm kiếm kết quả từ nhiều nhà cung ứng ngay trên 1 nền tảng, đó là ZDHC Gateway của module Nước thải

     Higg Index25 là bộ công cụ tự đánh giá tính bền vững được phát triển bởi SAC để xem xét tác động của sản xuất, thương hiệu và sản phẩm ngành Dệt May. Để đạt được chứng nhận Higg Index, doanh nghiệp cần áp dụng các công cụ: Công cụ cho sản phẩm giúp các thương hiệu, nhà bán lẻ, nhà sản xuất… hiểu được tác động môi trường của trang phục, giày dép và hàng dệt; Công cụ cho nhà máy đo lường các tác động bền vững đến môi trường và xã hội tại các cơ sở sản xuất trên khắp thế giới. Công cụ cho nhãn hàng và bán lẻ đánh giá tính bền vững của vòng đời sản phẩm, hiệu quả môi trường và tác động xã hội của chuỗi giá trị.

     Higg Index cho phép và khuyến khích các thương hiệu, nhà bán lẻ, nhà sản xuất trở nên minh bạch bằng cách truyền đạt công khai thông tin về tính bền vững rõ ràng, đáng tin cậy và có ý nghĩa. Higg Index tạo ra các giá trị cho doanh nghiệp thông qua: Tập trung vào chiến lược bền vững của công ty; Xác định các cơ hội thúc đẩy đổi mới đồng thời cắt giảm chi phí và chất thải; Tránh lãng phí thời gian và chi phí nhờ cách tiếp cận “tự đánh giá”; Giảm thời gian chia sẻ dữ liệu, chi phí và độ phức tạp; Thúc đẩy cải tiến thông qua lập định mức ngành; Tối ưu hóa việc tìm kiếm nguồn cung; Hỗ trợ trao đổi thông tin giữa các bên hữu quan.

     Bluesign là một tiêu chuẩn quốc tế ra đời năm 2000, với mục đích quản lý việc không sử dụng các hóa chất độc hại trong sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm dệt may. Chứng nhận này thể hiện cho mức độ bảo đảm với người tiêu dùng rằng sản phẩm được sản xuất với việc sử dụng tài nguyên có trách nhiệm, tác động tới môi trường và con người thấp nhất có thể. Các tiêu chí nghiêm ngặt của bluesign cung cấp tất cả thông tin liên quan và đảm bảo tính minh bạch, nhất quán và khả năng truy xuất nguồn gốc của tất cả các bước xử lý nguyên liệu. Các nguyên liệu được tạo ra  trong chuỗi sản phẩm hoặc các sản phẩm trung gian được bluesign đánh giá và mang nhãn bluesign®APPROVED.

     Hệ thống quản lý bluesign bao gồm: Quản lý dòng vào (Loại bỏ chất độc hại và kiểm soát nguồn đầu vào); Quản lý quá trình sản xuất (Đảm bảo an toàn và thân thiện môi trường; Quản lý dòng ra (Kiểm tra sản phẩm đầu ra phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu của khách hàng). Chứng nhận bluesign là phương thức hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn mới nhất về môi trường, sức khỏe và an toàn mà không ảnh hưởng đến chức năng, chất lượng hoặc thiết kế sản phẩm của doanh nghiệp nhờ giúp giảm lãng phí tài nguyên và chi phí trong mỗi công đoạn của quá trình sản xuất và giảm tiêu thụ nước, năng lượng, cũng như lượng hóa chất có trong nước thải.

     ISO 14001 là một phần của bộ tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường áp dụng cho tất cả mọi tổ chức doanh nghiệp ở bất cứ nơi đâu. Tiêu chuẩn này giúp đảm bảo cho hoạt động trong ngành Dệt May theo hướng thân thiện với môi trường, thúc đẩy cải tiến liên tục và bền vững, cũng như giảm tác động môi trường từ quá trình sản xuất.

     Để được chứng nhận, doanh nghiệp cần tham khảo các bước sau: Đào tạo nội bộ về yêu cầu của tiêu chuẩn và yêu cầu của pháp luật; Xây dựng văn bản cho hệ thống quản lý môi trường; Thực hiện và giám sát việc thực hiện hệ thống; Đánh giá và xác nhận tuân thủ; Nhận chứng chỉ; Duy trì chứng chỉ.

     Lợi ích cho các nhà sản xuất bao gồm: Quản lý môi trường tốt hơn nhờ giảm thiểu phát thải và sử dụng nguyên, nhiên liệu hiệu quả hơn; Bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước; Cải thiện năng suất để cắt giảm chi phí vận hành; Cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp và tăng cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn; Đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý để giành được sự tin tưởng từ các bên hữu quan.

     Như vậy, trước xu thế hướng tới sự phát triển bền vững, việc xanh hóa đang là xu hướng tất yếu của ngành Dệt May toàn cầu. Ngày nay, người tiêu dùng dần quan tâm đến chuỗi cung ứng hàng hóa xanh, các thành phần của sản phẩm, quy trình sản xuất trước khi mua hàng… Do vậy, việc sử dụng công nghệ xanh, sạch, năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng tất yếu. Những thay đổi này buộc các quốc gia nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng phải thay đổi phương thức quản lý, trong đó đặc biệt nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và thực hiện trách nhiệm xã hội; tuân thủ những cam kết về môi trường trong các FTAs thế hệ mới, đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng tiến bộ trên thế giới.

     Xem tiếp Phần 2: Những triển vọng và cơ hội chuyển đổi xanh hóa ngành Dệt May Việt Nam đăng trên số 8/2021

ThS. Lê Thị Hường

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2021)

 

 

Ý kiến của bạn