Banner trang chủ

Đề xuất tiêu chí, quy trình xây dựng và áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT) phù hợp với điệu kiện Việt Nam

07/09/2022

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

    Trước các vấn đề chất lượng môi trường ở nước ta có những diễn biến phức tạp do sự phát triển các ngành công nghiệp, bao gồm ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên đang diễn ra gay gắt với mức độ phức tạp ngày càng gia tăng, làm thiệt hại lớn về môi trường và kinh tế, gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng khác nhau đòi hỏi có những sáng kiến, những cải tiến công nghệ trong sản xuất nhằm vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa ít tổn hại đến môi trường. Áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (Best Available Technology-BAT) là cách tiếp cận quản lý tổng hợp về áp dụng kỹ thuật sẵn có, an toàn và phù hợp với thực tế nhằm giảm hoặc phòng ngừa việc phát thải một hay một số chất gây ô nhiễm, hoặc sử dụng hiệu quả tài nguyên (năng lượng, nguyên liệu hoặc nước) hoặc giảm thiểu rủi ro sự cố (như hóa chất), từ đó tăng hiệu quả kinh tế đối với doanh nghiệp áp dụng BAT.

    Trong thời gian qua tại Việt Nam đã có một số ngành sản xuất trong nước đã biết đến và sử dụng BAT từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ngành Dệt may và Da giày là hai ngành hội nhập sớm và sâu nhất, cũng là 2 ngành tiếp cận BAT đầu tiên. BAT hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng các kỹ thuật tốt nhất của ngành nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm phát thải nhưng không gọi BAT. Tuy nhiên, BAT đang sử dụng ở Việt Nam phần lớn đến từ nước ngoài, Việt Nam chưa có danh mục BAT riêng.

    Tại Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm BAT được đưa vào Luật BVMT năm 2020:“Kỹ thuật hiện có tốt nhất  là các kỹ thuật và phương thức quản lý hiệu quả, tiên tiến, phù hợp với thực tế nhằm ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm trong từng giai đoạn của quá trình sản xuất, giảm thiểu tác động đến môi trường” (Khoản 36, Điều 3).

    Bài trình bày đề xuất tiêu chí, quy trình xây dựng và lộ trình áp dụng BAT phù hợp với điệu kiện Việt Nam theo quy định của Luật BVMT năm 2020.

2. TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH KỸ THUẬT HIỆN CÓ TỐT NHẤT

    Dựa theo định nghĩa về BAT theo Khoản 36, Điều 3, Luật BVMT năm 2020, các tiêu chí xác định BAT bao gồm:

a) Nhóm tiêu chí kỹ thuật, bao gồm các thông số sau:

- Định mức tiêu thụ nguyên vật liệu đối với mỗi loại nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất (tính bằng kg/tấn sản phẩm).

- Định mức tiêu thụ hóa chất đối với mỗi loại hóa chất phục vụ cho sản xuất (tính bằng kg/tấn sản phẩm).

- Định mức tiêu thụ nhiệt hay năng lượng do đốt than, dầu, củi, khí hóa lỏng (LPG), khí thiên nhiên (NG), sinh khối (tính bằng GJ/tấn sản phẩm).

- Định mức tiêu thụ điện (tính bằng MWh/tấn sản phẩm).

- Định mức tiêu thụ nước (tính bằng m3/tấn sản phẩm).

    Những tiêu chí thuộc nhóm kỹ thuật được ký hiệu là Ykt-i, trong đó i là số lượng các tiêu chí kỹ thuật từ 1 đến 5

b) Nhóm tiêu chí về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (gọi tắt là nhóm tiêu chí môi trường), bao gồm các thông số:

- Hệ số phát thải đối từng chất ô nhiễm có trong khí thải (tính bằng kg/tấn sản phẩm) (Gọi tắt là Hệ số phát thải khí thải).

- Hệ số phát thải đối từng chất ô nhiễm có trong nước thải (tính bằng kg/tấn sản phẩm) (Gọi tắt là Hệ số phát thải nước thải) .

- Hệ số phát thải đối với chất thải rắn thông thường (tính bằng kg/tấn sản phẩm) (Gọi tắt là Hệ số phát thải chất thải rắn thông thường).

- Hệ số phát thải đối với chất thải nguy hại (tính bằng kg/tấn sản phẩm) (Gọi tắt là Hệ số phát thải chất thải nguy hại).

    Những thông số thuộc tiêu chí môi trường được ký hiệu là Ymt-j, trong đó j là số lượng các thông số môi trường từ 1 đến 4

    Để cho đơn giản có thể gọi chung các thông số là Yti  trong đó i từ 1 đến 9.

    Do mỗi nhóm thông số được sử dụng để đánh giá kỹ thuật hiện có của một dây chuyền công nghệ cụ thể. Nếu trong một cơ sở sản xuất có nhiều dây chuyền công nghệ, mỗi dây chuyền công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau thì cần phải xác định từng nhóm thông số cho từng dây chuyền công nghệ, cho từng loại sản phẩm.

    Có thể tóm tắt nhóm thông số để đánh giá kỹ thuật hiện có trong Bảng 1.

Bảng 1. Các tiêu chí đánh giá kỹ thuật hiện có

STT

Tiêu chí

Đơn vị tính theo tấn sản phẩm

Ký kiệu

theo nhóm

Ký kiệu

chung

I

Nhóm thông số kỹ thuật

 

Ykt-i

Yti

1

Định mức tiêu thụ nguyên vật liệu

kg/tấn

Ykt-1

Yt1

2

Định mức tiêu thụ hóa chất

kg/tấn

Ykt-2

Yt2

3

Định mức tiêu thụ nhiệt

GJ/tấn

Ykt-3

Yt3

4

Định mức tiêu thụ điện

MWh/tấn

Ykt-4

Yt4

5

Định mức tiêu thụ nước

m3/tấn

Ykt-5

Yt5

II

Nhóm thông số môi trường

 

Ymt-j

 

6

Hệ số phát thải khí thải

kg/tấn

Ymt-1

Yt6

7

Hệ số phát thải nước thải

kg/tấn

Ymt-2

Yt7

8

Hệ số phát thải CTR thông thường

kg/tấn

Ymt-3

Yt8

9

Hệ số phát thải đối với CTNH

kg/tấn

Ymt-4

Yt9

    Các thông số đánh giá kỹ thuật thực tế tốt nhất (BAT) sẽ thay đổi theo thời gian theo hướng ngày càng tốt hơn phụ thuộc vào trình độ công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải và trình độ quản lý sản xuất, quản lý môi trường.

    Do vậy, kỹ thuật thực tế tốt nhất (BAT) sẽ chỉ phù hợp trong một khoảng thời gian nhất định và chỉ phù hợp cho một quốc gia, một vùng lãnh thổ nhất định. Vì vậy, không thể lấy các thông số BAT của những năm 2015-2020 để áp dụng cho giai đoạn 2021-2025; Cũng không thể lấy BAT (thiết lập năm 2020) của các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… để áp dụng cho các nước đang phát triển như Việt Nam được. Mỗi quốc gia, trong một khoảng thời gian nhất định cần phải thiết lập một bộ các thông số BAT phù hợp với điều kiện thực tế của quốc gia mình.

3. QUY TRÌNH XÂY DỰNG KỸ THUẬT HIỆN CÓ TỐT NHẤT

    Quy trình xây dựng BAT cho một ngành cụ thể bao gồm các bước sau:

- Bước 1: Xác định số lượng các cơ sở sản xuất trong một ngành có công nghệ tương tự, lập danh mục các cơ sở cần điều tra, khảo sát thực tế (Ví dụ: Sản xuất giấy tẩy trắng từ giấy phế liệu) (Số lượng nhà máy được ký hiệu từ 1 đến n).

- Bước 2: Lập mẫu phiếu điều tra trong đó có các thông tin chung; thông tin về công nghệ sản xuất; công suất sản phẩm; các thông số kỹ thuật (tiêu thụ nguyên vật liệu, hóa chất, nhiệt, điện, nước); các thông số môi trường (đặc trưng khí thải, nước thải (lưu lượng, nồng độ), chất thãi rắn, chất thải nguy hại); công nghệ xử lý chất thải; các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường.

- Bước 3: Tiến hành điều tra thực tế, đo đạc, lấy mẫu, phân tích theo mẫu phiếu điều tra đã lập ở bước 2 tại các cơ sở sản xuất đã nêu tại bước 1.

- Bước 4 : Tính toán các các thông số kỹ thuật và các thông số môi trường (Yti) đối với mỗi nhà máy (Ký hiệu Yn-ti).

- Bước 5 : Lập bảng so sánh để xác định các thông số tương ứng với kỹ thuật thực tế tốt nhất của ngành sản xuất (Ký hiệu Yci) (Xem bảng 2).

Bảng 2.  Xác định kỹ thuật hiện có tốt nhất trên cơ sở số liệu điều tra thực tế

TT

Tiêu chí

Y1-ti

Y2-ti

Y3-ti

....

Yn-ti

Yci

Yci

BAT

I

Nhóm các thông số kỹ thuật

1

Định mức tiêu thụ nguyên vật liệu

Y1-t1

Y2-t1

Y3-t1

Yn-t1

Min {Y1-t1…Yn-t1}

Yc1

Yc1

2

Định mức tiêu thụ hóa chất

Y1-t2

Y2-t2

Y3-t2

Yn-t2

Min {Y1-t2…Yn-t2}

Yc2

Yc2

3

Định mức tiêu thụ nhiệt

Y1-t3

Y2-t3

Y3-t3

Yn-t3

Min {Y1-t3…Yn-t3}

Yc3

Yc3

4

Định mức tiêu thụ điện

Y1-t4

Y2-t4

Y3-t4

Yn-t4

Min {Y1-t4…Yn-t4}

Yc4

Yc4

5

Định mức tiêu thụ nước

Y1-t5

Y2-t5

Y3-t5

Yn-t5

Min {Y1-t5…Yn-t5}

Yc5

Yc5

II

Nhóm các thông số môi trường

6

HSPT khí thải

Y1-t6

Y2-t6

Y3-t6

Yn-t6

Min {Y1-t6…Yn-t6}

Yc6

Yc6

7

HSPT nước thải

Y1-t7

Y2-t7

Y3-t7

Yn-t7

Min {Y1-t7…Yn-t7}

Yc7

Yc7

8

HSPT CTR thông thường

Y1-t8

Y2-t8

Y3-t8

Yn-t8

Min {Y1-t8…Yn-t8}

Yc8

Yc8

9

HSPT đối với CTNH

Y1-t9

Y2-t9

Y3-t9

Yn-t9

Min {Y1-t9…Yn-t9}

Yc9

Yc9

4. LỘ TRÌNH ÁP DỤNG KỸ THUẬT HIỆN CÓ TỐT NHẤT

    Theo Khoản 3, Điều 105, Luật BVMT năm 2020 về áp dụng kỹ thuật thực tế tốt nhất thì Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng BAT để áp dụng tại Việt Nam. Định kỳ Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục BAT bảo đảm sự phù hợp với thực tế và mức độ phát triển của khoa học và công nghệ; hướng dẫn kỹ thuật áp dụng BAT đối với từng loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xem xét công nhận BAT đã được áp dụng tại nhóm các nước công nghiệp phát triển để áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại Việt Nam. Chỉ có thể áp dụng BAT của các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các dự án đầu tư mới (đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài) tại Việt Nam. Hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng BAT đối với một ngành bao gồm các thông tin chung, các vấn đề môi trường ngành, các công đoạn sản xuất và kỹ thuật áp dụng, mức phát thải và tiêu thụ tài nguyên, các kỹ thuật được xem xét để xác định BAT, kết luận về BAT, các kỹ thuật mới, kết luận - kiến nghị. Dựa vào hướng dẫn kỹ thuật, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định kỹ thuật để bắt buộc áp dụng.    

    Điều 53, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã quy định lộ trình áp dụng BAT đối với chủ dự án đầu tư thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này như sau:  Đối với dự án đầu tư Mức I trước ngày 1/1/2027, mức II trước ngày 1/1/2028, mức III trước ngày 1/1/2029 (Khoản 1). Đối với cơ sở đang hoạt động thì lộ trình áp dụng được lùi 1 năm so với dự án đầu tư: Cơ sở thuộc Mức I trước ngày 1/1/2028, mức II trước ngày 1/1/2029, mức III trước ngày 1/1/2030 (Khoản 2).

    Để đáp ứng được lộ trình áp dụng BAT nêu trên, Bộ TN&MT cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan ban hành hướng dẫn kỹ thuật, tiếp theo là quy định kỹ thuật để bắt buộc áp dụng BAT  đối với 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nêu tại Phụ lục II, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

    Khoản 3, Điều 53, Nghị định số số 08/2022/NĐ-CP cũng khuyến khích chủ dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường áp dụng BAT đối với ít nhất một hoạt động hoặc công đoạn sản xuất sớm hơn lộ trình quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 53 để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này.

5. KẾT LUẬN - KIẾN NGHỊ

    Hiện nay tại Việt Nam đã có một số doanh nghiệp đang sử dụng BAT, nhưng phần lớn tham khảo từ nước ngoài, Việt Nam chưa có danh mục BAT riêng.

    Để có thể áp dụng BAT theo quy định của Luật BVMT năm 2020, cần phải xây dựng hệ thống tiêu chí, quy trình xác định và điều kiện áp dụng BAT.

    Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan sớm xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng BAT, từ đó ban hành quy định kỹ thuật để bắt buộc áp dụng BAT cho 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[01]. Luật BVMT năm 2020.

[02]. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

[03]. Tài liệu Hội thảo “Lộ trình áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất và các giải pháp áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam”. TP. Hồ Chí Minh, 12/7/2022.

PGS.TS. Phùng Chí Sỹ

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2022)

Ý kiến của bạn