Banner trang chủ

Cần coi trọng không gian xanh trong quy hoạch đô thị

17/12/2020

     Không gian xanh (KGX)  được ví như lá phổi của đô thị và là yếu tố của nghệ thuật bố cục không gian và cảnh quan đô thị. Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa nhanh đã làm cho KGX bị thu hẹp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có những diễn biến phức tạp, con người cần nhận thức toàn diện, coi KGX là tài sản quý cần được bảo vệ và phát triển.

     KGX và vai trò cải thiện chất lượng sống của người dân

     KGX là một phần của cấu trúc đô thị. KGX làm tăng tính thẩm mỹ, màu sắc, cảnh quan của đô thị, tạo nên sự hài hòa và tăng yếu tố sinh thái trong cảnh quan đô thị. KGX công cộng góp phần cân bằng xã hội, môi trường sống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

     Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có nhiều nghiên cứu về tầm quan trọng của KGX đối với sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các KGX đô thị như công viên, sân thể thao, rừng cây, ven hồ và vườn cây mang đến cho con người không gian để hoạt động thể chất, thư giãn, yên bình và thoát khỏi nhiệt độ nóng bức. KGX cũng góp phần làm cho chất lượng không khí được cải thiện, giảm tiếng ồn giao thông…

     Có thể hiểu, KGX là môi trường tự nhiên, được tự nhiên hóa một phần hoặc hoàn toàn bởi thực vật, mặt nước và là những không gian công cộng ngoài trời nhằm phục vụ các hoạt động thể chất, thư giãn tinh thần, giao tiếp xã hội, sinh hoạt cộng đồng và các hoạt động vui chơi, giải trí khác của người dân. Với mục tiêu phát triển đô thị bền vững và BVMT sinh thái, KGX được phân thành 3 loại: KGX tự nhiên, KGX bán tự nhiên và KGX nhân tạo.

     KGX tự nhiên là không gian đang tồn tại những loài thực vật, động vật đặc trưng, bản địa, tái sinh mà không có sự can thiệp của con người. Các tác động của con người vào KGX tự nhiên nếu có thì rất hạn chế, chỉ nhằm mục đích chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên.

     KGX bán tự nhiên là các KGX tự nhiên, nhưng có sự can thiệp của con người theo mức độ khác nhau, tùy thuộc mục tiêu bảo vệ, phát triển các KGX này và mục tiêu phát triển khác.

    KGX nhân tạo là KGX tự nhiên, bán tự nhiên hoặc các khu vực đất trống đã được con người đầu tư trồng cây xanh, thảm thực vật; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình, trang thiết bị với hoạt động nhằm phục vụ mục tiêu nâng cao sức khỏe tinh thần, thể chất của người dân và các mục tiêu khác (thẩm mỹ đô thị, môi trường đô thị và kinh tế đô thị). KGX nhân tạo bao gồm công viên, vườn hoa, cây xanh trong các khu dân cư, công trình công cộng, trụ sở cơ quan, cây xanh đường phố.

     Một số kinh nghiệm quy hoạch KGX trên thế giới

     Ở Pháp, Luật Cảnh quan xanh được ban hành từ năm 1993. Đây là công cụ pháp lý đầu tiên dành cho chủ đề bảo vệ và tăng cường chất lượng các khu vực cảnh quan xanh. Sau đó, Luật Tiếp cận nhà ở và cải tạo đô thị (ALUR) ra đời đã tăng cường các phương pháp để đưa cảnh quan xanh đi vào quy trình lập quy hoạch. Với Luật ALUR, mục tiêu của quy hoạch cảnh quan xanh được mở rộng. Việc lập quy hoạch có nghĩa vụ bảo tồn và nâng cao chất lượng cảnh quan xanh trong phạm vi toàn quốc. Luật ALUR đã thống nhất cách hiểu về cảnh quan xanh trong hệ thống quy hoạch. Đối với quy hoạch vùng tỉnh, Điều L122-1-4 của Luật ALUR yêu cầu đồ án phải thể hiện việc "sử dụng tiết kiệm các vùng tự nhiên, bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và bảo vệ các khu vực cảnh quan thiên nhiên". Đối với quy hoạch đô thị và khu dân cư, Điều L123-1 của Luật ALUR quy định quy hoạch phải đưa ra các hướng dẫn để có thể xác định hành động cần thiết nhằm tăng cường chất lượng môi trường, cảnh quan. Ngoài ra, quy hoạch cần "xác định và định vị các khu vực cảnh quan xanh, cùng các yêu cầu tương ứng để đảm bảo sự bảo vệ của chúng".

     Để tuân thủ những quy định này, nghiên cứu cảnh quan xanh đã trở thành một trong những định hướng khung cho việc phát triển ý tưởng quy hoạch đô thị. Kiến trúc sư cảnh quan và các chuyên gia môi trường phải tham gia trong các khâu thiết kế, định hướng không gian, xây dựng quy định pháp lý, lập chương trình phát triển. Đó là cách làm mới yêu cầu tích hợp trong suốt quá trình lập quy hoạch và quản lý phát triển.

     Tại Hàn Quốc, Seoul là một hình mẫu về cải tạo hạ tầng xanh. Trong vòng 30 năm, Seoul liên tục thực hiện các dự án cải tạo cấu trúc đô thị, phát triển không gian công cộng và cung cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tăng cường cây xanh. Nhiều công viên lớn được xây dựng dọc hai bên bờ sông Hàn nhằm sửa chữa những sai lầm trong quy hoạch trước đây. Tính đến nay, 40 km dọc đôi bờ sông Hàn có 12 công viên lớn bao gồm hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú...

     Tận dụng mọi không gian để trồng cây, chính quyền Seoul cũng đã biến một cây cầu vượt cũ được xây dựng vào năm 1970 thành một công viên trên cao rất ấn tượng. Công viên có tên Seoullo 7017 với hơn 24 nghìn cây xanh. Trong tương lai, khu vực này dự kiến sẽ được xây dựng thành một nơi ươm mầm xanh cho Seoul. Từ năm 2014 đến nay, chính quyền và người dân đã trồng được 15 triệu cây xanh. Dự kiến đến năm 2022, 15 triệu cây xanh nữa sẽ được trồng cùng với việc mở thêm 2 khu rừng lớn ở phía Bắc và Nam Thủ đô nhằm giảm khói bụi.

KGX công cộng góp phần cân bằng xã hội, môi trường sống

     Lượng cây xanh nói trên có thể tạo ra lượng ôxy đủ cho 21 triệu người trưởng thành mỗi năm. Từ chỗ phải hứng chịu hậu quả do theo đuổi mục tiêu tăng trưởng “nóng” mà bỏ qua yếu tố môi trường, ngày nay, chính quyền và người dân Seoul hiểu rất rõ ý nghĩa, giá trị của KGX đối với sức khỏe và cuộc sống. Có thể thấy, Hàn Quốc nằm trong số top các quốc gia có hạ tầng xanh của thế giới.

     Bài học kinh nghiệm ở Việt Nam

     Ở Việt Nam, KGX ở những đô thị cũ đã trở thành nét đặc trưng. Hải Phòng được gọi là thành phố Hoa phượng đỏ với lễ hội Hoa phượng đã trở thành một phần của bản sắc văn hóa đất Cảng, TP. Hồ Chí Minh xao xác với lá me bay, Hà Nội với nhiều tuyến phố có hàng cây sấu cổ thụ, cây phượng, cây cơm nguội, hoa sữa… KGX còn gắn với đặc điểm văn hóa - xã hội - tự nhiên và trình độ phát triển khác nhau của mỗi đô thị. KGX góp phần phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ.

     Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sức ép về nhà ở và quỹ đất hạn hẹp, KGX bị xâm hại, thu hẹp dần, thiếu cả số lượng và chất lượng. Tỷ lệ cây xanh trên đầu người ở nhiều thành phố nước ta còn thấp. Hiện hầu hết các công trình xây dựng trong các thành phố có quy mô nhỏ, nhiều nhà cao tầng, chỉ tính riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có hàng trăm dự án các khu đô thị mới và rất nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện, trong đó phần lớn đã đi vào sử dụng. Song, các chủ đầu tư chưa quan tâm đến những biện pháp để tiết kiệm năng lượng, thiết kế mở rộng các KGX tự nhiên, nhân tạo…

     Về mặt kiến trúc, quy hoạch trong các thành phố chưa phát huy được lợi thế của điều kiện tự nhiên, các kinh nghiệm truyền thống của thế hệ đi trước trong việc tạo dựng môi trường ở xứ nhiệt đới. Về mặt quản lý và sử dụng công trình, chưa chú trọng vào vấn đề tiết kiệm năng lượng, việc quản lý chất thải, khí thải chưa được thực hiện triệt để. Về quy hoạch, chưa có sự nghiêm túc trong quản lý, giám sát thực hiện, dẫn đến tình trạng diện tích KGX, không gian công cộng bị cắt xén.

     Trong quy định của pháp luật hiện hành, Thông tư số 06/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về nội dung thiết kế đô thị đã xác định KGX bao gồm “hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, công viên hoặc rừng tự nhiên, nhân tạo trong đô thị”. Ngoài ra “cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa” đã được quy định tại các văn bản về quy hoạch đô thị trước đây gồm: Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 về phân loại đô thị, Tiêu chuẩn số 4449/1987/TCVN về quy hoạch xây dựng đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế.

     Tuy nhiên, khái niệm về KGX chưa có khái niệm cụ thể và rõ ràng trong các quy định của văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam. Đồng thời, trong thực tiễn cũng đã có những khó khăn khi xác định KGX trong đồ án quy hoạch đô thị cũng như triển khai quản lý KGX theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Do vậy, để làm rõ thuật ngữ “KGX” cần thiết phải nghiên cứu các khái niệm, định nghĩa của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, đưa ra khái niệm KGX, để làm cơ sở đánh giá thực trạng quản lý KGX của đô thị.

     Để phát triển một đô thị có KGX, điều kiện tiên quyết chính là trong công tác quy hoạch cần có sự thống nhất và định hướng rõ nhằm đem lại hiệu quả cao, quy định quỹ đất cây xanh, mặt nước hay trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hướng tới tính tiện ích và hiện đại, phù hợp với nhu cầu sinh hoạt đi lại của người dân. Thiết lập hệ thống KGX trong đô thị, cần coi trọng đầu tư chiều sâu. Một đô thị xanh phải có môi trường sống xanh với một tổng thể kiến trúc xanh được sắp xếp hài hòa và quản lý theo quy hoạch của kiến trúc đô thị. Quy hoạch phải có tầm nhìn và phải triển khai thực hiện đúng.

     Phát triển KGX phải được giám sát, quản lý chặt chẽ và thực thi phù hợp, cần mở rộng diện tích KGX ở các vùng ven đô. Với đô thị lớn, phát triển đô thị vệ tinh và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp xanh, tạo dựng vành đai xanh góp phần cân bằng KGX cho nội đô, vừa thu hút khách du lịch tới thăm quan các di tích, trải nghiệm ở nông trại, lại tạo nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho người dân đô thị. Trong nội đô không cho phép xây chung cư cao tầng, nhà bám sát mặt đường, khơi thông những dòng sông để tận dụng KGX của mặt nước.

     Cần có khung pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chỉ tiêu sử dụng đất và xâm chiếm diện tích ao hồ, cây xanh. Theo đó, quy định rõ các mức xử phạt hành chính, nếu vi phạm nghiêm trọng phải xử lý hình sự để răn đe. Tuyệt đối không để chủ đầu tư dẫn dắt, chi phối quy hoạch nếu không phù hợp với sự phát triển chung của cộng đồng, của thành phố, đất nước.

     Cần thay đổi về tư duy và lối sống, nâng cao ý thức của cấp lãnh đạo quản lý và cộng đồng về giá trị của hệ thống KGX đô thị, tích cực tham gia các mô hình, phong trào quản lý KGX ngay trong cộng đồng dân cư. Mỗi người dân, mỗi gia đình cần có ý thức tạo dựng KGX của chính ngôi nhà mình với những chậu cây xanh, bồn hoa..., đồng thời bảo vệ cây xanh để cải thiện môi trường sống, góp phần tạo xanh cho đô thị.

Nguyễn Ái Dương

Bộ Xây dựng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

               

Ý kiến của bạn