Banner trang chủ

Việt Nam - Hàn Quốc: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

06/10/2015

   Trong những năm qua, hợp tác về môi trường giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng năm, Việt Nam - Hàn Quốc đều tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về TN&MT. Bên cạnh đó, hai nước đã tổ chức nhiều Diễn đàn doanh nghiệp môi trường nhằm tạo cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực BVMT tại Việt Nam, đặc biệt là hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, phát triển và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, phát triển công nghệ xanh, thân thiện với môi trường… Trước thềm Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, ông Jung Gun Young - Giám đốc Trung tâm Hợp tác môi trường Việt Nam - Hàn Quốc đã trao đổi với Tạp chí Môi trường về những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc phát triển kinh tế gắn với BVMT.

Ông Jung Gun Young - Giám đốc Trung tâm hợp tác môi trường Việt Nam - Hàn Quốc

 

   Xin ông cho biết một số kết quả chính của sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực môi trường thời gian qua cũng như trong thời gian tới?

   Ông Jung Gun Young: Kể từ sau Hội nghị Bộ trưởng Môi trường Việt Nam - Hàn Quốc thường niên lần thứ 11 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 10/2014, Bộ Môi trường Hàn Quốc vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm nhằm giúp tăng cường năng lực quản lý môi trường cũng như giới thiệu các công nghệ môi trường của Hàn Quốc đến với Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2015, chúng tôi đã hoàn thành Dự án hợp tác với UBND tỉnh Cần Thơ về xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung cho các xã nông thôn ở huyện Vĩnh Thạnh từ nguồn nước mặt. Đây là Dự án đầu tiên sử dụng nguồn nước mặt từ nhánh sông Hậu phục vụ cấp nước ở Cần Thơ. Trong Dự án này, phía Hàn Quốc hỗ trợ toàn bộ hệ thống thiết bị, ước tính khoảng 500.000 USD, chiếm 30% tổng ngân sách Dự án. Phần kinh phí đối ứng còn lại do UBND tỉnh Cần Thơ đầu tư nhằm xây dựng hệ thống nhà xưởng, cơ sở hạ tầng và hệ thống đường ống phục vụ cấp và phân phối nước. Hệ thống cấp nước ở Vĩnh Thạnh vừa được khánh thành vào ngày 1/9 vừa qua nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng trong năm 2015, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã hỗ trợ Sở TN&MT Thái Nguyên 1 hệ thống quan trắc nước tự động phục vụ quan trắc nước ở vùng đầu nguồn sông Cầu với tổng kinh phí khoảng 300.000 USD. Dự án đã hoàn thành phần lắp đặt thiết bị và đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm để có thể hoàn thành vào tháng 10/2015. Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ về thiết bị, máy móc, Bộ Môi trường Hàn Quốc cũng tích cực duy trì các hoạt động hỗ trợ xây dựng nguồn nhân lực môi trường thông qua Chương trình học bổng thạc sỹ tại các trường đại học ở Hàn Quốc cũng như cung cấp các khóa học, cuộc khảo sát ngắn hạn tại các cơ quan quản lý môi trường ở Hàn Quốc cho các công chức, viên chức Việt Nam. Năm 2015, 3 công chức đầu tiên tham gia Chương trình học bổng thạc sỹ của Bộ Môi trường Hàn Quốc đã tốt nghiệp xuất sắc tại trường Đại học Yeungnam và có thêm 4 công chức khác của Việt Nam vừa nhập học tại trường Đại học TP. Seoul trong khuôn khổ Chương trình này. Tôi tin tưởng rằng, với thành tích học tập xuất sắc, các công chức, viên chức đã hoàn thành Chương trình thạc sỹ ở Hàn Quốc sẽ đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác và trao đổi giữa hai nước về lĩnh vực môi trường trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Jeong Yeon-man, Viện trưởng KEITI Kim Yong Joo và
Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Đào Anh Dũng cắt băng khánh thành hệ thống cấp nước sạch
nông thôn ở huyện Vĩnh Thạnh

   Những năm qua, nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc chọn Việt Nam đầu tư và kinh doanh rất hiệu quả. Bên cạnh thành công thì việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?

   Ông Jung Gun Young: Tính đến cuối tháng 12/2014, tổng vốn của các nhà đầu tư Hàn Quốc ở Việt Nam đã vượt hơn 37 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2015, đầu tư của các Công ty Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng 82,2% so với cùng thời kỳ năm ngoái. So với trước đây, quy mô các dự án và doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ngày càng lớn với hàng loạt công ty hàng đầu thế giới như Samsung, LG… đầu tư vào các ngành công nghệ cao, ít gây ô nhiễm. Tôi cho rằng, với việc thay đổi quy mô đầu tư cũng như sự có mặt của các tập đoàn nổi tiếng thế giới của Hàn Quốc tại Việt Nam, việc tuân thủ pháp luật môi trường của các nhà đầu tư Hàn Quốc đã có những cải thiện tích cực và đáng kể. Phần lớn các nhà đầu tư Hàn Quốc đều hiểu rõ, thực hiện tốt các quy định về BVMT và trách nhiệm xã hội sẽ góp phần quảng bá tốt hơn hình ảnh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của chính họ. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc trực tiếp đóng góp vào hoạt động cải thiện môi trường ở Việt Nam thông qua các khoản đầu tư trong lĩnh vực môi trường như xử lý chất thải và phát triển các hệ thống hạ tầng môi trường.

   Xanh hóa nền kinh tế đang trở thành một trong những ưu tiên của nhiều nước, cả các nước phát triển trong đó có Hàn Quốc. Vậy để triển khai chiến lược phát triển xanh, Hàn Quốc đã có những kế hoạch hành động gì nhằm đạt được mục tiêu trên?

   Ông Jung Gun Young: Cũng giống như Hàn Quốc trong các thập niên trước 1980, trong giai đoạn từ sau 1990, Việt Nam đã trải qua thời kỳ đẩy mạnh phát triển kinh tế và phát triển công nghiệp để đạt tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, Việt Nam hiện cũng đang phải trả giá cho quá trình phát triển này bằng các chi phí mà toàn xã hội phải chi trả để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật về môi trường tốt sẽ giúp BVMT tốt. Song điều quan trọng hơn nữa là phải có các chính sách và chiến lược tốt để các quy định luật pháp này được thực thi một cách đầy đủ. Muốn vậy, các quy định về BVMT cần phải đi đôi với việc đảm bảo đạt được các mục tiêu kinh tế một cách phù hợp.

   Các chính sách và chiến lược xanh hóa kinh tế của Hàn Quốc đều nhằm vào mục đích nói trên. Ngay từ thập niên 1990, với việc thành lập Bộ Môi trường Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc đã ưu tiên cho phát triển các ngành công nghiệp môi trường cũng như các công nghệ nhằm hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm cũng như tiết kiệm tài nguyên ở mức cao nhất. Ước tính, mỗi năm khoảng 60 - 70% tổng ngân sách của Bộ Môi trường Hàn Quốc (năm 2015, ngân sách cho mục chi này của Bộ Môi trường Hàn Quốc khoảng 5,7 tỷ USD) được sử dụng cho các chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm tài nguyên và ngành công nghiệp môi trường, cũng như phát triển hệ thống hạ tầng môi trường tại các địa phương.

   Phát triển kinh tế ở Việt Nam thời gian qua dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô và sơ chế. Mặc dù Việt Nam có chủ trương hướng tới một nền công nghiệp xanh, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế thấp nhất sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc thực hiện còn chưa đồng bộ. Vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc về vấn đề này đối với Việt Nam?

   Ông Jung Gun Young: Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia thành công trong bảo vệ hệ thống rừng và tài nguyên thiên nhiên ít ỏi của mình, được biết đến với việc áp dụng nghiêm ngặt chính sách bảo vệ vành đai xanh ngay từ đầu thập niên 1960, khi mà Hàn Quốc chỉ vừa mới triển khai các bước đi đầu tiên nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, Hàn Quốc đã không tránh khỏi phải trả giá đắt cho các thành tựu phát triển của mình do ô nhiễm môi trường diễn ra từ trước thập niên 1990. Như tôi đã chia sẻ ở trên, Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư cho phát triển các hệ thống hạ tầng môi trường đồng bộ với quá trình phát triển cũng như các công nghệ sản xuất nhằm hạn chế ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên nhưng vẫn có tính kinh tế cao. Muốn đạt được các mục tiêu này, việc hoạch định các chi phí dành cho BVMT trong các khoản chi của doanh nghiệp và xã hội cần phải được lưu tâm ngay từ khâu lập kế hoạch. Các hoạt động nâng cao nhận thức và hiểu biết để giúp xã hội hiểu rằng, các khoản chi cho BVMT có thể sẽ đẩy chi phí đầu tư ban đầu tăng cao song về lâu dài sẽ đem lại những lợi ích kinh tế lớn hơn do không phải chi trả cho các hoạt động làm sạch, cải tạo và phục hồi môi trường. May mắn, Hàn Quốc có cơ hội đăng cai tổ chức một số sự kiện tầm cỡ thế giới trong thập niên 1980. Nhờ những sự kiện này cùng với các làn sóng dân chủ hóa diễn ra mạnh mẽ đầu thập niên 1990, nhận thức của người dân Hàn Quốc nói chung về sự cần thiết cũng như nhu cầu phải có một môi trường sống lành mạnh đã tăng cao đáng kể. Nhờ đó, Chính phủ quan tâm hơn và tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống quản lý nhà nước về BVMT ở Hàn Quốc với việc thành lập Bộ Môi trường độc lập và hệ thống các cơ quan nghiên cứu và triển khai phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường cũng như các chính sách BVMT trong các ngành kinh tế khác nhau. Đặc biệt, việc thiết lập các quỹ dành cho hoạt động môi trường đã giúp Hàn Quốc nhanh chóng giải quyết được các vấn nạn môi trường (hậu quả của thời kỳ phát triển kinh tế trước đó) và biến Hàn Quốc ngày nay trở thành quốc gia có các chỉ tiêu môi trường ở mức cao trong khối OECD.

Xin cảm ơn ông!

 P.Tuyên (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 - 2015)

Ý kiến của bạn