17/02/2016
Hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là thách thức lớn, tác động lớn đến sản xuất, đời sống và môi trường. Nhiệt độ Trái đất tăng, mực nước biển dâng, xâm nhập mặn nguồn nước… ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các hoạt động kinh tế - xã hội. Nói cách khác, BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu, đòi hỏi mỗi quốc gia, lãnh thổ và từng địa phương phải có phương án ứng phó kịp thời và phù hợp.
Những ngày đầu năm 2016, thời tiết khắc nghiệt hoành hành khắp nơi trên thế giới. Tại Bờ Đông nước Mỹ, bão tuyết Jonas làm 19 người thiệt mạng và khiến hàng trăm nghìn người lâm vào khó khăn. Còn ở TP. New York, Baltimore, lệnh cấm đi lại đã được ban bố, thậm chí ở Thủ đô Washington, các sân bay phải đóng cửa khiến hơn 7.000 chuyến bay bị hủy. Châu Á cũng chịu ảnh hưởng tương tự từ BĐKH. Nhật Bản trải qua đợt giá rét trên diện rộng, trong khi Trung Quốc phải gánh cái lạnh kỷ lục trong 30 năm qua khi nhiệt độ tại Thủ đô Bắc Kinh giảm xuống -160C…
Tại Việt Nam, đợt không khí lạnh kỷ lục trong gần 40 năm qua diễn ra cuối tháng 1/2016, đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội. Tuyết, băng giá đã xuất hiện ở nhiều nơi phía Tây Bắc, thậm chí ở cả đỉnh Ba Vì (Hà Nội) hoặc Kỳ Sơn (phía Tây Nghệ An). Nhiệt độ giảm xuống mức 5,40C tại Thủ đô Hà Nội, tương đương với đợt rét đậm, rét hại vào năm 1977. Hậu quả là số bệnh nhân nhập viện gia tăng, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày có từ 2.500 - 3.000 bệnh nhân đến khám và điều trị.
Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, cả nước đã có gần 4.000 con gia súc bị chết, 5.000 ha hoa màu và hơn 200 ha cây công nghiệp ngắn ngày bị thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại gây ra.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương nhận xét, đây là sự bất thường của thiên nhiên, một hiện tượng thời tiết cực đoan, một hình thái của BĐKH và dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ còn xảy ra với cường độ ngày một mạnh hơn.
BĐKH tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, BĐKH cũng có thể là cơ hội nếu chúng ta biết khai thác, tận dụng. Hiện nay, ở các nước đang phát triển, mô hình phát triển thông thường là dựa trên khai thác tài nguyên, tận dụng lao động giá rẻ, gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Tư duy này sẽ phải thay đổi nếu vận dụng tốt sự hợp tác giữa các nước, nhất là từ các nước phát triển, liên quan đến BĐKH, từ đó hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát tỏa các bon. Nắm bắt vấn đề này, ngay từ năm 2011, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH. Đây là cơ hội để mở ra việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu, đa phương, song phương, qua đó tiếp cận, hình thành các cơ chế mới để tiếp nhận hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.
Những năm qua, từ Chiến lược của quốc gia, Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hành động cụ thể. Theo Sở TN&MT Hà Nội, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH năm 2011 và cập nhật liên tục. Các sở, ban, ngành cũng đồng loạt thực hiện kế hoạch này một cách tích cực và hiệu quả, bước đầu mang lại những thành công nhất định. Việc lồng ghép, tích hợp nội dung BĐKH vào các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch luôn được thành phố coi trọng và xem đây là nhiệm vụ cần thiết trong bối cảnh hiện nay và đang được thực hiện một cách có hiệu quả trên diện rộng.
Hồng Nhự