Banner trang chủ

Truyền thông nguy cơ sức khỏe môi trường - Khái niệm và một số thách thức

07/06/2017

   Vai trò và khái niệm truyền thông nguy cơ sức khỏe môi trường (SKMT)

   Do hậu quả của chiến tranh cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ SKMT. Nếu nguy cơ SKMT không được các bên liên quan đánh giá và truyền thông hiệu quả, kịp thời thì có thể dẫn đến sự mất niềm tin của cộng đồng. Thực tế cho thấy, cùng với sự bùng nổ của các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội facebook, với khoảng 20 triệu người dùng thì hoạt động truyền thông nguy cơ (TTNC) SKMT ở Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Vai trò của TTNC SKMT là hết sức quan trọng, giúp cộng đồng hiểu đúng về nguy cơ sức khỏe liên quan tới các yếu tố nguy cơ trong môi trường để chủ động phòng chống. Tuy nhiên, hoạt động TTNC SKMT trong thời gian qua chưa được triển khai hiệu quả đã làm tăng mức độ phản ứng bất bình, lo lắng trong cộng đồng và gây thiệt hại về kinh tế.

TTNC SKMT cần được thực hiện trong quá trình Đánh giá và quản lý nguy cơ SKMT

   Theo Hội đồng SKMT Ôxtrâylia (2012), TTNC SKMT ứng dụng lý thuyết truyền thông và là một quá trình tương tác giữa các cá nhân, tổ chức và bên liên quan về bản chất, mức độ nghiêm trọng, khả năng chấp nhận nguy cơ SKMT và quyết định được đưa ra để quản lý nguy cơ. TTNC SKMT được thực hiện càng sớm càng tốt và không được chờ đến khi tình huống vượt ngoài tầm kiểm soát bởi vì có thể sẽ dẫn đến phản ứng bất bình rất lớn trong cộng đồng và ảnh hưởng tiêu cực lên các biện pháp quản lý nguy cơ. Do cộng đồng và các bên liên quan có quyền được biết về nguy cơ và họ cũng là người thường nắm được các thông tin tại địa phương, như các nguồn thải, đường phơi nhiễm chính, hành vi của người dân, những quan tâm lo lắng của cộng đồng địa phương…, vì vậy, bản chất, mức độ và phạm vi của nguy cơ SKMT cần được truyền thông với những ngôn ngữ dễ hiểu tới tất cả các bên liên quan. TTNC SKMT là cấu phần quan trọng cần được thực hiện trong suốt quá trình đánh giá và quản lý nguy cơ SKMT. Do các bên liên quan có thể gồm nhiều thành phần khác nhau, vì vậy, để đảm bảo tính hiệu quả, cần xem xét sử dụng nhiều kênh truyền thông, các thông điệp và nội dung truyền thông khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng đích. Cách tiếp cận phù hợp nhất với TTNC tùy thuộc vào nguồn gốc, bản chất và quy mô của nguy cơ SKMT đang cần quản lý. Do vậy, TTNC SKMT là công cụ quan trọng làm giảm sự lo lắng của cộng đồng và các bên liên quan về nguy cơ SKMT, cũng như cho phép truyền tải các thông tin đến cộng đồng một cách hiệu quả nhất.

   Các nguyên tắc chính trong TTNC SKMT và một số thách thức

   Theo Covello & Allen (1988), để TTNC SKMT có hiệu quả thì cần đảm bảo 7 nguyên tắc cơ bản: Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và xem đây là một đối tác, mục tiêu tạo nên cộng đồng hiểu biết về nguy cơ, các biện pháp giảm thiểu nguy cơ; Lập kế hoạch và đánh giá các hoạt động truyền thông đã thực hiện; Lắng nghe những mối quan tâm cụ thể của cộng đồng; Luôn trung thực, thẳng thắn và cởi mở trong quá trình TTNC SKMT; Sử dụng những nguồn thông tin đáng tin cậy; Đáp ứng nhu cầu của các phương tiện truyền thông đại chúng; Phát ngôn rõ ràng với thái độ đồng cảm, chia sẻ trong các tình huống xảy ra bệnh dịch, chấn thương, hay tử vong. Mọi người có thể hiểu các thông tin nguy cơ, nhưng họ có thể không đồng ý và thậm chí không hài lòng nếu người làm công tác truyền thông không có thái độ phù hợp với tình huống. Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra nhiều hoạt động TTNC SKMT không hiệu quả và để lại các tác động tiêu cực lên sức khỏe, kinh tế, chính trị, xã hội.

   Trong TTNC SKMT có một số vấn đề thường gặp như ý kiến khoa học về TTNC SKMT chưa đồng nhất, các Bộ/ngành liên quan đưa ra các thông điệp khác nhau về cùng một nguy cơ SKMT; Thông điệp và nội dung TTNC SKMT tới cộng đồng không dựa vào kết quả đánh giá nguy cơ SKMT một cách khoa học và đáng tin cậy; Từ ngữ không thống nhất về một nguy cơ SKMT và có nhiều cách hiểu khác nhau. Mặt khác, thông tin về nguy cơ SKMT cho cộng đồng được viết theo văn phong khoa học, kỹ thuật với các từ ngữ chuyên ngành nên không phù hợp đối tượng, gây khó hiểu hoặc hiểu sai thông tin khoa học. Thông tin khoa học, chính thống về nguy cơ SKMT không được công bố kịp thời tới cộng đồng, gây hoang mang dư luận. Các hoạt động TTNC SKMT sau đó không kịp thời làm rõ các lời đồn đại không đúng về nguy cơ.

   TTNC về các mẫu máu nhiễm dioxin

   Cuối tháng 8/2012, hàng loạt các trang báo điện tử đăng tải các bài viết với nội dung: “62 người trên địa bàn TP. Đà Nẵng được chọn ngẫu nhiên xét nghiệm khảo sát nồng độ dioxin và kết quả mới được công bố là 100% mẫu máu đều bị nhiễm chất độc này. Đây là những người không có trong danh sách các nạn nhân chất độc da cam của TP, không có biểu hiện bị nhiễm dioxin như nhiều nạn nhân khác. Đầu tháng 9/2012, 25 người sẽ được ra Bệnh viện 103 - Học viện Quân y điều trị tẩy độc trên cơ thể bằng phương pháp Hubbard...”. Khi thông tin này được công bố trên báo đã gây hoang mang trong cộng đồng. Nhiều người dân sống xung quanh sân bay Đà Nẵng rất lo lắng, hoang mang và có nguyện vọng muốn được xét nghiệm máu để xác định nồng độ dioxin và được đưa đi “điều trị tẩy độc bằng phương pháp Hubbard”. Nhiều người cũng tỏ ra rất bi quan và cho rằng, khi trong máu có dioxin có nghĩa là họ sẽ sinh con dị tật, bị ung thư. Tuy nhiên, thực tế không đúng như thông tin đã đưa. Những người dân sống ở quốc gia khác hay người dân sống ở các tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam cũng thường cũng có một hàm lượng rất nhỏ dioxin trong máu. Nguyên nhân do dioxin được thải vào môi trường từ các quy trình sản xuất có sử dụng clo, đốt rác ở nhiệt độ thấp, sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ… Như vậy, cần thông tin rõ 100% mẫu máu nhiễm dioxin ở nồng độ nào. Chính quyền địa phương đã gặp một số khó khăn khi giải đáp những thắc mắc và nguyện vọng của người dân về việc họ mong muốn được đưa đi xét nghiệm và tẩy độc dioxin. Trong khi đó việc xét nghiệm dioxin trong máu là rất tốn kém (khoảng 20 triệu đồng/1 mẫu) và trên thế giới đến thời điểm này hiện vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả để giảm nhanh nồng độ dioxin trong cơ thể. Đối với các yếu tố nguy cơ mang tính nhạy cảm như dioxin thì nếu hoạt động TTNC SKMT không được thực hiện tốt sẽ gây hoang mang trong cộng đồng và có thể để lại những tác động tiêu cực về sức khỏe, kinh tế, xã hội…

   Phenol và xyanua trong hải sản 4 tỉnh miền Trung năm 2016

   Tháng 6/2016, xyanua và phenol trong nước thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh đã được cơ quan chức năng khẳng định là nguyên nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung. Ngày 24/8/2016, một số báo đưa tin Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) Quốc gia cho biết, vừa thực hiện xét nghiệm 9 mẫu cá do Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh gửi ra. Đây là các mẫu cá được lấy tại Gò Cá, xã Cẩm Nhượng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Kết quả phát hiện tồn dư xyanua trong 5 mẫu cá và hải sản với nồng độ dao động từ 0,5 - 3,9 mg/kg. Trước đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị kiểm tra các cơ sở đông lạnh trên địa bàn tỉnh và phát hiện 20 tấn cá nục nhiễm phenol với hàm lượng 0,037 mg/kg. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt phương án tiêu hủy 20 tấn cá này.

Cộng đồng là đối tác quan trọng trong TTNC SKMT

   Trên một số báo và mạng xã hội đưa tin hải sản miền Trung nhiễm xyanua và phenol là 2 chất cực độc nhưng không phân tích rõ là bình thường ở các quốc gia khác thì nồng độ xyanua và phenol tồn dư trong các loại thực phẩm ở mức nào. Đối với xyanua và phenol với mức nhiễm bẩn trong hải sản như vậy thì khi chế biến và nấu chín thì nồng độ giảm còn bao nhiêu và người dân tiêu thụ mức nào sẽ vượt giá trị TDI - là mức tiêu thụ hàng ngày chịu đựng được và tiêu thụ ở mức nào thì vẫn dưới ngưỡng. Các thông tin không dựa vào kết quả đánh giá nguy cơ khoa học đã làm người tiêu dùng hoang mang, không biết loại hải sản nào an toàn để tiêu thụ. Do đó cần có một đánh giá toàn diện về nguy cơ sức khỏe đối với việc tiêu thụ hải sản, mắm, muối liên quan đến các hóa chất tồn dư trong hải sản tại 4 tỉnh miền Trung để có thể kịp thời đưa ra khuyến cáo cụ thể. Kết quả đánh giá nguy cơ cần được minh bạch, là cơ sở khoa học cho công tác TTNC kịp thời tới cộng đồng để dự phòng phơi nhiễm nếu phát hiện nồng độ cao và cũng để người dân yên tâm tiêu thụ hải sản nếu nồng độ thấp, ở mức nguy cơ chấp nhận được khi phơi nhiễm trong thời gian dài. Tuy nhiên, khi truyền thông cần đặc biệt lưu ý đến tính chất nhạy cảm về chính trị, kinh tế, xã hội của nguy cơ SKMT này để tránh những tác động tiêu cực khác có thể xảy ra.

   Như vậy, TTNC SKMT là một quá trình quan trọng và cần được thực hiện trong suốt quá trình đánh giá và quản lý nguy cơ. Đây là một quá trình trao đổi hai chiều các thông tin về bản chất, mức độ nghiêm trọng, hay mức độ chấp nhận các nguy cơ và các quyết định được đưa ra để kiểm soát nguy cơ. TTNC SKMT đòi hỏi sự thẳng thắn và cởi mở tất cả các thông tin cần thiết cho các bên liên quan theo cách dễ hiểu nhất. Thông điệp, nội dung và hình thức TTNC SKMT cần tùy vào mức độ nhận thức của cộng đồng.

   Cũng lưu ý rằng, nguy cơ là một phần tất yếu của cuộc sống và công tác truyền thông nguy cơ là hết sức quan trọng, giúp cộng đồng hiểu đúng về mức độ nguy cơ dựa theo kết quả đánh giá nguy cơ khoa học, góp phần quản lý nguy cơ hiệu quả. TTNC SKMT là hoạt động khó có thể đảo ngược nên cần đặc biệt thận trọng và nội dung cần dựa vào kết quả đánh giá nguy cơ. Các thông điệp TTNC SKMT cần được xây dựng dựa vào kết quả đánh giá nguy cơ và nhất quán nội dung. Tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trong việc thiết kế sẵn sàng các quy trình và hướng dẫn TTNC SKMT để tăng khả năng đáp ứng nhanh với các giải pháp đặc thù của Việt Nam. Các cán bộ truyền thông và phóng viên cơ quan thông tin đại chúng cũng cần được tập huấn về công tác TTNC SKMT để phối hợp hiệu quả và đưa tin chính xác về các nguy cơ SKMT tới cộng đồng.

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh

Trường Đại học Y tế công cộng

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017

Ý kiến của bạn